1. Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?
Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022), nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.
Đặc điểm:
+ Tính phổ biến: Nhãn hiệu được biết đến bởi 1 bộ phận công chúng có liên quan, không nhất thiết phải là toàn bộ người tiêu dùng.
+ Mức độ nhận biết: Nhãn hiệu được nhận thức rõ ràng, phân biệt được với các nhãn hiệu khác.
+ Thời gian sử dụng: Nhãn hiệu được sử dụng trong 1 thời gian nhất định để tạo dựng uy tín và vị thế trên thị trường
Phân biệt nhãn hiệu nổi tiếng với nhãn hiệu thông thường:
Đặc điểm | Nhãn hiệu nổi tiếng | Nhãn hiệu thông thường |
Mức độ nhận biết của người tiêu dùng | Rộng rãi | Không yêu cầu |
Phạm vi bảo hộ | Được bảo hộ trên toàn quốc Bất kể nhóm sản phẩm dịch vụ | Được bảo hộ trong phạm vi đăng ký Phụ thuộc vào nhóm sản phẩm dịch vụ |
Tính phức tạp về điều kiện bảo hộ | Phức tạp hơn, chứng minh trên thực tiễn sử dụng nhãn hiệu | Đơn giản hơn, thỏa mãn yêu cầu bảo hộ theo quy định của pháp luật |
Thủ tục đăng ký | Không phải đăng ký | Có phải đăng ký |
2. Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng
Trước hết, nhãn hiệu nổi tiếng cần đáp ứng các điều kiện chung về nhãn hiệu được bảo hộ, cụ thể:
- Là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
- Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ cuẩ chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của các chủ sở hữu khác.
- Không thuộc các trường hợp nhãn hiệu không được bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ thì việc xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng được lựa chọn từ một số hoặc tất cả các tiêu chí sau đây:
1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
3. Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
5. Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
Xét yếu tố khách quan:
- Mức độ nhận biết: Nhãn hiệu được biết đến rộng rãi bởi bộ phận công chúng có liên quan.
- Thị phần: Nhãn hiệu có thị phần đáng kể trên thị trường.
- Thời gian sử dụng: Nhãn hiệu được sử dụng trong 1 thời gian nhất định
- Chất lượng sản phẩm/ dịch vụ: Sản phẩm/ dịch vụ mang nhãn hiệu có chất lượng tốt, uy tín.
- Hoạt động quảng bá: Nhãn hiệu được quảng bá rộng rãi
Xét yếu tố chủ quan:
- Chủ sở hữu: Doanh nghiệp hoặc cá nhân sở hữu nhãn hiệu.
Lưu ý: Việc xác định 1 nhãn hiệu có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không cần xem xét tổng thể các yếu tố trên. Có thể chứng minh việc nhãn hiệu được biết đến rộng rãi bằng các bằng chứng sau: Doanh thu bán hàng; Thị phần; Hoạt động quảng cáo; Các bài báo, thông tin trên truyền thông; Khảo sát thị trường...
3. Công ty có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng như thế nào?
Công ty có quyền bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, việc hưởng các quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu phụ thuộc vào việc nhãn hiệu của công ty có đáp ứng các điều kiện của pháp luật về nhãn hiệu nổi tiếng hay không.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. Tại Việt Nam khi có tranh chấp xảy ra, nếu một nhãn hiệu chưa được đăng ký và muốn xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đó thì chủ sở hữu bắt buộc phải chứng minh nhãn hiệu của mình là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Trên thực tế người có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu có thể thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng như một nhãn hiệu thông thường để có cơ chế bảo hộ ngay lập tức cho nhãn hiệu mà không cần chứng minh khi có tranh chấp xảy ra.
- Công ty có thể tiến hành nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ
- Hồ sơ đăng ký bao gồm:
+ Tờ khai đăng ký
+ Mẫu nhãn hiệu
+ Hóa đơn nộp phí, lệ phí
+ Tài liệu chứng minh quyền đăng ký (nếu có)
+ Các tài liệu khác theo quy định
4. Biện pháp để bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam
- Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: Đây là biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng. Việc chứng minh một nhãn hiệu là nổi tiếng sẽ gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí, thời gian, công sức nếu nhãn hiệu đó chưa được đăng ký bảo hộ và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (Nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận). Doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác mà doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hoặc dự kiến diễn ra hoạt động kinh doanh.
- Sử dụng nhãn hiệu một cách nhất quán: Doanh nghiệp cần sử dụng nhãn hiệu 1 cách nhất quán trên tất cả các sản phẩm, dịch vụ, tài liệu quảng cáo và các phương tiện truyền thông khác.
- Theo dõi và giám sát thị trường: Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi và giám sát thị trường để phát hiện các hành vi ci phạm quyền đối với nahnx hiệu nổi tiếng.
- Nâng cao nhận thức của nhân viên: Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức của nhân viên về tầm quan trọng của việc bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng và accsh thức để phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm phạm.
Khi phát hiện hành vi xâm phạm, chủ sở hữu có thể tiến hành áp dụng các biện pháp xử lý xâm phạm sau:
- Gửi cảnh cáo: Khi phát hiện hành vi vi phạm, doanh nghiệp có thể gửi thư cảnh cáo dến công ty vi phạm để yêu cầu họ sửa chữa, khắc phục các vi phạm và bồi thường thiệt hại nếu có.
- Yêu cầu cơ quan chức năng xử lý: Doanh nghiệp có thể yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính hoặc khởi kiện dân sự đối với hành vi xâm phạm, hoặc xử lý theo pháp luật hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
- Áp dụng biện pháp công nghệ: Đưa các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu, phạm vi, thời hạn bảo hộ và các thông tin khác về quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ nhằm thông báo rằng sản phẩm là đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng đang được bảo hộ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm; hoặc sử dụng phương tiện hoặc biện pháp kỹ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt, bảo vệ sản phẩm được bảo hộ.
- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật: Doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sử dụng mã vạch, tem chống giả để bảo vệ sản phẩm và nhãn hiệu của mình.
5. Ý nghĩa bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam
- Bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu:
+ Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu giúp chủ sở hữu được pháp luật bảo vệ quyền sử dụng độc quyền nhãn hiệu trên toàn lãnh thổ Việt Nam
+ Chủ sở hữu có quyền ngăn chặn các hành vi xâm phạm như sử dụng, giả mạo, sao chép nhãn hiệu mà không được phép.
- Tăng cường khả năng cạnh tranh:
+ Nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế thương hiệu, tạo dựng niềm tin với khách hàng.
+ Nhãn hiệu nổi tiếng giúp doanh nghiệp thu hút đầu tư, hợp tác kinh doanh và mở rộng thị trường, giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước
+ Nhãn hiệu nổi tiếng là tài sản vô giá của doanh nghiệp, góp phần tạo dựng giá trị thương hiệu
+ Nhãn hiệu nổi tiếng giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận và nâng cao giá trị công ty.
+ Nhãn hiệu nổi tiếng giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, uy tín.
- Góp phân thúc đẩy phát triển kinh tế, khoa học:
+ Việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng góp phần khuyến khích sáng tạo, đổi mới và phát triển khoa học công nghệ
+ Việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng giúp thu hút đầu tư nứo ngoài, thúc đẩy xuất hẩu và hội nhập kinh tế quốc tế
+ Việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo chấ lượng sản phẩm và dịch vụ.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ giải đáp qua các kênh sau:
Kênh liên hệ để được tư vấn và hỗ trợ về các vấn đề pháp luật khác: Gửi yêu cầu dịch vụ qua email: [email protected] hoặc gọi ngay tổng đài tư vấn chuyên môn số: 1900.868644.