Các hình thức tập trung kinh tế trong nền kinh tế thị trường hiện nay

Việc nhận dạng bản chất của các hành vi tập trung kinh tế đòi hỏi phải có sự phân tích khái niệm của hành vi tập trung kinh tế, các dấu hiệu nhận dạng, đặc trưng cơ bản và các hình thức biểu hiện của hình thức tập trung kinh tế ở nhiều góc độ khác nhau

1. Các hình thức tập trung kinh tế

Các hình thức tập trung kinh tế được quy định tại Điều 29 Luật cạnh tranh năm 2018, cụ thể như sau:

- Tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau đây:

  • Sáp nhập doanh nghiệp;
  • Hợp nhất doanh nghiệp;
  • Mua lại doanh nghiệp;
  • Liên doanh giữa các doanh nghiệp;
  • Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra Điều 30 Luật cạnh tranh năm 2018 cũng quy định về hành vi tập trung kinh tế bị cấm, cụ thể như sau: Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam”.

2. Phân loại các hình thức tập trung kinh tế

2.1 Hành vi tập trung kinh tế chặt chẽ và tập trung không chặt chẽ

Hình thức tập trung chặt chẽ (hình thức Trust) là việc các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chấm dứt tồn tại để hình thành nên một doanh nghiệp thống nhất cả ở phương diện pháp lý lẫn quản trị doanh nghiệp, thường được thực hiện bằng các biện pháp sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp.

Hình thức tập trung không chặt chẽ là việc các doanh nghiệp tham gia vẫn là những chủ thể độc lập dưới góc độ pháp luật, song chúng chịu sự chi phối bởi các doanh nghiệp khác. Bằng các hành vi mua lại hoặc liên doanh, các doanh nghiệp đã thiết lập được mối quan hệ với nhau, tạo thành một liên minh, một nhóm doanh nghiệp theo kiểu của tập đoàn. Trong đó, bằng quyền của chủ sở hữu, các doanh nghiệp có thể chi phối các doanh nghiệp mà nó có phần vốn góp hoặc cổ phần.

2.2 Tập trung theo chiều ngang, tập trung theo chiều dọc và tập trung hỗn hợp

Theo cấp độ kinh doanh, tập trung kinh tế được chia thành tập trung theo chiều ngang, tập trung theo chiều dọc hoặc tập trung hỗn hợp.

- Tập trung kinh tế theo chiều ngang

Tập trung kinh tế theo chiều ngang là sự sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc liên doanh… của các doanh nghiệp trong một thị trường liên quan (sản phẩm và không gian). Mục tiêu chính của hình thức này là: thực hiện hiệu quả theo quy mô, thực hiện mục tiêu chiến lược thị trường (khống chế thị trường hoặc tạo rào cản thị trường).

Tập trung theo chiều ngang, có thể tạo ra những tác động tích cực và tiêu cực. Sự gia tăng tập trung theo chiều ngang sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp hành động giữa các doanh nghiệp và từ đó dẫn đến hạn chế cạnh tranh theo giá.

Về nguyên tắc, khi số lượng doanh nghiệp hoạt động trên thị trường càng lớn (hoặc mức độ tập trung kinh tế càng nhỏ) thì nguy cơ để xuất hiện một thế lực khống chế trên thị trường càng nhỏ. Chính vì vậy, khi việc tập trung kinh tế tạo ra doanh nghiệp có qui mô vượt qua một mức giới hạn nhất định, việc Nhà nước kiểm soát sự tập trung đó, đánh giá tác động của nó là cực kỳ quan trọng để từ đó có thể quyết định cho phép hay không cho phép các doanh nghiệp này tập trung với nhau.

- Tập trung kinh tế theo chiều dọc

Tập trung kinh tế theo chiều dọc là sự hợp nhất, sáp nhập, mua lại hoặc liên doanh giữa các doanh nghiệp có quan hệ người mua - người bán với nhau. Mục tiêu của sự hợp nhất này thường nhằm giảm chi phí giao dịch (transaction cost economies) hoặc thực hiện những mục tiêu chiến lược thị trường (đảm bảo nguồn cung ứng hoặc nguồn tiêu thụ, ngăn cản đối thủ cạnh tranh mở rộng thị trường hoặc dựng rào cản gia nhập thị trường).

Hình thức tập trung này có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đến cạnh tranh sau đây:

  • Khi một doanh nghiệp có vị thế rất mạnh ở một khâu nhất định (theo nghĩa thị trường một sản phẩm) trong chu trình kinh doanh thì họ có thể tận dụng quyền lực này để gây sức ép đối với thị trường những người cung ứng hoặc những người tiêu thụ. Thông qua đó, doanh nghiệp này có thể gây khó khăn cho những người cạnh tranh không cùng liên kết với họ;
  • Về cơ bản, sự tập trung kinh tế theo chiều dọc của các doanh nghiệp sẽ gây khó khăn cho những người mới gia nhập thị trường bởi nhu cầu tài chính và bí quyết kỹ thuật sẽ cao hơn đối với họ.

- Tập trung kinh tế hỗn hợp

Tập trung kinh tế hỗn hợp là sự hợp nhất, sáp nhập, mua lại, liên doanh của các doanh nghiệp không cùng hoạt động trên một thị trường sản phẩm đồng thời cũng không có mối quan hệ khách hàng với nhau. Mục tiêu của việc hợp nhất này thường là phân bổ rủi ro vào những thị trường khác nhau hoặc từ những lý do chiến lược thị trường của những doanh nghiệp này. Lợi thế quy mô thực sự của loại hình hợp nhất này chỉ có thể xảy ra ở những lĩnh vực như nghiên cứu và triển khai, tổ chức và quản lý.

Lý thuyết về hình thái thị trường độc quyền và độc quyền nhóm không nghiên cứu về ảnh hưởng của hình thức tập trung kiểu này, song thực tiễn cho thấy, chúng cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh sau đây:

  • Các doanh nghiệp tham gia tập trung dạng conglomerate có lợi thế cạnh tranh trong việc tiết kiệm được chi phí khi có nhu cầu tín dụng, bảo hiểm, quảng cáo và cả vận tải cũng như trên cơ sở tiềm lực hùng mạnh về tài chính, doanh nghiệp hợp nhất này có thể gây những ảnh hưởng đến chính trị, vận động hậu trường,… hoặc trong công tác đối ngoại, quan hệ công cộng (puplic relation).
  • Thông qua những hoạt động kinh doanh, các giao dịch qua lại các doanh nghiệp hợp nhất dạng conglomerate có thể có điều kiện để đưa ra những hạch toán hỗn hợp, hạn chế rủi ro về chi phí và thị trường, có được những điều kiện kinh doanh rất thuận tiện và vì thế sẽ gây bất lợi cho những đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn. Hiện tượng này sẽ làm vô hiệu hoá nguyên lý hiệu quả với tư cách là nguyên tắc chọn lọc của nền kinh tế thị trường.
  • Về cơ bản, xã hội không bao giờ mong muốn việc hình thành một thế lực quá hùng mạnh trên thị trường, đe doạ sự kiểm soát thông qua cơ chế thị trường cũng như thông qua sự hợp tác giữa Nhà nước và các hiệp hội. Sự tập trung dạng conglomerate này chính là mối đe doạ đó

2.3 Sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh giữa các doanh nghiệp

Căn cứ vào hình thức biểu hiện, tập trung kinh tế bao gồm các hành vi: sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh giữa các doanh nghiệp

- Hành vi sáp nhập và hợp nhất giữa các doanh nghiệp

Về bản chất pháp lý, việc sáp nhập và hợp nhất là những giải pháp tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó, các doanh nghiệp thay vì hoạt động độc lập có thể tổ chức lại thành một doanh nghiệp duy nhất và có sự chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp bị sáp nhập, bị hợp nhất. Dưới góc độ kinh tế, sáp nhập, hợp nhất là sự cộng dồn nguồn lực kinh tế riêng lẻ của các doanh nghiệp tham gia thành một khối thống nhất trong doanh nghiệp nhận sáp nhập, doanh nghiệp hợp nhất.

- Mua lại doanh nghiệp

Về hình thức, mua lại là việc một doanh nghiệp mua tài sản của doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, việc mua tài sản đủ để đem lại cho doanh nghiệp mua lại quyền kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại. Về các nội dung này, có một số vấn đề cần làm rõ:

  • Thứ nhất, về bản chất pháp lý, mua lại doanh nghiệp là hình thức tập trung kinh tế bằng biện pháp thiết lập quan hệ sở hữu giữa doanh nghiệp mua lại và doanh nghiệp bị mua lại. Việc mua lại không là quá trình thống nhất về tổ chức giữa hai doanh nghiệp nói trên. Sau khi mua lại, doanh nghiệp nắm quyền sở hữu có thể thực hiện việc sáp nhập hoặc không. Nếu thực hiện việc sáp nhập thì sự thống nhất về tổ chức là kết quả của hoạt động sáp nhập và việc mua lại chỉ là tiền đề để có được quyết định sáp nhập. Dưới góc độ cạnh tranh, quan hệ sở hữu tạo nên nhóm doanh nghiệp hoặc một tập đoàn (với số lượng doanh nghiệp bị mua lại đủ lớn). Một khi các doanh nghiệp tham gia đang hoạt động trên cùng thị trường liên quan thì việc mua lại đã làm cho quan hệ cạnh tranh giữa họ không còn tồn tại.
  • Thứ hai, về quyền chi phối hoặc kiểm soát doanh nghiệp bị mua lại, theo pháp luật cạnh tranh, quyền kiểm soát hoặc chi phối được hiểu là trường hợp doanh nghiệp mua lại dành được quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp bị kiểm soát đủ chiếm được trên 50% quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị hoặc ở mức mà theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của doanh nghiệp bị kiểm soát đủ để doanh nghiệp mua lại chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp bị kiểm soát nhằm thu được lợi ích kinh tế từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị kiểm soát.
  • Thứ ba, Luật Cạnh tranh và Nghị định hướng dẫn thi hành sử dụng cụm từ mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác… để diễn tả việc mua lại doanh nghiệp. Điều này dễ dẫn đến quan niệm sai lệch cho rằng việc mua lại doanh nghiệp là mua các loại tài sản (có thể cả tài sản hữu hình, vô hình) đang thuộc sở hữu của doanh nghiệp bị mua lại. Mua lại doanh nghiệp cơ bản là mua cổ phần của công ty cổ phần hoặc nhận chuyển nhượng vốn góp trong các loại công ty khác hoặc góp vốn đầu tư khi doanh nghiệp tăng vốn điều lệ… đủ để tạo quyền kiểm soát và chi phối doanh nghiệp bị mua lại139. Vì thế, đối với hành vi này, có nhiều lĩnh vực pháp luật điều chỉnh ở nhiều góc độ khác nhau như pháp luật cạnh tranh, pháp luật về doanh nghiệp với các quy định về chuyển nhượng vốn góp, mua bán cổ phần, phát hành và chào bán cổ phần…, pháp luật đầu tư với các quy định về hình thức và quy trình đầu tư, pháp luật chứng khoán….
  • Thứ tư, từ lập luận trên, để xác định một trường hợp cụ thể nào đó có cấu thành việc mua lại hay không, cơ quan có thẩm quyền cần đối chiếu mức cổ phần, vốn góp... mà doanh nghiệp sở hữu với các quy định về quyền kiểm soát, chi phối trong pháp luật doanh nghiệp theo từng loại hình doanh nghiệp hoặc trong điều lệ của doanh nghiệp bị mua lại.

- Liên doanh giữa các doanh nghiệp

Liên doanh là dạng liên kết giữa các doanh nghiệp thông qua việc cùng tham gia thành lập một doanh nghiệp mới. Nói cách khác, sự tồn tại của doanh nghiệp mới tạo nên mối liên kết giữa các doanh nghiệp tham gia. Xét về bản chất, hoạt động liên doanh đồng nghĩa với hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp được quy định trong Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, Luật các tổ chức tín dụng và luật đầu tư. Thế nên, ngoài các quy định của Luật Cạnh tranh, hoạt động liên doanh còn chịu sự điều chỉnh bởi các quy định về đăng ký kinh doanh, về thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư trong các văn bản nói trên.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!