1. Điều kiện kinh doanh giống cây trồng theo quy định của pháp luật
Điều kiện kinh doanh giống cây trồng được quy định tại Điều 22 Luật Trồng trọt năm 2018, cụ thể như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng;
b) Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.”
Điều kiện đầu tiên đó chính là điều kiện về giống cây trồng. Các loại cây trồng dùng trong kinh doanh phải là các loại cây trồng đã được công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành. Tức các loại cây trồng này đã được ghi nhận là loại cây trồng được phép trồng trọt, kinh doanh tại Việt Nam, không thuộc nhóm cây trồng, thực vật ngoại lai, xâm hại,….
Bên cạnh điều kiện về giống cây trồng được kinh doanh, thì Điều 22 còn quy định chi tiết về cơ sở vật chất dùng để thực hiện hoạt động kinh doanh cây trồng. Đối với hoạt động sản xuất, thì địa điểm, cơ sở hạ tầng phải đáp ứng quy chuẩn theo quy định. Việc quy định như vậy nhằm đảm bảo cho việc sản xuất ra những cây giống đạt chất lượng, không bị nhiễm bệnh, lại giống,….
“Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng.” (Khoản 2 Điều 22) Địa điểm giao dịch hợp pháp được hiểu là địa điểm đã thực hiện hoạt động đăng ký bán giống cây trồng với cơ quan nhà nước. Thực hiện hoạt động buôn bán công khai, minh bạch. Đồng thời, các giống cây trồng được bán có nguồn gốc rõ ràng, có thể truy xuất nguồn gốc. Hoạt động truy xuất nguồn gốc giống cây trồng có thể được thực hiện qua nhiều phương thức khác nhau, nhưng mục tiêu chính của nó đều hướng tới việc tìm được nơi nào là nơi sản xuất ra giống cây trồng đó. Việc quy định đảm bảo giống cây trồng được kinh doanh có thể truy xuất nguồn gốc cũng nhằm mục đích đảm bảo là những giống cây trồng được lưu hành, trồng trọt tại Việt Nam, cũng như đảm bảo được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của giống cây trồng đó,…
Các minh chứng về xuất xứ nguồn gốc của giống cây trồng được quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 94/2019/NĐ- CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Theo đó, các giấy tờ bắt buộc phải có bao gồm: “Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn … Đối với giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải có thêm thông tin về nguồn vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng cây, thời gian giao nhận cây.” Những giấy tờ theo quy định trên đã thể hiện được thông tin về giống cây, kích cỡ, đặc tính, cũng như thông tin về nơi sản xuất ra giống cây trồng đã cung ứng cho đơn vị buôn bán giống cây trồng.
Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định số 94/2019/NĐ- CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác cũng quy định rằng dù không phải thực hiện thủ tục đăng ký như thủ tục thành lập doanh nghiệp, nhưng chủ thể thực hiện hoạt động buôn bán giống cây trồng cũng phải thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền được xác định đó chính là Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nơi chọn làm địa điểm buôn bán giống cây trồng. Thông tin mà chủ thể buôn bán giống cây trồng cần thực hiện thông báo đó chính là “Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ”. Hoạt động thông báo này có thể do các chủ thể trực tiếp đến cơ quan để thông báo hoặc thực hiện thông báo qua thư điện tử hoặc qua đường bưu điện. Các thông tin được chủ thể cung cấp này sẽ được đăng tải lên trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Quy định về điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng
Theo Điều 8 Nghị định 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết về điều kiện sản xuất và buôn bán giống cây trồng như sau:
- Đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 Luật Trồng trọt 2018 như sau:
+ Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng;
+ Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
+ Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng.
- Trước khi buôn bán giống cây trồng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi buôn bán giống cây trồng các thông tin sau: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, gồm: Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn phù hợp quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Đối với giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải có thêm thông tin về nguồn vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng cây, thời gian giao nhận cây.
3. Quy định đặt tên giống cây trồng như thế nào?
Điều 163 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) quy định tên của giống cây trồng như sau:
“1. Người đăng ký phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng, tên đó phải trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia nào có ký kết với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng.
2. Tên của giống cây trồng được coi là phù hợp nếu tên đó có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự.
3. Tên của giống cây trồng không được coi là phù hợp trong các trường hợp sau đây:
a) Chỉ bao gồm các chữ số, trừ trường hợp chữ số liên quan đến đặc tính hoặc sự hình thành giống đó;
b) Vi phạm đạo đức xã hội;
c) Dễ gây hiểu nhầm về các đặc trưng, đặc tính của giống đó;
d) Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả;
đ) Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày công bố đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng;
e) Ảnh hưởng đến quyền đã có trước của tổ chức, cá nhân khác.
4. Tổ chức, cá nhân chào bán hoặc đưa ra thị trường vật liệu nhân giống của giống cây trồng phải sử dụng tên giống cây trồng như tên đã ghi trong bằng bảo hộ, kể cả sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ.
5. Khi tên giống cây trồng được kết hợp với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại hoặc các chỉ dẫn tương tự với tên giống cây trồng đã được đăng ký để chào bán hoặc đưa ra thị trường thì tên đó vẫn phải có khả năng nhận biết một cách dễ dàng.”
Như vậy cần phải tuân thủ các quy tắc đặt tên cho giống cây trồng để có thể đủ điều kiện bảo hộ.
Trên đây, chúng tôi đã giải đáp cho quý khách hàng về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trông được bảo hộ là gì? Nếu còn có những vướng mắc hãy liên hệ 1900.868644 hoặc gửi thư đến email [email protected].