Không ra quyết định thi hành án bị xử lý như thế nào?

Thưa luật sư, tôi đang tìm hiểu các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự của người có thẩm quyền trong thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp. Xin hỏi nếu người có thẩm quyền thi hành án nhưng không ra quyết định thi hành án thì bị xử lý ra sao? Xin cảm ơn!

1. Quy định về các hành vi bị cấm trong thi hành án hình sự.

Theo Điều 10 Luật Thi hành án hình sự 2019, các hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự bao gồm:

- Phá hủy cơ sở quản lý, giam giữ; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cơ sở quản lý, giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khỏi nơi quản lý, giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khi đang bị áp giải, dẫn giải; đánh tháo phạm nhân, người chấp hành biện pháp tư pháp, người bị áp giải, dẫn giải.

- Không chấp hành quyết định thi hành án hình sự; cản trở hoặc chống lại việc thực hiện nội quy, quy chế về thi hành án hình sự hoặc quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.

- Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về thi hành án hình sự; trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người có trách nhiệm thi hành án hình sự.

- Không ra quyết định thi hành án hình sự; không thi hành quyết định trả tự do theo quy định của pháp luật và quyết định khác của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.

- Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu trong thi hành án hình sự.

- Tha trái pháp luật người đang bị giam, người bị áp giải thi hành án; thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, canh gác, áp giải thi hành án để người chấp hành án phạt tù, án tử hình hoặc án phạt trục xuất trốn.

- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách cho người không đủ điều kiện; không đề nghị cho người đủ điều kiện được miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách; đề nghị hoặc không đề nghị chấm dứt trước thời hạn việc chấp hành biện pháp tư pháp, hoãn, đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp; cản trở người, pháp nhân thương mại chấp hành án thực hiện các quyền theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

- Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án, biện pháp tư pháp.

- Kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người, pháp nhân thương mại chấp hành án.

- Cấp hoặc từ chối cấp trái quy định của pháp luật quyết định, giấy chứng nhận, xác nhận hoặc giấy tờ khác về thi hành án hình sự.

- Làm sai lệch hồ sơ, sổ sách về thi hành án hình sự.

2. Không ra quyết định thi hành án hình sự bị xử lý như thế nào?

Tội không thi hành án là hành vi của người có thẩm quyền cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc cố ý không thi hành quyết định thi hành án trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người thực hiện đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này. Việc xử lý người không ra quyết định thi hành án hình sự được quy định tại Điều 379 Bộ luật Hình sự 2015. cụ thể:

Điều 379. Tội không thi hành án

1. Người nào có thẩm quyền mà cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; b) Dần đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn;

c) Dần đến hết thời hiệu thi hành án;

d) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 làn trở lên;

b) Dần đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

c) Dẩn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Dần đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án vớỉ số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó: Không thi hành án, được hiểu là hành vi của người có thẩm quyền của cơ quan thi hành án đã không ký quyết định thi hành án hoặc không đưa ra thi hành bản án, quyết định của Tòa án một cách cố ý.

– Mặt khách quan

+ Về hành vi. Có một trong các hành vi sau đây:

Có hành vi (cố ý) không ra quyết định thi hành án. Được hiểu là hành vi của người có thẩm quyền về thi hành án hình sự, thi hành án dân sự (như Chánh án Tòa án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án) đã không ký quyết định thi hành án đối với bản án, quyết định đã có đủ điều kiện đưa ra thi hành (mà không có lý do chính đáng nào để hoãn, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ).

Có hành vi không thi hành quyết định thi hành án. Được hiểu là hành vi của chấp hành viên hoặc nhân viên tư pháp khác được giao trách nhiệm thi hành quyết định thi hành án nhưng đã không tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có quyết định thi hành án (mà không có lý do chính đáng).

+ Về hậu quả

Hành vi nêu trên phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi nêu trên phải thuộc trường hợp đã bị xử lý kỷ luật (theo quy định của Luật cán bộ, công chức) và chưa hết thời hiệu để xóa bỏ kỷ luật cũng về hành vi không thi hành án (như nêu trên) mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

– Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan thi hành án, ngoài ra còn xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, công dân.

– Mặt chủ quan

Người phạm tội không thi hành án thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

– Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt như: Thủ trưởng cơ quan thi hành án, chấp hành viên, cán bộ có nhiệm vụ thi hành án… 

3. Thả trái pháp luật người đang bị tạm giam bị xử lý như thế nào?

Thưa luật sư, xin hỏi nếu người có thẩm quyền tha trái pháp luật người đang bị tạm giam thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 378 Bộ luật hình sự 2015:

Điều 378. Tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Người được tha trái pháp luật bỏ trốn hoặc có hành vi cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

c) Người được tha trái pháp luật trả thù người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;

d) Tha trái pháp luật từ 02 người đến 05 người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Tha trái pháp luật 06 người trở lên;

b) Người được tha trái pháp luật thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó: Tha trái pháp luật người đang bị giam, giữ được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn (trong cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án hình sự) lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình hoặc vượt ra người phạm vi quyền hạn của mình trả tự do cho người đang bị giam, giữ không đúng với quy định của pháp luật.

+ Có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn tha trái pháp luật người đang bị giam, giữ. Được hiểu là trường hợp người phạm tội đã sử dụng chức vụ, quyền hạn như một phương tiện để thực hiện tội phạm như: đã ra lệnh hoặc ký quyết định trả tự do cho người đang bị giam, giữ khi không có đủ căn của luật định.

Ví dụ:

Ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với người bị giam, trả tự do cho người đang bị giam, cải tạo.

+ Có hành vi lạm quyền tha trái pháp luật người trái pháp luật, người bị giam giữ. Được hiểu là người phạm tội ra quyết định hoặc ra lệnh hoặc thực hiện việc trả tự do cho người đang bị giam, giữ mà việc ra quyết định, ra lệnh hoặc thực hiện trả tự do đó vượt ra ngoài phạm vi quyền hạn của mình.

Ví dụ: Chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác trại giam đã tự ý thả người đang bị tạm giam mà không có lệnh của cấp trên có thẩm quyền

– Khách thể

Tội phạm này xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và cơ quan có thẩm quyền khác.

– Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

– Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt bao gồm những ngươi có chức vụ, quyền hạn như: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân; giám thị trại giam…

4. Hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách về thi hành án hình sự

Hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách tùy từng trường hợp sẽ có thể cấu thành những tội phạm khác nhau, cụ thể:

4.1. Tội giả mạo trong công tác

Điều 359. Tội giả mạo trong công tác

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;

b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Theo đó, giả mạo trong công tác là hành vi của một người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu, làm, cấp giấy tờ giả, giả mạo chữ ký của người vó chức vụ, quyền hạn.

Tội giả mạo trong công tác cũng là loại tội phạm tham nhũng mà người phạm tội có hành vi lợi dụng lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhưng không nhằm chiếm đoạt, không phải để nhận hối lộ hay gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm hoặc cấp giấy tờ giả; để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Xét về hành vi khách quan, tội phạm này gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xét về thủ đoạn, tội phạm này gần giống với các tội phạm khác có việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Xét động cơ, tội phạm này gần giống với các tội có động cơ vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác.

* Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội này là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín. Vì vậy, giả mạo trong công tác là tội phạm tham nhũng là đối tượng bị xử lý nghiêm.

Đối tượng tác động của tội giả mạo trong công tác là giấy tờ, tài liệu, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Người phạm tội đã tác động vào làm cho tài liệu, giấy tờ, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn bị sai lệch, không đúng thực tế.

* Mặt khách quan của tội phạm:

Đối với tội giả mạo trong công tác, các dấu hiệu thuộc mặt khách quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội giả mạo trong công tác với các tội khác

* Chủ thể: người có chức vụ quyền hạn.

* Mặt chủ quan của tội phạm

- Lỗi cố ý trực tiếp, tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả cùa hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

- Động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, nếu người phạm tội có các hành vi khách quan nếu ở trên những không vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác thì hành vi giả mạo trong công tác chưa cấu thành tội phạm.

4.2. Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc.

Theo quy định tại Điều 375 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng tài liệu, vật chứng của vụ án, vụ việc hoặc bằng thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;

c) Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội;

b) Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát;

c) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó:

Làm sai lệch hồ sơ vụ án, được hiểu là hành vi của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án.

– Mặt khách quan

+ Có hành vi thêm (đưa thêm) các tài liệu vào hồ sơ vụ án, đưa thêm các vật chứng vào để xem xét cùng với các vật chứng khác (nếu có) trong vụ án.
+ Có hành vi bớt (rút bớt ra) các tài liệu trong hồ sơ vụ án, lấy bớt vật chứng đã được thu thập hợp pháp trong vụ án.

+ Có hành vi sửa đổi tài liệu, vật chứng. Được hiểu là việc sửa chữa (như tẩy xóa rồi viết hoặc đánh máy lại…) nội dung của tài liệu hoặc làm thay đổi hình dáng, kích thước, trọng lượng, tính chất, màu sắc, đặc điểm… của vật chứng so với ban đầu thu thập chúng.

+ Có hành vi đánh tráo tài liệu, vật chứng. Được hiểu là hành vi làm mất vĩnh viễn hay mất một phần giá trị chứng minh của tài liệu, vật chứng của vụ án.

+ Có hành vi hủy, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng. Được hiểu là hành vi làm mất vĩnh viễn hay mất một phần giá trị chứng minh của tài liệu, vật chứng của vụ án.

+ Các thủ đoạn khác. Được hiểu là ngoài các hành vi nêu trên thì các hành vi khác được thực hiện bằng những cách thức, phương pháp khác nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án.

– Khách thể

Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng.

– Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

– Chủ thể

Chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt, gồm các đối tượng sau: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Hội thẩm nhân dân và các nhân viên tư pháp khác (như Thư ký Tòa án, nhân viên văn thư của các cơ quan điều tra, kiểm sát…có nhiệm vụ quản lý hồ sơ vụ án), người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.868644 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.