1. Khi nào được miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại?
Thưa luật sư, Chồng tôi mới chấp hành xong hình phạt 3 năm tù về tội cướp tài sản và bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm cư trú 1 năm. Hiện chồng tôi đã chấp hành được 7 tháng và luôn từ khi cải tạo về chồng tôi tu chí làm ăn, lo cho gia đình. Vậy xin hỏi là chồng tôi có bị cấm cư trú nữa không? Xin cảm ơn!
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.868644
Trả lời:
Cấm cư trú là hình phạt bổ sung buộc người bị kết án sau khi chấp hành xong hình phạt tù không được thường trú cũng như tạm trú tại một số địa phương trong thời gian nhất định. Cấm cư trú được áp dụng kèm theo hình phạt chính là hình phạt tù. Thời hạn cấm cư trú do Tòa án xem xét và quyết định.
Để có thể được cơ quan có thẩm quyền miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, người chấp hành án phải đáp ứng những điều kiện nhất định
Theo quy định tại Điều 62 BLHS 2015 thì:
Điều 62. Miễn chấp hành hình phạt
...
6. Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại
Theo như thông tin bạn cung cấp thì chồng bạn bị phạt cấm cư trú 1 năm và đã chấp hành được 7 tháng, nghĩa là đã chấp hành được 1/2 thời hạn hình phạt, cải tạo tốt, tu chí làm ăn Tòa án căn cứ vào đó có thể xét cho chồng bạn được miễn chấp hành hình phạt còn lại chưa chấp hành.
Để có thể được miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại, chồng bạn cần có đơn xin miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú gửi đến UBND xã. Hồ sơ đề nghị xem xét việc miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại bao gồm:
- Bản sao bản án; bản sao quyết định thi hành án;
- Văn bản đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại của Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Đơn xin miễn chấp hành án của người chấp hành án phạt cấm cư trú;
- Tài liệu liên quan khác (nếu có).
2. Bị áp dụng hình phạt cấm cư trú thì sau bao lâu được xóa án tích?
Thưa luật sư, hiện tại tôi đã chấp hành được 12 tháng trong tổng số thời hạn 18 tháng phạt cấm cư trú. Vừa rồi tôi có làm đơn lên xã để xin miễn chấp hành án phạt cấm cư trú còn lại.. Luật sư cho tôi hỏi nếu như tôi thuộc diện được miễn thì sau bao lâu tôi được xóa án tích để tôi có thể xin đi làm công ty. Xin cảm ơn Luật sư!
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 70 BLHS 2015
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Như vậy, trong trường hợp này, bạn bị áp dụng hình phạt cấm cư trú 18 tháng thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung. Nghĩa là hết thời hạn 18 tháng thì bạn sẽ đương nhiên được xóa án tích.
3. Xử lý vi phạm quy định về cấm cư trú?
Thưa luật sư, xin hỏi hiện nay pháp luật quy định như thế nào về trường hợp người chấp hành án phạt cấm cư trú khi vi phạm nghĩa vụ. Xin cảm ơn Luật sư!
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 111 Luật THAHS 2019, quy định về việc xử lý người chấp hành án phạt cấm cư trú vi phạm nghĩa vụ.
1. Trường hợp người chấp hành án đến lưu trú mà chưa được phép hoặc lưu trú quá thời hạn cho phép thì Trưởng Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, buộc họ rời khỏi địa phương và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú.
2. Trường hợp người chấp hành án phạt cấm cư trú không chấp hành nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 109 của Luật này thì không được xem xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại.
Theo đó, điểm b và điểm c Khoản 2 Điều 109 Luật THAHS 2019 thì người chấp hành án phạt cấm cư trú có các nghĩa vụ " chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật; Có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú". Như vậy:
Trường hợp 1: Người chấp hành án đến lưu trú mà chưa được phép hoặc lưu trú quá thời hạn cho phép thì Trưởng Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, buộc họ rời khỏi địa phương và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú.
Trường hợp 2: Người chấp hành án vi phạm nghĩa vụ "Có mặt theo yêu cầu của UBND xã nơi cư trú" hoặc nghĩa vụ "Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật" thì không được xem xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại.
Theo quy định tại Điểm đ Khoản 4 Điều 14 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, hình thức xử lý người bị án phạt cấm cư trú mà cư trú ở những nơi đã bị cấm cư trú là một trong những nội dung quan trọng và được quy định tại Điểm đ Khoản 4 Điều 14 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Người được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù đi khỏi nơi cư trú mà không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc không có mặt tại nơi chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự nơi cư trú sau khi hết thời hạn hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;
b) Người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại có quyết định thi hành án mà không có mặt tại cơ quan thi hành án theo thời hạn quy định;
c) Người bị phạt tù cho hưởng án treo, người bị án phạt cải tạo không giam giữ mà không thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định; không có mặt theo yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục mà không có lý do chính đáng hoặc đi khỏi nơi cư trú mà không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã;
d) Người bị án phạt quản chế không thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định; không có mặt theo yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế mà không có lý do chính đáng; đi khỏi nơi quản chế mà không được sự đồng ý của người có thẩm quyền hoặc đi khỏi nơi quản chế quá thời hạn cho phép mà không có lý do chính đáng;
đ) Người bị án phạt cấm cư trú mà cư trú ở những nơi đã bị cấm cư trú hoặc không có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú;
e) Người bị án phạt tước một số quyền công dân không thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định;
g) Người bị án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định không thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định.
4. Thủ tục miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại.
Căn cứ theo quy định tại Điều 110 Luật thi hành án hình sự 2019, việc miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại được thực hiện như sau:
Bước 1: Lập hồ sơ đề nghị
Khi người chấp hành án phạt cấm cư trú có đủ điều kiện trên, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, đồng thời sao gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Hồ sơ bao gồm:
– Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; bản sao quyết định thi hành án;
– Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;
– Đơn xin miễn chấp hành án của người bị cấm cư trú;
– Tài liệu khác có liên quan.
Bước 2: Tổ chức phiên họp để xem xét, quyết định
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, Chánh án Tòa án có thẩm quyền thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại.
Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.
Bước 3: Gửi quyết định đến cá nhân, cơ quan liên quan
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người chấp hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và nơi người đó bị cấm cư trú, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định miễn chấp hành án có trụ sở
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.868644 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.