1. Quy định của pháp luật về khả năng phân biệt của nhãn hiệu
Nhãn hiệu là một đối tượng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Các dấu hiệu để được bảo hộ dưới cơ chế bảo hộ nhãn hiệu phải đáp ứng được các điều kiện mà pháp luật quy định. Theo quy định, các dấu diệu để được bảo hộ dưới cơ chế bảo hộ nhãn hiệu cần có khả năng phân biệt tự thân và khả năng phân biệt với các nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác đối với cùng loại hàng hóa, dịch vụ hoặc các hàng hóa, dịch vụ tương tự.
Theo đó, Điều 74 Luật sở hữu trí tuệ 2005 đã quy định một cách cụ thể khả năng phân biệt của nhãn hiệu, theo quy định một nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt khi đáp ứng một số các điều kiện pháp luật quy định như:
Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật sở hữu trí tuệ 2005, có thể kể đến như:
- Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu trước ngày nộp đơn;
- Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu trước ngày nộp đơn hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng;
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
- Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;
2. Nội dung và quy định về bảng phân loại nhãn hiệu hình
Nhãn hiệu được hiểu là tất cả dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân này với tổ chức, cá nhân khác có cùng loại hàng hóa, dịch vụ hoặc hàng hóa, dịch vụ tương tự.
Chính vì vậy, nhãn hiệu có thể bao gồm các hình ảnh, logo, việc đăng ký nhãn hiệu thường được triển khai theo quy định của pháp luật với bước thẩm định nội dung rất nghiêm ngặt. Với thẩm định nội dung, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét nhãn hiệu đăng ký với các nhãn hiệu đã được bảo hộ dưới cơ chế nhãn hiệu và các nhãn hiệu nộp trước đó trong cùng loại nhóm mà cá nhân, tổ chức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để đánh giá khả năng phân biệt tự thân cũng như khả năng phân biệt nhãn hiệu đối với các nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác trong cùng nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký. Nếu cơ quan có thẩm quyền cho rằng, nhãn hiệu đăng ký có các hình ảnh,..... có khả năng gây nhầm lẫn hoặc tương tự các hình ảnh,.....trong các nhãn hiệu đã được bảo hộ, các nhãn hiệu có đơn đăng ký nộp trước trong cùng nhóm hàng hóa, dịch vụ, cơ quan có thẩm quyền sẽ từ chối đăng ký với nhãn hiệu đó.
Việc đánh giá này được triển khai dựa trên việc so sánh các hình ảnh và căn cứ vào Bảng phân loại các yêu tố hình của nhãn hiệu (Bảng phân loại Vienna)
Theo đề nghị của một số cơ quan sở hữu công nghiệp của các nước là thành viên của Công ước Pari, Hiệp hội bảo vệ sở hữu trí tuệ quốc tế (BIRPI), tiền thân của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), đã bắt đầu làm việc với Ủy ban các chuyên gia được thành lập vào năm 1967 bởi Ban Điều Phối BIRPI về việc soạn thảo một Bảng phân loại quốc tế về các yếu tố hình của nhãn hiệu. Bảng phân loại cuối cùng đã được thiết lập bởi một thỏa ước được ký vào ngày 12/06/1973 tại Hội nghị ngoại giao Vienna. Thỏa ước Vienna có hiệu lực từ ngày 09/08/1985.
Bảng Phân loại này bao gồm 29 nhóm, 144 phân nhóm, 1.667 phần trong đó các yếu tố hình của nhãn hiệu được phân loại. Mặc dù chỉ có 25 quốc gia tham gia Thỏa ước Vienna, tuy nhiên Bảng phân loại được sử dụng bởi các cơ quan sở hữu công nghiệp của ít nhất 30 quốc gia, cũng như bởi Tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế, WIPO, Tổ chức Sở hữu trí tuệ châu Phi (OAPI), Tổ chức Benelux (BOIP) và Văn phòng Hài hòa trong thị trường nội khối (nhãn hiệu thương mại và kiểu dáng) (OHIM) của Cộng đồng châu Âu.
Mục đích của Bảng phân loại là để tạo cơ sở cho các tra cứu nhãn hiệu và làm giảm bớt việc phân loại lại khi các tài liệu được trao đổi ở cấp quốc tế. Hơn nữa, các quốc gia thành viên Thỏa ước Vienna không cần phải đưa ra Bảng phân loại quốc gia của riêng mình hoặc cập nhật thông tin hiện tại. Điều 4 của Thỏa ước Vienna quy định rằng, theo các yêu cầu do chính Thỏa ước quy định, phạm vi của Bảng phân loại là do mỗi quốc gia ký kết quy định, và đặc biệt, Bảng phân loại không ràng buộc các quốc gia đó về mức độ bảo hộ dành cho nhãn hiệu đó.
3. Phân loại nhãn hiệu theo bảng phân loại
Nhãn hiệu được đánh giá để đảm bảo khả năng phân biệt với các nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân khác. Được đánh giá là không tương tự hoặc không có khả năng gây nhầm lẫn khi nhãn hiệu không có các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với dấu hiệu của các nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc các nhãn hiệu nộp đơn đăng ký trước đối với cùng hàng hoặc, dịch vụ hoặc có hàng hóa, dịch vụ tương tự nhau.
Để xác định được hàng hóa, dịch vụ tương tự nhau, theo quy định của pháp luật phải căn cứ dụa trên bảng phân loại Nice.
Bảng phân loại Nice được hiểu là Bảng phân loại quốc tế các hàng hóa, dịch vụ theo Thỏa ước Nice (trong tiếng Anh gọi là: Nice Classification – NCL). Bảng phân loại Nice là một cách phân loại hàng hóa và dịch vụ được áp dụng cho việc đăng kí nhãn hiệu, được thiết lập theo Thỏa ước Nice (1957). Bảng phân loại hàng hóa dịch vụ Ni-xơ được chia thành 45 nhóm, từ nhóm 1 đến nhóm 34 là các nhóm về hàng hóa, từ nhóm 35 đến nhóm 45 là các nhóm về dịch vụ.
Việc sử dụng Bảng Phân loại Nice là bắt buộc không chỉ đối với việc đăng kí nhãn hiệu quốc gia tại các quốc gia tham gia thỏa ước Nice, mà còn đối với việc đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu. Phân loại Nice cũng được áp dụng ở một số quốc gia mà các quốc gia này không tham gia thỏa ước Nice.
Bên cạnh đó, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ để nộp đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu người nộp đơn cũng phải thực hiện chính xác việc phân nhóm sản phẩm/dịch vụ bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến xác định phạm vi bảo hộ. Bảo hộ nhãn hiệu trong phạm vi đăng ký, chính vì vậy việc phân loại nhóm hàng hóa, dịch vụ để đăng ký nhãn hiệu là vô cùng quan trọng.
Theo Quy định, phần “Danh mục các hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu” trong Tờ khai phải được phân nhóm sao cho phù hợp với Bảng phân loại quốc tế các hàng hóa, dịch vụ theo Thỏa ước Nice (Bảng phân loại Nice) được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Mọi thắc mắc liên hệ 19008686844 hoặc email [email protected] để được giải đáp.
Trân trọng.