Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế

Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế là việc cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quyết định hành chính về quản lý thuế được thực hiện. Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế sẽ được đề cập trong nội dung bài viết của Luật Hòa Nhựt dưới đây.

1. Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019, các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm:

- Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản.

+ Áp dụng với đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khác.

+ Khi nhận được quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác có trách nhiệm trích số tiền ghi trong quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế và chuyển sang tài khoản của ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế và đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế biết.

- Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập

+ Áp dụng đối với người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đang làm việc theo biên chế hoặc hợp đồng từ 06 tháng trở lên hoặc đang được hưởng trợ cấp hưu trí, mất sức.

+ Tỷ lệ khấu trừ tiền lương, trợ cấp hưu trí hoặc mất sức đối với cá nhân không thấp hơn 10% và không quá 30% tổng số tiền lương, trợ cấp hằng tháng của cá nhân đó; đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhưng không quá 50% tổng số thu nhập.

- Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

+ Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi người nộp thuế có tiền thuế nợ quá hạn phải thông báo chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

+ Không áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với các trường hợp sau đây: Hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, đối tượng không chịu thuế hoặc có mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0%; Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ trực tiếp quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ khẩn cấp; hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.

- Ngừng sử dụng hóa đơn

Khi thực hiện biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn, cơ quan quản lý thuế phải công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình và trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 24 giờ.

- Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật

+ Giá trị tài sản bị kê biên của đối tượng bị cưỡng chế tương đương với số tiền thuế đã ghi trong quyết định cưỡng chế và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.

Không áp dụng biện pháp kê biên tài sản trong trường hợp người nộp thuế là cá nhân đang trong thời gian chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật.

-Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ

+ Việc cưỡng chế thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (bên thứ ba) đang nắm giữ được áp dụng khi cơ quan quản lý thuế có căn cứ xác định bên thứ ba đang có khoản nợ hoặc giữ tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế.

- Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề

Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

2. Một số bất cập trong công tác cưỡng chế nợ thuế

- Đối với biện pháp “Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại KBNN, tổ chức tín dụng; yêu cầu phong tỏa tài khoản” thì thấy, biện pháp này chỉ thực sự có ý nghĩ khi số dư trên tài khoản đủ để thanh toán một phần hoặc toàn bộ cho các nghĩa vụ thuế. Trong khi mặc dù đã có quy định buộc DN khai báo với cơ quan thuế về tài khoản, nhưng thực tế DN lại cố tình không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, gây khó cho cơ quan thuế trong việc xác minh tài khoản của DN để yêu cầu phong tỏa, hoặc khi tìm được tài khoản của DN thì cơ quan thuế cũng mất rất nhiều thời gian làm các thủ tục theo quy định, khi đó DN có thể lại rút hết tiền, và như vậy vô hình chung việc quyết định cưỡng chế lại trở nên vô hiệu khi tài khoản của DN không còn tiền.

- Việc sử dụng biện pháp “Ngăn chặn tạm dừng xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của DN còn nợ tiền thuế, tiền phạt”, nhưng biện pháp này lại chỉ mới có tác dụng đối với các cá nhân, chủ DN tư nhân, công ty một thành viên, nhưng lại không có tác dụng với các công ty cổ phần, trong khi đây là các DN thường có số nợ thuế lớn. Hơn nữa việc tạm dừng xuất cảnh cũng chỉ thực hiện được với đối tượng là người nước ngoài khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, còn đối với người Việt Nam thì cũng chỉ có thể áp dụng được trong trường hợp xuất cảnh để định cư ở nước ngoài.

- Biện pháp “Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập theo quy định”, nhưng thực tế triển khai cho thấy, biện pháp này không mấy hiệu quả, do chỉ thu được thuế của những người làm công ăn lương, những người thu nhập không thể trốn được, còn thu nhập tự do, thu nhập khác thì cơ quan thuế cũng không thể làm gì khác.

Về phía cơ quan chi trả tiền lương, thu nhập của cá nhân nợ thuế khi nhận được quyết định cưỡng chế thuế từ cơ quan thuế, thì họ cũng chưa thực sự hợp tác, thậm chí cố tình trì hoãn, kéo dài việc khấu trừ tiền lương, thu nhập của cá nhân nợ thuế với nhiều nguyên nhân. Ngoài ra, nhiều cá nhân trong khi nợ thuế đã chuyển chỗ làm, nơi sinh sống, khiến cơ quan thuế rất khó theo dõi để thu nợ, cưỡng chế thuế.

- Biện pháp “Thông báo hóa đơn không còn giá trị” là biện pháp cưỡng chế thuế có tính pháp lý rất cao, vì nếu thực hiện biện pháp này thì DN có thể sẽ không thể hoạt động được do không còn hóa đơn. Tuy nhiên, trước khi thực hiện được biện pháp này thì cơ quan thuế sẽ phải thu thập thông tin về hóa đơn DN, nhưng thường thì DN sẽ cố tình tránh né, kéo dài thời gian cung cấp thông tin về số hóa đơn còn tồn, vì thế trong thời gian kéo dài này, DN vẫn có thể có hóa đơn để sử dụng, mà cơ quan thuế cũng chưa thể có biện pháp mạnh tay hơn.

3. Một số kiến nghị trong công tác cưỡng chế nợ thuế

Việt Nam có thể có thêm các biện pháp gián tiếp để hạn chế các quyền giao dịch của đối tượng nợ thuế như việc cấm đối tượng nợ thuế ký các hợp đồng giao dịch với cơ quan Nhà nước; từ chối cấp “Chứng nhận nộp thuế” - Là loại giấy bắt buộc phải xuất trình mới có thể nhận được tiền thanh toán từ cơ quan Nhà nước. Cần phải có quy định cụ thể những đối tượng được hưởng ưu đãi thuế của Nhà nước phải là đối tượng không nợ thuế.

Kéo theo đó cơ quan thuế phải được phép cung cấp thông tin về đối tượng nợ thuế cho các tổ chức tài chính như ngân hàng, các tổ chức tín dụng về các đối tượng nợ thuế lớn, nợ thuế kéo dài, để các các ngân hàng, tổ chức tài chính có “Danh sách đen” để hạn chế khoản vay của đối tượng nợ thuế. Việc này cần phải được rà soát, phân loại và phối hợp cung cấp với ngân hàng theo từng quý, để đảm bảo các đối tượng khi đã đáp ứng yêu cầu nghĩa vụ thuế với nhà nước sẽ lập tức được tháo gỡ khó khăn với các giao dịch ngân hàng. 

Cần xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về tài khoản ngân hàng của người nộp thuế để liên thông với dữ liệu của cơ quan thuế, có như vậy mới kiểm tra, kiểm soát được việc một cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể mở nhiều tài khoản giao dịch tại các ngân hàng khác nhau. Xây dựng dữ liệu về tài sản của cá nhân như: Sở hữu về nhà, đất, bất động sản, các động sản, trên cơ sở đó cho phép cơ quan thuế có quyền truy cập, tra cứu để kiểm tra phục vụ công tác quản lý, cưỡng chế nợ thuế.

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định cho phép cơ quan thuế chủ động lựa chọn biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với từng đối tượng cụ thể để đảm bảo hiệu quả, thay vì phải làm tuần tự theo các thủ tục, các bước như quy trình hiện nay, vì có nhiều trường hợp nếu thực hiện theo quy trình thì đến bước cuối sẽ không thể thu nợ, cưỡng chế được thuế.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644​​​​​​​ để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!