Lộ trình xây dựng Đề án vị trí việc làm để cải cách tiền lương từ 01/7/2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LUẬT HÒA NHỰT giải đáp như sau:
Lộ trình xây dựng Đề án vị trí việc làm để cải cách tiền lương từ 01/7/2024
Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 109/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Theo đó, ở lĩnh vực nội vụ Quốc hội yêu cầu tập trung thực hiện tốt nội dung sau đây:
Sớm hoàn thành có chất lượng việc xây dựng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, ngành, địa phương. Chậm nhất đến Quý II/2024, hoàn thành việc xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước. Xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản để triển khai có hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024.
Sáng ngày 08/12/2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo đã chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngày 14/12/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 520/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Để triển khai đồng bộ việc xây dựng, quản lý vị trí việc làm ở các bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình, chủ động lựa chọn phương thức triển khai phù hợp, đẩy mạnh phân cấp trong khuôn khổ quy định của pháp luật, bảo đảm tuân thủ các chủ trương, nguyên tắc của Trung ương, đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tinh thần là khó tới đâu gỡ tới đó, không cầu toàn nhưng không được chủ quan, hời hợt, mục tiêu là đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/3/2024.
Yêu cầu chung khi xây dựng Đề án vị trí việc làm để cải cách tiền lương
(1) Việc xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm cần đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Thường trực Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
(2) Các vị trí việc làm cần được xây dựng với mức độ khái quát cao theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương, có tính đến mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động, phạm vi đối tượng phục vụ, quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của công việc theo chức năng, nhiệm vụ tương ứng với từng ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Mỗi vị trí việc làm có 03 yếu tố cấu thành sau:
- Tên vị trí việc làm: Thực hiện thống nhất theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, liên thông, đồng bộ trong hệ thống chính trị.
- Bản mô tả vị trí việc làm: Trên cơ sở bản mô tả khái quát theo Thông tư hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các Bộ, ngành, địa phương cần mô tả cụ thể phù hợp với công việc cụ thể của vị trí việc làm (gắn với sản phẩm tương ứng với tính chất, mức độ phức tạp của vị trí việc làm) theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Khung năng lực vị trí việc làm: Trên cơ sở khung năng lực chung theo Thông tư hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các Bộ, ngành, địa phương cần mô tả cụ thể, phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hoàn thành công việc của vị trí việc làm theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
(3) Trên cơ sở xác định danh mục vị trí việc làm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, việc xác định cơ cấu công chức, cơ cấu viên chức theo vị trí việc làm cần đáp ứng yêu cầu sau:
(i) Kế thừa và từng bước điều chỉnh để cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính;
(ii) Phù hợp với chức danh nghề nghiệp viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sự nghiệp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.
(4) Việc phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không làm tăng biên chế của cấp có thẩm quyền giao và gắn với lộ trình thực hiện tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước, đặc biệt đối với đơn sự nghiệp công lập cần thực hiện đồng bộ với Đề án tự chủ để từng bước cơ cấu lại số lượng người làm việc theo hướng tăng số lượng người hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội.
(5) Trong trường hợp các Thông tư hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa bao quát hết các đối tượng đặc thù, đề nghị các địa phương chủ động xác định vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phê duyệt tạm thời; đồng thời gửi báo cáo đề xuất về Bộ Nội vụ và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan để tổng hợp, nghiên cứu và hướng dẫn theo thẩm quyền.
(Công văn 7583/BNV-TCBC ngày 13/12/2023)