1. Cách xác định người lao động đã qua đào tạo nghề?
Việc xác định người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định của Chính phủ quy định cơ cấu khung của:
+ Hệ thống giáo dục quốc dân
+ Hệ thống văn bằng
+ Chứng chỉ về giáo dục và đào tạo
- Người đã được theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998 (đã hết hiệu lực) và Luật Giáo dục năm 2005 (đã hết hiệu lực), cấp :
+ Bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp
+ Bằng tốt nghiệp đào tạo nghề
+ Bằng tốt nghiệp cao đẳng
+ Bằng tốt nghiệp đại học
+ Bằng thạc sĩ
+ Bằng tiến sĩ
+ Văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp
+ Văn bằng giáo dục đại học
+ Văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên
- Người đã được cấp:
+ Chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên
+ Chứng chỉ sơ cấp nghề
+ Bằng tốt nghiệp trung cấp nghề
+ Bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề
+ Đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề
- Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm 2013;
- Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014;
- Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018;
- Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài;
- Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.
2. Chính thức đồng bộ quy định về tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của lao động qua đào tạo nghề
Theo quy định cũ tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP, tiền lương của người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên, kể từ ngày 01/7/2022, Nghị định 38/2022/NĐ-CP không còn quy định về tiền lương tối thiểu của người đã qua học nghề, đào tạo nghề mà chỉ quy định về mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo tháng, theo giờ.
Tuy nhiên, theo quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 về quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế chưa kịp sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp với Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Do đó, trên thực tế phát sinh vướng mắc, nhiều người còn nhầm tưởng “tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề vẫn phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng”.
Ngày 05/6/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định 948/QĐ-BHXH và sửa đổi, bổ sung Quyết định 595/QĐ-BHXH cho phù hợp với Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Cụ thể, bãi bỏ tiết a, tiết b điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 như sau:
- Bãi bỏ quy định: Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;
- Bãi bỏ quy định: người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
3. Đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao có lợi ích gì?
Theo quy định pháp luật hiện hành, lương hưu cùng phần lớn các loại trợ cấp bảo hiểm xã hội trả cho người lao động đều được tính dựa trên tiền lương/thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội, cụ thể như sau:
Theo Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014quy định về mức hưởng chế độ ốm đau, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội cao nhất lên tới 75%, thấp nhất 50 % mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc
Theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức hưởng chế độ thai sản, trợ cấp thai sản = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ thai sản.
Theo quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức lương hưu hằng tháng, mức lương hưu tối đa có thể lên tới 75% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Đối với rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần = (1,5 x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH trước 2014) + (2 x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH từ 2014) - Tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Như vậy, nếu đóng bảo hiểm xã hội cao thì người lao động được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ở mức cao.
Thông thường, trong hệ thống bảo hiểm xã hội, người đóng mức cao sẽ nhận được các khoản chi trả cao hơn so với những người đóng ở mức thấp. Nguyên tắc này thường áp dụng cho nhiều loại bảo hiểm, bao gồm cả bảo hiểm thai sản, bảo hiểm ốm đau, bảo hiểm xã hội 1 lần, và lương hưu.
Lý do chính là người đóng mức cao góp vào hệ thống bảo hiểm với mức lợi nhuận cao hơn, do đó, họ có quyền hưởng những khoản chi trả lớn hơn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ bảo hiểm. Điều này giúp tạo ra một hệ thống bảo hiểm có tính công bằng hơn, nơi mọi người đóng nhiều hơn sẽ nhận được nhiều hơn khi cần sử dụng các dịch vụ bảo hiểm.
Tuy nhiên, cụ thể về cách tính toán và chi trả có thể thay đổi tùy thuộc vào quy định và chính sách của từng quốc gia và tổ chức bảo hiểm cụ thể.
4. Các khoản thu nhập tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH. Cụ thể như sau:
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh:
Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động;
Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;
- Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên:
Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
- Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:
Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Đồng bộ quy định về tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của lao động qua đào tạo nghề mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!