Hết quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật Việt Nam

Quyền sở hữu trí tuệ liệu có được bảo hộ vô thời hạn? Khi nào thì quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ kết thúc? Cùng Luật Hòa Nhựt tìm hiểu pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về vấn đề này qua bài viết sau:

1. Quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. 

Đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gồm các nhóm sau:

- Nhóm đối tượng được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả: tác phẩm (sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phư­ơng tiện hay hình thức nào); cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

- Nhóm đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh xác lập dựa trên hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.

- Nhóm đối tượng được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng: giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.

Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ mang lại cho chủ sở hữu những lợi ích quan trọng về bảo hộ quyền của người sáng tạo, bảo hộ quyền về mặt thương mại.

 

2. Thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được quy định như thế nào?

Thời hạn bảo hộ của các quyền, đối với mỗi đối tượng được bảo hộ có sự khác nhau do bản chất đối tượng, thực tiễn giá trị thương mại, vòng đời công nghệ và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan:

- Quyền nhân thân gồm quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho phép người khác cắt xén, xuyên tạc làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tác giả được bảo hộ vĩnh viễn.

- Quyền nhân thân về công bố tác phẩm và quyền tài sản đối với tác phẩm có thời hạn bảo hộ như sau:

a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;

b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết; 

- Quyền của người biểu diễn được bảo hộ 50 năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình.

- Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ 50 năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc 50 năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố.

- Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ 50 năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện.

Quyền tác giả, quyền liên quan được bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ các quyền tác giả, quyền liên quan.

Thời hạn bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp:

Thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được xác định tùy theo đối tượng xem xét bảo hộ, dựa theo điều kiện bảo hộ hoặc hiệu lực của văn bằng bảo hộ. Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trong phạm vi quốc gia trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

- Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn. Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 10 kể từ ngày nộp đơn.

- Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 5 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm (tối đa là 15 năm).

- Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây: Kết thúc 10 năm kể từ ngày nộp đơn; hoặc Kết thúc 10 năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới; hoặc Kết thúc 15 năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

- Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

- Hiệu lực bảo hộ bí mật kinh doanh sẽ chấm dứt khi chủ sở hữu bị chứng minh có được bí mật kinh doanh một cách bất hợp pháp hoặc không thực hiện biện pháp đảm bảo bí mật.

- Hiệu lực bảo hộ tên thương mại sẽ chấm dứt nếu tên thương mại không còn cơ sở sử dụng trên thực tế.

- Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu được tính theo quy định của Nghị định thư và Thỏa ước Madrid.

- Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được tính theo quy định của Thỏa ước La Hay.

Thời hạn bảo hộ quyền đối với giống cây trồng:

Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết 25 năm đối với giống cây thân gỗ và cây leo thân gỗ; đến hết 20 năm đối với các giống cây trồng khác. Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.

 

3. Trường hợp nào chủ sở hữu hết quyền đối với tài sản trí tuệ?

Các trường hợp chủ sở hữu hết quyền đối với tài sản trí tuệ thường là hết thời hạn bảo hộ, chấm dứt hiệu lực do không gia hạn hoặc bị chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực theo các trường hợp theo quy định.

Tác phẩm đã kết thúc thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã kết thúc thời hạn bảo hộ theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ thì thuộc về công chúng. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã hết thời hạn bảo hộ nhưng phải tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả, người biểu diễn vẫn còn hiệu lực bảo hộ. Tương tự đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp, nếu hết thời hạn bảo hộ theo quy định, hoặc việc duy trì hiệu lực, gia hạn hiệu lực không được thực hiện theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ thì việc bảo hộ sẽ chấm dứt. Đối tượng được bảo hộ sẽ được xem là thuộc về công chúng trên cơ sở tôn trọng quyền nhân thân của tác giả.

Riêng về hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp thì tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ trong các trường hợp quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ với điều kiện phải nộp phí, lệ phí. Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là suốt thời hạn bảo hộ, trừ trường hợp yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu vì lý do người nộp đơn nộp đơn với dụng ý xấu, hoặc không đáp ứng điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp bằng thì thời hiệu là năm năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ hoặc từ ngày đăng ký quốc tế nhãn hiệu có hiệu lực tại Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân chào bán hoặc đưa ra thị trường vật liệu nhân giống của giống cây trồng phải sử dụng tên giống cây trồng như tên đã ghi trong bằng bảo hộ, kể cả sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ.

Trên đây là bài viết về thời hạn bảo hộ và thời điểm hết hiệu lực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Luật Hòa Nhựt. Trường hợp Quý khách hàng cần làm rõ thêm hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp luật khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các kênh:

Email: gửi yêu cầu dịch vụ qua email: [email protected] hoặc qua 1900.868644 để được hỗ trợ các vấn đề pháp luật khác.