1. Thế nào được coi là đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả?
Tình tiết "đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)được hiểu như thế nào?
"Sửa chữa" là sửa lại, chữa lại những cái bị làm hư hỏng do hành vi phạm tội gây ra. "Bồi thường" là bồi thường tài sản cho những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. "Khắc phục hậu quả" là khắc phục tác hại của tội phạm gây ra mà không thể sửa chữa hoặc bồi thường bằng tài sản được. Người đã thực hiện tội phạm phải tự nguyện (không do ép buộc, cưỡng chế) sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. Cũng được coi là tự nguyện nếu do người khác tác động hay theo yêu cầu của người bị thiệt hại mà người thực hiện tội phạm sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. Có thể áp dụng tình tiết "đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" khi mức sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả chiếm một tỷ lệ đáng kể so với toàn bộ thiệt hại mà họ đã gây ra.
2. Cần làm gì khi bồi thường thiệt hại nhưng bị hại không nhận?
Theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trường hợp này sẽ thuộc điểm b, khoản 1, Điều 51: Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
Khi đó, Tòa án sẽ áp dụng tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" được hướng dẫn tại Nghị Quyết 01/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự quy định như sau:
- Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;
- Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu;
Như vậy, khi bạn đã thực hiện việc bồi thường cho phía bị hại, nhưng họ từ chối nhận thì bạn có thể làm đơn và xin nộp số tiền đó cho cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan thi hành án hoặc chứng minh việc bạn đã tự nguyện bồi thường nhưng phía bị hại không nhận và bạn thực hiện việc cất, giữ tiền sẵn sàng bồi thường khi có yêu cầu thì bạn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ hình phạt được quy định tại điểm b, khoản 1, điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
3. Quy định về cách giải quyết bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự
Việc giải quyết bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự chính là vấn đề giải quyết dân sự trong vụ án hình sự. Việc bồi thường ở đây có thể bằng vật chất hoặc tinh thần, đối với tội phạm gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, qua đó đe dọa lợi ích chung của xã hội. Hành vi này xâm phạm quan hệ hình sự ở chỗ xâm phạm lợi ích công cộng nhưng còn xâm phạm đến quan hệ dân sự là gây thiệt hại cho một cá nhân, tổ chức khác cho nên phải bồi thường.
Điều 30,Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015quy định: Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Như vậy, xét về mặt tinh thần chung thì việc bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự sẽ được giải quyết trong quá trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự theo thủ tục tố tụng hình sự. Trường hợp bồi thường thiệt hại chỉ được tách ra khi:
- Tại thời điểm giải quyết vụ án hình sự, chưa có điều kiện chứng minh vấn đề bồi thường thiệt hại
- Việc bồi thường thiệt hại không ảnh hưởng đến việc giải quyết cụ án hình sự, đặc biệt là vấn đề định tội dan, quyết định hình phạt cuối cùng của người phạm tội
- Thời điểm tách việc bồi thường thiệt hại thường nằm trong giai đoạn cuối của quá trình giải quyết vụ án hình sự - giai đoạn xét xử vụ án, chịu ảnh hưởng bởi quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng trong tất cả các giai đoạn tố tụng
- Có thể nói, giải quyết bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự chỉ là phạm vi hẹp và thường thì không cần tách mà giải quyết luôn với những vụ án hình sự.
4. Đã bồi thường thiệt hại có phải chịu trách nhiệm hình sự nữa không?
Đây là một trong những vấn đề, câu hỏi được rất nhiều người đọc quan tâm, và cũng không ít người hiểu sai về vấn đề này. Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, không thiếu trường hợp gây ra thiệt hại về sức khỏe, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người khác…. Lúc này, ngoài chịu trách nhiệm hình sự, người phạm tội còn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, chỉ khởi tố vụ án hình sự về tội phạm khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết trong các tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội cưỡng dâm...
Lúc này, nếu người phạm tội bồi thường thiệt hại và được bị hại rút yêu cầu khởi tố thì vụ án sẽ được đình chỉ. Trừ trường hợp có căn cứ xác định người bị hại bị ép buộc, cưỡng bức rút yêu cầu.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và được người bị hại tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Như vậy, không phải mọi trường hợp khi người phạm tội đã bồi thường thiệt hại thì đều được miễn trách nhiệm hình sự mà chỉ những trường hợp đã phân tích ở trên mới có thể được.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Cần làm gì khi bồi thường thiệt hại nhưng bị hại không nhận? mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!