Lấy bảo hiểm thất nghiệp có ảnh hưởng đến BHXH không?

Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp là hai chế độ bảo hiểm được nhiều người lao động quan tâm bởi vai trò cần thiết của chúng đối với đời sống con người. Có nhiều người thắc mắc liệu rằng khi lấy bảo hiểm thất nghiệp có ảnh hưởng gì đến bảo hiểm xã hội không. Luật Hòa Nhựt sẽ phân tích cụ thể qua bài viết sau đây

1. Bảo hiểm xã hội hiểu như thế nào?

Bảo hiểm xã hội được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau: bảo hiểm xã hội là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do đau ốm, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng bảo hiểm xã hội.

Theo pháp luật hiện hành quy định thì bảo hiểm xã hội gồm 2 loại:

Loại 1: Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

Loại 2: Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Có thể hiểu rằng bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách hữu ích đối với người tham gia, do Nhà nước tổ chức và bảo đảm thực hiện dựa trên các văn bản pháp lý. Trên cơ sở đóng quỹ bảo hiểm xã hội, người tham gia sẽ được bù đắp một phần thu nhập khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập chính do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động

2. Bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?

Bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm năm 2013 như sau: Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động trong việc học nghề, duy trì việc làm, hỗ trợ tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Trong thời điểm nền kinh tế khó khăn thì bảo hiểm thất nghiệp được coi là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động.

Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Điều 42 Luật Việc làm năm 2013 bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ học nghề; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kĩ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động

Các chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã giúp người lao động vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, qua đó góp phần giúp ổn định thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội.

3. Đối tượng nào bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm 2013 như sau

Đối với người lao động:

Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng như sau:

Loại Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn

Loại Hợp đồng bao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn

Loại Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng

Bên cạnh đó, trường hợp người lao động giao kết và thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp người lao động theo quy định trên đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với người sử dụng lao động:

Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

Thứ nhất, Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân

Thứ hai, Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

Thứ ba, Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam

Thứ tư, Doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.

4. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Căn cứ Điều 45 của Luật Việc làm 2013, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp như sau:

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà hưởng trợ cấp thất nghiệp

Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động sẽ không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại các điểm b, c, h, l, m, n (theo khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm 2013).

Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.

5. Lấy bảo hiểm thất nghiệp có ảnh hưởng gì đến bảo hiểm xã hội không?

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Việc làm năm 2013 về bảo hiểm thất nghiệp thì: sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng trọ cấp thất nghiệp do: tìm được việc làm, tham gia nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên, bị Tòa án tuyên bố mất tích, bị tạm giam, thực hiện chấp hành hình phạt tù.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 50 Luật việc làm 2013 quy định về mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp thì:

Thứ nhất, về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lưởng cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ Luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thứ hai, Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó thì cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Thứ ba, đối với thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Ngoài ra, Điều 51 Luật Việc làm quy định về chế độ bảo hiểm y tế khi hưởng trọ cấp thất nghiệp như sau:

Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế

Tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Đối chiều với các quy định nêu trên, nếu như người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp, sau đó, nếu cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì sẽ được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng theo quy định pháp luật.

Như vậy, nếu người lao động đã tham gia đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng khi lấy bảo hiểm thất nghiệp sẽ không ảnh hưởng đến thời gian tham gia bảo hiểm xã hội

Trên đây là bài viết giải đáp việc lấy bảo hiểm thất nghiệp có ảnh hưởng đến bảo hiểm xã hội không? Nếu có bất kỳ thắc mắc gì hay muốn được tư vấn trực tiếp, vui lòng liên hệ tới hotline: 1900.868644 hoặc email: [email protected]. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp thắc mắc của các bạn.