Luật Đất đai (sửa đổi): Khi nào thông qua? Khi nào có hiệu lực? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LUẬT HÒA NHỰT giải đáp như sau:
Ngày 05/01/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 05/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12 năm 2023.
Theo đó, về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ có ý kiến như sau:
1. Khi nào thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)?
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ nhất là ý kiến của các bộ, ngành có liên quan về: đấu giá, thi hành án; quy hoạch, thủ tục đấu thầu, giao đất, cho thuê đất gắn với quy trình phê duyệt dự án đầu tư, dự án đầu tư công, tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; các trường hợp định giá đất và phương pháp định giá đất, tiễn sử dụng đất, tiền thuê đất, quỹ phát triển đất; thế chấp tài sản là nhà ở, dự án bất động sản; đất quốc phòng, an ninh; quy hoạch lâm nghiệp, chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp...; phối hợp với Bộ Tư pháp về tính thống nhất của hệ thống pháp luật đề xuất sửa đổi, bổ sung của các luật khác tại dự thảo Luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ về các đề xuất tiếp thu, chỉnh lý, thể hiện đầy đủ nội dung tiếp thụ trong dự thảo Luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên thực tế, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai thông thoáng, tạo điều kiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội; đồng thời có cơ chế quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản nhà nước, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội dự án Luật này vào tháng 01 năm 2024.
Chính phủ giao việc trong thời gian đến khi Quốc hội cho ý kiến, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi):
- Giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện về việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); khẩn trương tiếp thụ, giải trình đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ tại Phiên họp này và tại Phiểu lấy ý kiến Thành viên Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các bộ, cơ quan liên quan kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những nội dung phát sinh trước khi Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 01 năm 2024.
- Giao các bộ, cơ quan chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường về các nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
- Giao Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Văn phòng Chính phủ đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan theo Quy chế làm việc của Chính phủ.
- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo việc hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Như vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được thông qua tại tại Kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 01 năm 2024.
2. Khi nào Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực?
- Về điều khoản chuyển tiếp, cần rà soát kỹ lưỡng những trường hợp phát sinh trong thực tiễn để có cơ chế xử lý, tránh khoảng trống pháp lý, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm chặt chẽ, không để sơ hở, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
- Về hiệu lực thi hành luật, thống nhất về dự kiến hiệu lực thi hành của Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 để đồng bộ với hiệu lực của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6; đề xuất về hiệu lực sớm hơn đối với quy định về hoạt động lẫn biển và quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Như vậy, dự kiến Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.