Thông tư 39/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia

Bài viết dưới đây trình bày về Thông tư 39/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia

1. Dữ liệu viễn thám quốc gia

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 03/2019/NĐ-CP có quy định, dữ liệu ảnh viễn thám là thông tin, hình ảnh đối tượng địa lý được thu nhận từ vệ tinh viễn thám.

Điều 4 Nghị định 03/2019/NĐ-CP có quy định về nguyên tắc trong hoạt động viễn thám cụ thể như sau:

- Dữ liệu ảnh viễn thám, siêu dữ liệu, sản phẩm viễn thám phải được cập nhật thường xuyên, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai, quốc phòng, an ninh.

- Công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám xây dựng bằng ngân sách nhà nước là tài sản công, phải được kế thừa, sử dụng chung, được quản lý và bảo vệ theo quy định của pháp luật.

- Cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia phải được duy trì, vận hành và cập nhật thường xuyên để xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia và dữ liệu không gian địa lý quốc gia, tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.

- Ngân sách trung ương bảo đảm cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về viễn thám; xây dựng và vận hành hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám; thu nhận, lưu trữ, xử lý, cung cấp, khai thác và sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám; xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám.

- Ngân sách địa phương bảo đảm cho Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về viễn thám; thu nhận, lưu trữ, xử lý, cung cấp, khai thác và sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám; xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám thuộc phạm vi quản lý.

Việc ứng dụng dữ liệu ảnh viễn thám được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định 03/2019/NĐ-CP, theo đó, dữ liệu ảnh viễn thám được khai thác và sử dụng phục vụ các hoạt động sau:

- Quan trắc, giám sát về ô nhiễm môi trường: đất, nước do chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp; không khí do khí phát thải công nghiệp và sinh hoạt; ô nhiễm môi trường do thiên tai, các khoáng chất tự nhiên độc hại phát tán vào môi trường, khai thác khoáng sản; kiểm kê khí nhà kính.

- Công tác thu thập thông tin, dữ liệu, phân tích, điều tra, đánh giá, theo dõi diễn biến tài nguyên, môi trường định kỳ và đột xuất nhằm đưa ra các báo cáo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống thiên tai; giám sát hạn hán, cảnh báo cháy rừng, diễn biến lũ lụt, cứu hộ cứu nạn và ứng phó với biến đổi khí hậu; hiện trạng sản xuất nông nghiệp.

- Xây dựng, cập nhật bản đồ chuyên đề và cơ sở dữ liệu chuyên đề về hiện trạng tài nguyên thiên nhiên và môi trường, thực trạng biến đổi khí hậu; lập bản đồ địa chất các tỷ lệ.

- Cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, hệ thống bản đồ địa hình quốc gia.

- Phục vụ công tác quốc phòng, an ninh.

Điều 15 Nghị định 03/2019/NĐ-CP cũng quy định rõ nguồn thu thập dữ liệu ảnh viễn thám, theo đó, dữ liệu ảnh viễn thám được thu thập từ các nguồn:

- Trạm thu dữ liệu viễn thám của Việt Nam;

- Mua, trao đổi, nhận viện trợ của nước ngoài.

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 03/2019/NĐ-CP, việc xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia được quy định cụ thể, có thể kể đến một số vấn đề sau:

- Cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia là tập hợp dữ liệu ảnh viễn thám được thu nhận tại trạm thu dữ liệu viễn thám quốc gia, dữ liệu ảnh viễn thám mua từ nguồn ngân sách nhà nước, siêu dữ liệu viễn thám tập hợp từ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và sản phẩm viễn thám đã được kiểm tra, đánh giá và tổ chức quản lý, lưu trữ một cách có hệ thống.

- Cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia phải được cập nhật thường xuyên để cung cấp cho người sử dụng. Trong đó, dữ liệu ảnh viễn thám có độ phân giải cao được cập nhật hàng năm, dữ liệu ảnh viễn thám có độ phân giải siêu cao được cập nhật 05 năm một lần phủ trùm lãnh thổ Việt Nam.

2. Quy định của pháp luật về mức thu, chế độ thu, nộp, miễn phí sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia

Mức thu và miễn phí việc khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia được quy định tại Điều 3 Thông tư 39/2023/TT-BTC, theo đó:

- Mức thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia được quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư 39/2023/TT-BTC.

Nếu dữ liệu viễn thám tử 03 năm (36 tháng) trở lên tính đến thời điểm cung cấp, mức thu phí bằng 50% mức thu phí tương ứng quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư 39/2023/TT-BTC.

- Mức thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng hoặc trong tình trạng khẩn cấp bằng 60% mức thu phí quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 39/2023/TT-BTC.

- Miễn phí khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia phục vụ yêu cầu trực tiếp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Việc kê khai và nộp phí được quy định tại Điều 4 Thông tư 39/2023/TT-BTC, cụ thể:

- Người nộp phí thực hiện nộp phí theo mức thu quy định tại Điều 3 Thông tư 39/2023/TT-BTC cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

- Chậm nhất là ngày 05 hằng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước.

Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC (tổ chức thu phí thuộc Trung ương quản lý, tiền phí nộp vào ngân sách trung ương; tổ chức thu phí thuộc địa phương quản lý, tiền phí nộp vào ngân sách địa phương).

Tổ chức thu phí và người nộp phí được quy định tại Điều 2 Thông tư 39/2023/TT-BTC, theo đó:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi đề nghị cung cấp dữ liệu viễn thám quốc gia phải nộp phí theo quy định tại Thông tư 39/2023/TT-BTC.

- Tổ chức thu phí gồm: Đài Viễn thám Trung ương trực thuộc Cục Viễn thám quốc gia - Bộ Tài nguyên và Môi trường; cơ quan được giao cung cấp dữ liệu viễn thám quốc gia theo quy định của pháp luật.

3. Quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia

Điều 5 Thông tư 39/2023/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia cụ thể:

- Tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được để lại 55% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí và nộp 45% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

- Tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước nộp 100% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Nếu tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP được để lại 55% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP và nộp 45% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Trên đây là nội dung pháp lý được nêu trong bài viết trên.

Mọi thắc mắc liên hệ tổng đài 1900.868644 hoặc email [email protected] để được giải đáp chi tiết.

Trân trọng