Hướng tới phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh, các sản phẩm mới

Hướng tới phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh, các sản phẩm mới là một trong những giải pháp được đưa ra để thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, được phê duyệt tại Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.

1. Quy định về điều kiện đầu tư chứng khoán phái sinh

Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 158/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư chứng khoán phái sinh như sau:

Tổ chức, cá nhân được đầu tư vào các chứng khoán phái sinh trên thị trường chứng khoán phái sinh; Trừ trường hợp bị cơ quan có thẩm quyền cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn do vi phạm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán và các trường hợp đầu tư có điều kiện cụ thể sau đây:

- Công ty chứng khoán chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh cho phép thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh;

- Công ty quản lý quỹ chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro cho danh mục chứng khoán đang nắm giữ đối với nguồn vốn ủy thác từ hoạt động quản lý danh mục đầu tư; 

Công ty quản lý quỹ chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro theo quy định của pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán đối với nguồn vốn của quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán. 

Công ty quản lý quỹ không được đầu tư chứng khoán phái sinh từ nguồn vốn của mình, nguồn vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác;

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản;

- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

- Tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Lưu ý: Trong quá trình đầu tư chứng khoán phái sinh, kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm về rủi ro và phải tuân thủ quy định pháp luật, không được thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

2. Hướng tới phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh, các sản phẩm mới

Hướng tới phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh, các sản phẩm mới là một trong những giải pháp được đưa ra để thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, được phê duyệt tại Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.

Để phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) ổn định, an toàn, lành mạnh, và hiệu quả, cũng như để đảm bảo sự bền vững và tích hợp, Thủ tướng đã chấp thuận các giải pháp để tăng nguồn cung hàng hóa trên thị trường và nâng cao chất lượng của nguồn cung như sau:

Đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường

- Phát triển thị trường cổ phiếu:

Khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết trên TTCK; hỗ trợ tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

- Phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ:

Phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương để đáp ứng mục tiêu huy động vốn của cơ quan phát hành và phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư.

- Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp:

Tập trung thúc đẩy việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết; khuyến khích các doanh nghiệp phát hành đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm thúc đẩy huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng;

- Phát triển thị trường trái phiếu xanh:

Khuyến khích việc phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh nhằm tạo thêm kênh huy động vốn cho ngân sách, cho doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

- Phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh và các sản phẩm mới:

Tiếp tục triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số chứng khoán và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ; từng bước triển khai hợp đồng quyền chọn chỉ số chứng khoán, các sản phẩm hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn dựa trên cổ phiếu đơn lẻ hoặc nhóm cổ phiếu;

Cải tiến chất lượng chỉ số hiện hành, sửa đổi bộ quy tắc chỉ số phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho TTCK phái sinh...; hướng tới phát triển đa dạng các sản phẩm phái sinh dựa trên nhiều tài sản cơ sở khác nhau.

- Nghiên cứu, triển khai đa dạng các sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, các loại sản phẩm cấu trúc, các loại chứng chỉ lưu ký, các loại chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, các công cụ tài chính xanh phù hợp với trình độ phát triển của TTCK.

3. Nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thị trường chứng khoán

Về nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán:

+ Triển khai hiệu quả hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, thực hiện phân định các thị trường giao dịch chứng khoán tại các Sở giao dịch chứng khoán trên nguyên tắc không làm xáo trộn, đảm bảo duy trì hoạt động liên tục và ổn định, đáp ứng yêu cầu quản lý, thuận lợi cho hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư.

+ Phát triển đa dạng các dịch vụ hỗ trợ sau giao dịch theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

+ Áp dụng thông lệ quốc tế về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững trong lĩnh vực chứng khoán. Các Sở giao dịch chứng khoán tích cực và chủ động tham gia sáng kiến Sở giao dịch chứng khoán phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đổi mới toàn diện và đồng bộ công nghệ giao dịch, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán trên thị trường chứng khoán:

+ Tập trung phát triển thị trường thứ cấp trái phiếu Chính phủ nhằm thúc đẩy thanh khoản thị trường, hỗ trợ đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và công tác tái cơ cấu ngân sách và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; thiết lập đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường trái phiếu Chính phủ làm tham chiếu cho thị trường tài chính.

+ Xây dựng, vận hành đồng bộ hệ thống giao dịch, đăng ký, lưu ký, thanh toán trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ dành cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; cải tiến và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, niêm yết và giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán; nâng cấp chuyên trang thông tin, cổng thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở giao dịch chứng khoán.

+ Tự chủ trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức giao dịch và quản lý, giám sát TTCK: chủ động lựa chọn việc triển khai các giải pháp công nghệ phù hợp áp dụng trong hoạt động giao dịch, quản lý và giám sát thị trường; thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin; chú trọng đầu tư để đảm bảo an ninh, an toàn thị trường, an toàn thông tin, dữ liệu ngành chứng khoán.

+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trao đổi thông tin, quản lý, giám sát giữa cơ quan quản lý với các Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và thành viên thị trường.

+ Triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP); cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán theo mô hình CCP cho các chứng khoán phái sinh trên thị trường phi tập trung (OTC). Nghiên cứu và tiến tới liên kết giữa Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam với các tổ chức đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán trong khu vực để cung cấp dịch vụ cho các giao dịch xuyên biên giới.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Hướng tới phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh, các sản phẩm mới  mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected]để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!