Vào các ngày lễ, tết, thứ 7, chủ nhật tôi phải trực 24/24 không được nghỉ. Trong một năm 365 ngày phải trực đầy đủ vào buổi tối. Vậy xin hỏi cơ quan phân công như vậy có đúng theo quy định của pháp luật không? Và nếu không đúng tôi phải làm thế nào.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
1. Thời giờ làm việc đối với lao động ký theo nghị định 68?
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 1 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/11/2000 của Chính phủ, thì công việc bảo vệ là một trong các công việc thực hiện chế độ hợp đồng trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Theo đó, công việc này được thực hiện thông qua việc ký kết hợp đồng giữa cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp với cá nhân trực tiếp làm, hoặc cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ dưới các dạng: hợp đồng thuê khoán tài sản, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế và các loại hợp đồng khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi bạn ký hợp đồng với cơ quan hành chính Nhà nước thì hợp đồng của bạn dưới dạng hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động 2019. Khi đó quyền lợi của bạn sẽ được bảo đảm theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động dựa trên những quy định của Bộ luật lao động. Do đó, về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi của người lao động làm việc dưới hình thức hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP áp dụng theo quy định của pháp luật về lao động. Cụ thể như sau:
Điều 105. Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan
Vậy, theo quy định của pháp luật, thời gian làm việc bình thường của người lao động chỉ tối đa là 8 tiếng/1 ngày. Trường hợp của bạn làm 13 tiếng/ 1 ngày lớn hơn so với thời gian làm việc bình thường. Thời gian làm việc dư ra, có thể đã theo thỏa thuận của các bên về việc làm thêm giờ và có chế độ tiền lương tương ứng. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận về thời gian làm việc trong hợp đồng thì thời gian 5 tiếng tăng thêm sẽ tính vào thời gian làm thêm giờ. Bạn xem xét các điều khoản trong hợp đồng, nếu cho rằng quyền và lợi ích của mình đang bị xâm phạm thì bạn có quyền gửi đơn khiếu nại trực tiếp tới trưởng cơ quan, đơn vị trình bày sự việc và yêu cầu trả thêm tiền lương làm thêm giờ trong trường hợp của bạn.
Tiếp nữa, bạn có trình bày, bạn làm việc 7 ngày/ 1 tuần (làm việc cả thứ 7 và Chủ nhật):
Điều 111. Nghỉ hằng tuần
1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Theo quy định trên, không thể bắt người lao động làm việc liên tục 7 ngày/ tuần được (nếu làm thì phải bố trí nghỉ bù). Hành vi yêu cầu người lao động làm việc liên tục 7 ngày/tuần là hành vi trái quy định của pháp luật. Bạn cũng có quyền yêu cầu trưởng cơ quan làm rõ, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của bạn.
2. Thời giờ làm việc, nghỉ ngơi theo Luật lao động?
Mặt khác, Bộ luật lao động 2019 cũng quy định về việc nghỉ lễ, tết đối với người lao động.
Điều 112. Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Điều 113. Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
5. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
6. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
7. Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
3. Khái niệm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Trong khoa học kinh tế lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được xem xét chủ yếu dưới góc độ của việc tổ chức quá trình lao động với việc đặt trong mối quan hệ hữu cơ với năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động. Theo đó, thời giờ làm việc chính là khoảng thời gian cần và đủ để người lao động hoàn thành định mức lao động hoặc khối lượng công việc đã được giao. Còn thời giờ nghỉ ngơi là khoảng thời gian cần thiết để người lao động tái sản xuất sức lao động đã hao phí nhằm đảm bảo quá trình lao động được diễn ra liên tục.
Trong khoa học luật lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được xem xét như là một chế định của luật lao động, thể hiện nguyên tắc bảo vệ người lao động. Thời giờ làm việc được hiểu là khoảng thời gian do pháp luật quy định, theo đó, người lao động phải có mặt tại địa điểm làm việc và thực hiện những nhiệm vụ được giao phù hợp với nội quy lao động của đơn vị, điều lệ doanh nghiệp và hợp đồng lao động. Thời giờ nghỉ ngơi là thời gian người lao động không phải thực hiện nghĩa vụ lao động và có quyền sử dụng thời gian này theo ý mình.
Thời giờ làm việc:
– Một là, thời gian làm việc bình thường:
+ Thông thường thời gian làm việc bình thường của người lao động được quy định tại trong một ngày cao nhất là 8 giờ và trong một tuần lễ cao nhất là 48 giờ.
Tuy nhiên đối với các công việc có tính chất đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì thời giờ làm việc không được quá 06 giờ/ một ngày;
+ Đối với thời giờ làm việc thì người sử dụng lao động có quyền quy định công việc của người lao động làm theo giờ, theo ngày hoặc theo tuần;
Đối với trường hợp làm việc theo tuần thì người lao động làm việc bình thường không được quá 10 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong một tuần;
Mặc dù được người sử dụng được quyền lựa chọn thời giờ làm việc cao nhất là 48 giờ trong tuần nhưng Nhà nước ta khuyến khích thực hiện tuần làm việc 40 giờ để đảm bảo về mặt sức khỏe cũng như quyền, lợi ích của người lao động.
– Hai là, thời gian làm việc ban đêm:
Giờ làm việc ban đêm trong ngày được tính từ 22 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Nghỉ trong giờ làm việc (hay nghỉ giải lao, nghỉ giữa ca):
Theo quy định của pháp luật lao động, thì thời giờ nghỉ giữa ca được tính như sau:
- Người lao động làm việc 8 giờ liên tục trong điều kiện bình thường hoặc làm việc 7 giờ, 6 giờ liên tục trong trường hợp được rút ngắn thời giờ làm việc thì được nghỉ ít nhất nửa giờ (30 phút), tính vào giờ làm việc; Ngoài ra, người lao động làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên kể cả số giờ làm thêm thì được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc.
- Người làm ca đêm ( từ 22 giờ đến 6 giờ hoặc từ 21 giờ đến 5 giờ) được nghỉ giữa ca ít nhất 45 phút, tính vào giờ làm việc;
* Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác.
3.1. Quy định về thời gian làm việc
Trong một ngày làm việc, thời gian làm việc của nhân viên được chia ra làm hai khung giờ: Giờ làm việc bình thường và giờ làm thêm.
Giờ làm việc bình thường
- Thời gian làm việc bình thường được giới hạn trong 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần;
- Người sử dụng lao động có quyền quy định nhân viên làm việc theo tuần, ngày hoặc giờ. Nếu làm việc theo tuần thì giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày. Người sử dụng lao động cần lưu ý không được quá 48 giờ trong một tuần;
- Trong bộ Luật Lao động cũng khuyến khích người sử dụng lao động nên thực hiện tuần làm việc 40 giờ;
- Đối những những làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, thời gian làm việc không quá 6 giờ trong một ngày. Điều khoản này quy định rõ ràng trong danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Giờ làm thêm
- Được sự đồng ý của người lao động;
- Số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày. Tổng thời gian làm bình thường và số giờ làm ngoài giờ không quá 12 giờ trong mỗi ngày; không quá 30 giờ mỗi tháng và tổng số không quá 200 giờ mỗi năm. Một số trường hợp đặc biệt do Quốc hội quy định thì được làm thêm giờ và không quá 300 giờ mỗi năm;
- Phải bố trí lịch nghỉ bù cho người lao động sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng. Việc này bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
3.2 Quy định về số giờ làm thêm
+ Không quá 12 giờ mỗi ngày ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần;
+ Sau mỗi đợt làm thêm (tối đa 07 ngày liên tục trong tháng), phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ. Nếu người sử dụng lao động không bố trí nghỉ bù thì phải trả lương làm thêm giờ cho người lao động.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.868644 hoặc gửi qua email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Hòa Nhựt. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.