1. Thời hiệu xử phạt hành chính về quyền tác giả là bao lâu?
Theo quy định tại Nghị định 129/2021 quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan là 02 năm. Thời hiệu đó được tính theo một số cách khác nhau, bao gồm nhưng không giới hạn bởi:
- Thời điểm phát hiện ra hành vi vi phạm
- Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm
- Thời điểm chấm dứt sự trốn tránh hoặc chống đối, nếu cá nhân tổ chức vi phạm thực hiện một trong hai hoặc cả hai hành vi trên.
- Thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính xử phạt hành vi vi phạm.
2. Hành vi xâm phạm quyền tác giả gồm những hành vi gì?
Trước khi xác định những hành vi xâm phạm quyền tác giả là những hành vi gì, cần trước hết xác định tác giả có những quyền gì với tác phẩm của mình.
Theo Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2022, tác giả có các quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân bao gồm các quyền liên quan đến cá nhân tác giả, ví dụ như quyền được đặt tên tác phẩm, quyền được ghi danh trên tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, v.v. Các quyền tài sản, như tên gọi của nó, là những quyền liên quan đến việc tạo doanh thu từ các tác phẩm đó. Do đó, số lượng quyền sẽ rất lớn và sẽ không thể đề cập được hết trong nội dung bài viết. Một số quyền nổi bật trong quyền tài sản của tác giả là quyền sao chép (copyright), quyền phân phối đến công chúng, quyền làm tác phẩm tái sinh (từ sách chuyển thể ra phim), quyền cho thuê sách (v.v).
Điều 28 Luật Sở hữu Trí tuệ quy định các hành vi xâm phạm quyền tác giả dưới dạng liệt kê, do đó số lượng các hành vi được quy định rõ ràng theo quy định của pháp luật. Theo đó, có 8 hành vi có thể được chia thành 2 dạng: Hành động hoặc không hành động
2.1. Hành vi xâm phạm quyền tác giả dưới dạng hành động
Hành vi xâm phạm quyền tác giả dưới dạng hành động là những hành vi xâm phạm quyền tác giả một cách cố ý từ những cá nhân vi phạm quyền tác giả, gồm 6 hành vi. Trong các hành vi này lại được chia thành 2 nhóm: Hành vi xâm phạm trực tiếp và hành vi vô hiệu hóa sự bảo vệ quyền tác giả.
Hành vi xâm phạm trực tiếp thì rõ ràng như tên gọi của nó, là những hành vi vi phạm quyền tác giả dựa trên sự xâm hại trực tiếp. Các hành vi này bao gồm 3 hành vi. Trong đó 2 hành vi là việc những cá nhân tổ chức thực hiện việc xâm phạm các quyền nhân thân, quyền tài sản đã được giải thích bên trên là những hành vi phổ biến nhất. Hành vi cuối cùng là hành vi đang ngày càng trở nên phổ biến trong thời kỳ công nghệ số, là hành vi phân phối, phát sóng những bản sao tác phẩm dù cho chủ sở hữu quyền tác giả đã yêu cầu gỡ bỏ các bản sao đó. Ngoài ra, hành vi này cũng bao gồm việc tạo điều kiện cho việc vi phạm đó, ví dụ như việc lập một website có những bộ phim được đăng tải một cách bất hợp pháp lên.
Hành vi vô hiệu sự bảo vệ quyền tác giả là các hành vi làm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ (ví dụ như tường lửa) do tác giả dựng nên để bảo vệ quyền tác giả. Nhóm hành vi này bao gồm hành vi cố ý hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa; cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin; cố ý phân phối các thiết bị cho phép hoặc tạo điều kiện nhằm vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ này.
2.2. Hành vi xâm phạm quyền tác giả dưới dạng không tuân thủ
Không chỉ những hành vi cố ý xâm phạm bị xử phạt, mà hành vi không tuân thủ cũng có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Để hiểu được hành vi xâm phạm này, cần hiểu về các trường hợp ngoại lệ được coi là không xâm phạm quyền tác giả, do việc nhầm lẫn giữa trường hợp ngoại lệ là một trong những lý do xâm phạm khá phổ biến, bất luận người xâm phạm có lỗi hay không. Có 02 hành vi này theo quy định của pháp luật
Hành vi thứ nhất là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trong trường hợp ngoại lệ. Theo đó, Luật Sở hữu Trí tuệ đã đưa ra các trường hợp ngoại lệ cho phép cá nhân xâm phạm quyền tác giả mà không phải trả phí, để chừa ra một khoảng trống với mục đích rất nhân đạo. Ví dụ, một người giáo viên sẽ không phải xin phép tác giả của một tác phẩm nếu muốn đưa một phân đoạn trong tác phẩm đó nhằm chỉ ra các biện pháp nghệ thuật được áp dụng trong nó. Tuy nhiên, một số trường hợp có một yêu cầu rất gắt gao về việc "không nhằm mục đích thương mại". Ví dụ như việc biểu diễn một bài hát tại một chương trình âm nhạc ở trường, nếu không ai thu phí gì thì vẫn sẽ phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên, nếu tổ chức đó tiến hành việc thu phí vào cửa thì ngay lập tức sẽ bị coi là vi phạm quyền tác giả, do tổ chức đó đang kiếm lời từ việc biểu diễn tác phẩm mà không xin phép tác giả. Yếu tố "không tuân thủ" xuất hiện là do tổ chức tiến hành thu phí đã không thực hiện nghĩa vụ không thu phí theo quy định pháp luật.
Hành vi thứ hai là việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Nghe có vẻ phức tạp nhưng thực chất đó là các Doanh nghiệp như Facebook, YouTube, bất kỳ đơn vị nào thực hiện việc đưa thông tin lên trên mạng Internet. Theo đó, các doanh nghiệp này có thể được miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong trường hợp người dùng nền tảng của họ thực hiện đăng tải các nội dung vi phạm quyền tác giả trong một số trường hợp nhất định. Do đó, việc không tuân thủ các trường hợp này sẽ làm mất đi quyền miễn trừ pháp lý. Khi đó, Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho các hành vi vi phạm của người dùng.
3. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả
Do tính chất phức tạp của quyền tác giả, các hình thức xử phạt cũng có sự phức tạp tương tự. Nếu phân nhóm ra, chúng ta có thể lấy các nhóm đã được phân bên trên và mở rộng thêm. Theo đó, các nhóm hình thức xử phạt sẽ bao gồm các hành vi xâm phạm dưới dạng:
- Xâm phạm quyền nhân thân của tác giả: Những hành vi xâm phạm trực tiếp các quyền nhân thân được liệt kê trong Luật Sở hữu Trí tuệ, bao gồm: quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm, sự toàn vẹn của tác phẩm, giả mạo chữ ký, v.v.
- Xâm phạm quyền tài sản của tác giả: Những hành vi xâm phạm trực tiếp đến quyền tài sản trong Luật Sở hữu Trí tuệ, bao gồm: quyền công bố, quyền làm tác phẩm tái sinh, quyền cho phép biểu diễn trước công chúng, cho thuê bản sao hoặc bản gốc tác phẩm điện ảnh, v.v.
- Xâm phạm quyền liên quan của người liên quan: Những hành vi xâm phạm trực tiếp đến quyền của người liên quan, ví dụ như: quyền được giới thiệu tên của người biểu diễn, sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, quyền định cuộc biểu diễn trực tiếp của người biểu diễn, quyền sao chép cuộc biểu diễn, v.v.
- Vô hiệu hóa sự bảo vệ được tác giả tạo nên: Những hành vi vô hiệu hóa sự bảo vệ do tác giả tạo nên nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm như
- Tạo điều kiện cho việc xâm phạm: Những hành vi tạo điều kiện cho phép các cá nhân khác thực hiện việc vô hiệu hóa sự bảo vệ được tác giả tạo nên
- Không tuân thủ nghĩa vụ: Những hành vi xâm phạm phát sinh từ việc cá nhân tổ chức không tuân thủ nghĩa vụ trong những trường hợp loại trừ cho phép sử dụng tác phẩm mà không phải trả phí, ví dụ như hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại
- Các hành vi xâm phạm khác: Các hành vi xâm phạm khác liên quan việc đến đăng ký, tổ chức đại diện, giám định quyền tác giả, tổ chức tư vấn dịch vụ
Những nhóm hành vi trên có 2 biện pháp xử phạt. Biện pháp xử phạt thứ nhất là hành vi phạm tiền, với nhiều mức phạt khác nhau. Mức phạt nhẹ có thể từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, trong khi những mức phạt nặng có thể lên đến 250.000.000 đồng. Biện pháp xử phạt thứ hai là biện pháp khắc phục hậu quả. Biện pháp này được áp dụng riêng cho từng hành vi vi phạm riêng, do bản chất của mỗi hành vi vi phạm là không giống nhau. Ví dụ, biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi xâm phạm quyền áp dụng biện pháp công nghệ để tự bảo vệ quyền liên quan gồm 02 biện pháp. Một là buộc hủy tang vật vi phạm đối với hành vi, hai là buộc tái xuất tang vật vi phạm đối với hành vi nhập khẩu. Nếu không áp dụng biện pháp tái xuất thì áp dụng biện pháp buộc tiêu hủy.
Trên đây là bài viết về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả. Để được tư vấn về các vấn đề khác về quyền tác giả, vui lòng liên hệ 1900.868644 hoặc [email protected] để được hỗ trợ chi tiết.