Phấn đấu đến năm 2025 đạt 9 triệu tài khoản chứng khoán

Phấn đấu đến năm 2025 đạt 9 triệu tài khoản chứng khoán là mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

1. Quy định về tài khoản giao dịch chứng khoán

Căn cứ theo quy định tại Thông tư 120/2020/TT-BTC quy định về giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán có quy định về tài khoản giao dịch chứng khoán như sau:

- Nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán là thành viên giao dịch để thực hiện giao dịch chứng khoán theo quy định tại Thông tư 120/2020/TT-BTC; chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin nhận biết khách hàng khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán và tuân thủ các quy định của pháp luật

- Nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán theo nguyên tắc tại mỗi công ty chứng khoán nhà đầu tư chỉ được mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán, ngoại trừ các trường hợp quy định tại các khoản (4), (5), (6), (7), (8), Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Thông tư 120/2020/TT-BTC.

- Ứng với mỗi tài khoản giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư chỉ được mở 01 tài khoản ký quỹ bù trừ tại thành viên bù trừ.

- Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán tại mỗi công ty chứng khoán theo nguyên tắc:

+ 01 tài khoản giao dịch chứng khoán để thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán của chính mình;

+ 02 tài khoản giao dịch chứng khoán để quản lý danh mục đầu tư cho nhà đầu tư ủy thác, trong đó 01 tài khoản để giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư ủy thác trong nước, 01 tài khoản để giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư ủy thác nước ngoài.

+ Mỗi quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán do công ty quản lý quỹ quản lý được mở 01 tài khoản giao dịch chứng khoán đứng tên của quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán tại mỗi công ty chứng khoán.

- Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam được mở 02 tài khoản giao dịch chứng khoán tại mỗi công ty chứng khoán, trong đó 01 tài khoản giao dịch chứng khoán để thực hiện giao dịch cho chính mình và 01 tài khoản giao dịch chứng khoán để thực hiện giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài ủy thác.

- Tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được mở 02 tài khoản giao dịch chứng khoán tại mỗi công ty chứng khoán như sau:

+ 01 tài khoản giao dịch chứng khoán để thực hiện hoạt động tự doanh.

+ 01 tài khoản giao dịch môi giới để thực hiện hoạt động môi giới cho các nhà đầu tư nước ngoài khác.

- Doanh nghiệp bảo hiểm được mở 02 tài khoản giao dịch chứng khoán tại mỗi công ty chứng khoán như sau:

+ 01 tài khoản giao dịch chứng khoán để giao dịch từ nguồn vốn chủ sở hữu. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ, giao dịch chứng khoán trên tài khoản này chịu sự điều chỉnh bởi quy định pháp luật về sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán.

+ 01 tài khoản giao dịch chứng khoán để giao dịch từ nguồn thu phí bảo hiểm trong nước của các quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Giao dịch chứng khoán trên tài khoản này không chịu sự điều chỉnh bởi quy định pháp luật về sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán.

- Công ty chứng khoán không được sử dụng lại các mã tài khoản giao dịch chứng khoán đã đóng để mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng mới.

2. Phấn đấu đạt 9 triệu tài khoản chứng khoán vào năm 2025

Mục tiêu phấn đấu đạt 9 triệu tài khoản chứng khoán vào năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 như sau:

Mục tiêu tổng quát

Phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển.

Mục tiêu cụ thể

- Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; TTCK phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

- Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do nhà đầu tư là tổ chức phi ngân hàng nắm giữ lên mức 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.

- Nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty (tiêu chuẩn ESG) tại các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hướng tới yếu tố phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế.

- Hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025.

- Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng TTCK của các tổ chức quốc tế.

- Tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

3. Hoàn thiện khung pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả về phát triển chứng khoán

Giải pháp hoàn thiện khung pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả phát triển chứng khoán được quy định như sau:

- Thực hiện rà soát, tổng kết thi hành Luật Chứng khoán 2019 và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn Luật chứng khoán trong giai đoạn 2022-2025.

- Nghiên cứu, đề xuất và xây dựng các văn bản pháp luật nhằm kịp thời khắc phục các bất cập trong thực tiễn hoạt động TTCK và đáp ứng yêu cầu phát triển mới, bảo đảm tính toàn diện của khung pháp lý quản lý hoạt động trên TTCK, phù hợp với tình hình trong nước và thông lệ quốc tế.

Một số nội dung nghiên cứu, đề xuất cụ thể như: mô hình tổ chức, hoạt động của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam gắn với mở rộng phạm vi cung cấp sản phẩm, dịch vụ sau giao dịch cho TTCK; các quy định nhằm phát triển công ty quản lý quỹ với điều kiện và tiêu chuẩn cao hơn đồng thời nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ đối với các quỹ đầu tư chứng khoán bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định về nhà đầu tư tham gia giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ...

- Hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, giám sát và hạn chế rủi ro trên thị trường, tăng cường tính răn đe, đảm bảo trật tự, an toàn và minh bạch thị trường.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Phấn đấu đến năm 2025 đạt 9 triệu tài khoản chứng khoán mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email:[email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!