Người đi cầm đồ có cần đủ 18 tuổi hay không?

Thưa luật sư Công ty Luật Hòa Nhựt Cho em hỏi địa phương có người cầm cố tài sản là một chiếc xe máy điện chính tên, chính chủ nhưng em học sinh này mới 16 tuổi. Gia đình hiện nay đang đề nghị hỗ trợ để chuộc về.

Luật sư cho em biết việc người cầm đồ chưa đủ 18 tuổi có được thực hiện việc cầm cố tài sản hay không ? Người kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho người chưa đủ 18 tuổi thực hiện cầm cố tài sản có vi phạm hay không ? Cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn luật tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.868644

Luật sư tư vấn:

1. Bao nhiêu tuổi thì được mang tài sản đi cầm đồ?

Khoản 3 Điều 73 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

"Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ."

Khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

"Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý."

Như vậy trong trường hợp này, giao dịch cầm cố chiếc xe máy điện đối với chủ thể mới 16 tuổi này cần có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, tức là sự đồng ý của bố hoặc mẹ người đó. Nếu không có sự đồng ý trên thì giao dịch này sẽ bị vô hiệu do không đáp ứng điều kiện có hiệu lực của giao dịch về chủ thể:

"Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập" (Điều 117 Bộ luật dân sự 2015)

2. Hậu quả pháp lý khi đi cầm đồ mà chưa đủ tuổi thành niên?

Khoản 3 Điều 73 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:​

- Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.

Khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Thứ nhất, đối với trường hợp của bạn trước hết cần phải xác định em học sinh (chính chủ của chiếc xe máy điện) này được coi là chưa thành niên hay đã thành niên. Theo đó, theo khoản 1 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

- Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

Như vậy một cách rõ ràng, em học sinh (chính chủ của chiếc xe máy điện) này được coi là người chưa thành niên do em mới chỉ 16 tuổi.

Thứ hai, cần phải xác định chiếc xe máy điện chính chủ được mang đi cầm này có được coi là động sản phải đăng ký hay không.

Theo đó, tại khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định, xe cơ giới phải đăng ký quyền sở hữu và gắn biển số xe do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp thì mới được tham gia giao thông.

Trong đó, xe cơ giới hay còn gọi là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được nêu tại khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 bao gồm:

- Xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo;

- Xe mô tô hai bánh; mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự như thế.

Như vậy có thể khẳng định, chiếc xe máy điện mà em học sinh mang đi cầm là đối tượng động sản phải đăng ký theo quy định của pháp luật. 

Thứ ba, cần phải xác định được việc em học sinh cầm cố chiếc xe máy điện này có nhận được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật hay không, cụ thể trong trường hợp này là bố mẹ của em học sinh. Bởi lẽ theo quy định pháp luật nêu trên, thì người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi nếu tự mình xác lập, thực hiện  những giao dịch dân sự liên quan đến động sản phải đăng ký thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Căn cứ từ những quy định pháp luật nêu trên, có thể kết luận rằng giao dịch cầm cố chiếc xe máy điện đối với em học sinh mới 16 tuổi này cần có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, tức là sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó.

Trong trường hợp không có sự đồng ý trên của cha mẹ/ người đại diện theo pháp luật, thì giao dịch cầm cố tài sản chiếc xe máy đó sẽ bị coi là vô hiệu do không đáp ứng được điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự về chủ thể: "Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập".(điểm a Khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự 2015). 

Hậu quả pháp lý đối với những giao dịch dân sự vô hiệu sẽ được xử lý như sau:

- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên tham gia giao kết hợp đồng từ thời điểm giao dịch được xác lập. Như vậy khi giao dịch dân sự vô hiệu, quyền và nghĩa vụ của các bên đối với giao dịch sẽ không được pháp luật bảo vệ;

- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền.

Ví dụ như đối với trường hợp trên, bên em học sinh đi cầm cố tài sản là chiếc xe máy điện sẽ phải hoàn trả lại số tiền đã nhận của bên nhận cầm cố, còn bên nhận cầm cố sẽ hoàn trả lại chiếc xe máy điện cho em học sinh. (Việc hoàn trả lại những gì đã nhận này sẽ xảy ra trong trường hợp chiếc xe máy điện còn nguyên vẹn, nếu xảy ra tình trạng chiếc xe máy điện bị hư hỏng thì sẽ được giải quyết theo mục dưới đây).

- Bên có lỗi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên kia. Theo đó, bên có lỗi ở đây được xác định là bên làm cho hợp đồng vô hiệu hoặc ý thức trước về việc hợp đồng vô hiệu nhưng vẫn cố tình giao kết dẫn đến hậu quả gây thiệt hại.

Ví dụ trong trường hợp xảy ra tình trạng chiếc xe máy điện được hoàn trả không đúng với hiện trạng ban đầu tại thời điểm xác lập giao dịch cầm cố: như tài sản đã bị hư hỏng, giảm giá trị thì bên nhận cầm cố có trách nhiệm bồi thường phần thiệt hại cho bên đi cầm cố.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.