1. Trẻ em dưới 18 tuổi có được quyền tố cáo khi bị đánh không?
Xin hỏi trẻ em dưới 18 tuổi có quyền được khiếu nại tố cáo hay không ạ? Nếu có cho tôi hỏi là vụ việc xảy ra hôm thứ 5, do có hiểu lầm ba tôi tát vào mặt tôi 4 cái khiến mắt tôi bị sưng, sau đó đập phá đồ đạc và tiếp tục đánh và chửi mắng tôi. Vậy cho tôi hỏi nếu tôi làm đơn kiện thì ông ấy có bị ra tòa không hay chỉ bị phạt tiền thôi ạ?
Cảm ơn!
Trả lời:
Thứ nhất, quyền khiếu nại, tố cáo được quy định tại Điều 30 Hiến Pháp năm 2013 như sau:
Điều 30
1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
Hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Điều 37 Hiến Pháp năm 2013 khẳng định: “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”, nhưng trên thực tế, tình trạng xâm hại, ngược đãi trẻ em vẫn liên tiếp diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần của trẻ em.
Trong khi đó, nghĩa vụ của cha mẹ được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể:
Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ
1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Như vậy, cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc cho con chứ không có quyền đánh đập, ngược đãi con.
Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em:
Điều 27. Vi phạm quy định về cấm ngược đãi trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em;
b) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
c) Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
d) Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần;
đ) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.
Ngoài ra, tội ngược đãi đối với con cái con bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Điều 151. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình
Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Như vậy, theo như thông tin bạn cung cấp thì bố của bạn chưa thể bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp bố của bạn còn tiếp tục có những hành vi đánh đập, xúc phạm bạn thường xuyên, gây hậu quả nghiêm trọng thì bạn cần thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Xử lý thế nào khi bị người chồng cũ đánh đập ?
Luật sư Minh Khuê cho em hỏi: Em có dì đã ly hôn. Nhưng họ hàng của bên chồng dì luôn gây sự đánh đập dì. Thậm chí còn ra nhà dì đe doạ và đập phá tài sản. Chồng dì còn nói sẽ lấy nhà, lấy con cái. Mặc dù toà đã phân chia rõ ràng. Giờ em kông biết làm sao. Nên xin luật sư chỉ hướng giúp giùm em
Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Với hành vi đánh đập của người chồng cũ của dì bạn thì trước hết dì bạn cần báo ngày với công an và chính quyền địa phương để được hỗ trợ can thiệp kịp thời và ngăn chặn hành vi trái pháp luật của người đó. Nếu hành vi đánh đập đó gây ra hậu quả là dì bạn bị thương tích, bị ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, vật chất,...thì dì bạn có thể khởi kiện người này tại Tòa án về tội cố ý gây thương tích theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015:
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Còn tùy thuộc vào tỷ lệ thương tật mà dì bạn bị thương thì mới xem xét khung hình phạt cụ thể đối với người chồng cũ.
3. Cha mẹ được quyền đánh đập con hay không?
Thưa luật sư, xin hỏi: Người cha có quyền đánh đập xúc phạm danh dự nhân phẩm của con cái hay không khi người con đủ 18 tuổi và là công dân việt nam. Người cha hành hung một cách vô lý do thì có phải là vi phạm pháp luật không ? Cảm ơn!
Trả lời:
Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
"Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Các hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 2 của Luật này.
2. Cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
3. Sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.
4. Trả thù, đe doạ trả thù người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
5. Cản trở việc phát hiện, khai báo và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
6. Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi hoặc thực hiện hoạt động trái pháp luật.
7. Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình."
Trong đó, Điều 2 quy định:
"Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình
1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng."
Như vậy, hành vi bạo lực gia đình của người cha là trái với quy định của pháp luật. Tùy vào mức độ của hành vi mà có thể xem xét xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Trong trường hợp này, bạn nên đến cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương trình báo về hành vi này để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người con.
4. Đánh đập đến con dẫn đến tử vong có thể chịu mức án tử hình?
Thưa luật sư, anh Nguyễn Văn A ở Bình Phước đã liên tục đánh đập, hành hạ khiến con riêng của người tình tử vong thì phải chịu trách nhiệm hình sự gì ạ? Anh ta có bị tử hình không ạ ? Hành vi của anh ta có được coi là giết con của mình không ạ?
Em cảm ơn ạ!
Trả lời:
Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa năm rõ được mục đích phạm tội của anh Hải nhưng dựa trên cơ sở của tình tiết vụ việc thì anh A có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội giết người (theo điều 123 Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2017 ) hoặc tội cố ý gây thương tích (theo điều 134 Bộ luật hình sự 2015).
Thứ nhất, khách thể bị xâm hại là sức khỏe tính mạng của người khác. Đối tượng bị tác động ở đây là trẻ em 8 tuổi.
Thứ hai, về mặt khách quan:
* Hành vi: Thường xuyên hành hạ, đánh đập khiến bé chấn thương khắp người dẫn đến bỏ ăn.
* Mối quan hệ nhân quả với hành vi: dẫn đến hậu quả em bé chết.
Thứ ba, về yếu tố lỗi:
* Lỗi ở đây là lỗi cố ý
* Tuy nhiên, khi thấy bé có dấu hệu tím tái thì đã gọi ngay vợ về để xem xét tình hình cho thấy mục đích của anh Hải không phải là muốn tước đi mạng sống của em bé mà chỉ muốn gây tổn hại đến sức khỏe của em bé thôi.
Thứ tư, về mặt chủ thể:
Anh A hoàn toàn đủ điều kiện về năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi (21 tuổi).
---> Sau khi phân tích về cấu thành tội phạm thì chúng tôi cho rằng anh A có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo khoản 4 mục 22 sửa đổi bổ sung điều 134 của Bộ luật hình sự 2015:
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
Anh A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu án phạt tù trong khung hình phạt từ 7 năm đến 14 năm.
5. Bị gia đình đánh đập tự ý bỏ nhà đi bụi cùng bạn thì có phạm luật không?
Thưa luật sư, xin hỏi: Tôi có 1người bạn là nữ sn:1999 (19tuổi) , bị gia đình đánh đập đến bầm cả 2tay 2chân sau đó bị người nhà lấy đồ đuổi đi, người bạn nữ đó bỏ đi. Tôi thấy vậy ko có chổ ở tôi mới kêu về ở chug với tôi tạm vài ngày thôi.
Tôi cũng có khuyên về nhưng bạn đó không chiệu đi về, bên gia đình người bạn đó mới lên báo với công an là bị mất tích, tôi có khuyên cô ấy về mà cô ấy không dám về vì sợ bị đánh. Hồi trước cô ấy cũng bị đánh nhém chết. Tôi cũng có khuyên cô ấy về nhưg cô ấy ko chiệu về, nếu như công an vào xét phòng trọ bắt được như vậy tôi có bị tội không. Tôi không dám nói chổ ở vì tôi cũng sợ cô ấy bị đánh đập tiếp).
Luật sư trả lời:
Căn cứ Điều 8 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính, phòng chống bạo lực gia đình thì người vi phạm về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú sẽ bị phạt tiền.
Điều 8. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
b) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, theo trường hợp của bạn trình bày ở trên, do bạn nữ kia là hoàn toàn tự nguyện ở nhà bạn mặc cho bạn khuyên can, để bạn nữ kia được ở nhà bạn một cách hợp pháp, bạn cần đến cơ quan công an cấp xã, phường, thị trấn nơi bạn sinh sống khai báo về việc bạn nữ kia tạm trú ở nhà bạn và làm thủ tục đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi số: 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng./.