Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ nào?

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là một cơ quan tương đối mới trong Bộ máy nhà nước nói chung. Vậy Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ nào, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn,... sẽ được Luật Hòa Nhựt giải thích thông qua bài viết dưới đây.

1. Sự ra đời của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Cạnh tranh là đặc tính riêng của nền kinh tế thị trường, là linh hồn và là động lực cho sự pháp triển của thị trường. Do đó, khi chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập chung sang nền kinh tế thị trường, chúng ta buộc phải làm quen với nó, và để đảm bảo đi theo nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, ta cần có cơ chế bảo vệ môi trường cạnh tranh phù hợp. Luật Cạnh tranh cũ có quy định về tổ chức bộ máy các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh gồm: Cục Quản lý Cạnh tranh (sau đổi tên là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) và Hội đồng Cạnh tranh (bao gồm cả bộ phận giúp việc là Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh).

Tuy nhiên, trong suốt thời gian hoạt động, Cục Quản lý Cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh đã tồn tại nhiều bất cập, những vấn đề vướng mắc nhất định không giải quyết được mà đòi hỏi phải có sự thay đổi. Do đó, Luật Cạnh tranh 2018 được Quốc hội Khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2019, đã quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trên quan điểm tổ chức lại các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh. Đây là điểm mới và quan trọng nhằm mục tiêu tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh.

2. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ nào?

Từ Nghị định 96/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương, và Nghị định 03/2023/NĐ-CP, có thể rút ra rằng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (tên giao dịch viết bằng tiếng Anh: Viet Nam Competition Commission, viết tắt là VCC) là cơ quan thuộc Bộ Công Thương có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấ

Theo Luật Cạnh tranh năm 2018, cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh có một số đặc điểm sau:

+/ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ được tổ chức dưới danh nghĩa là cơ quan thuộc Bộ Công thương; nghĩa là cơ quan này có chức năng gần như một cơ quan giúp việc của Bộ trưởng Bộ Công thương trong các vấn đề về quản lý cạnh tranh. 

+/ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hoạt động dưới danh nghĩa một cơ quan “bán tư pháp”; nghĩa là vừa có trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về cạnh tranh, vừa có trách nhiệm điều tra để xử lý, giải quyết khiếu nại về cạnh tranh và xử phạt các hành vi liên quan đến vi phạm quy định về cạnh tranh đồng thời còn có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại liên quan đến quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của chính mình. 

+/ Vị thế pháp lý của cơ quan quản lý cạnh tranh có phần giảm bớt khi hợp nhất trở thành cơ quan thuộc Bộ Công thương. Điều này có thể ảnh hưởng phần nào đến quá trình giải quyết các vụ việc cạnh tranh khi Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần đến sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan khác trong hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia:

Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được pháp luật quy định như sau:

Thứ nhất, về tố tụng cạnh tranh: Phát hiện, xác minh và đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh; Tiếp nhận, xác minh, đánh giá các thông tin, chứng cứ về hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh do tổ chức, cá nhân cung cấp; tiếp nhận, xem xét, thụ lý hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh; Tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; Xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; Tiếp nhận, thụ lý, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; Tham gia tố tụng hành chính liên quan đến quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính; Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền phối hợp, hỗ trợ quá trình điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc cạnh tranh; Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;...

Thứ hai, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; tiếp nhận và xem xét hồ sơ đăng ký, đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định của pháp luật; Quản lý hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật; Công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; Giám sát việc thực hiện thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật;...

Thứ ba, về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp: Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp; Xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp; Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thay đổi thông tin danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp; Kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp; Tổ chức kiểm tra, cấp, thu hồi xác nhận kiến thức pháp luật về bản hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; Giải quyết thủ tục rút tiền ký quỹ, thủ tục sử dụng tiền ký quỹ; Thu, nộp, kê khai, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp theo quy định của pháp luật;...

Ngoài ra, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia còn phối hợp với các cơ quan khác, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Bộ Công thương giao.

4. Thành viên của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia:

Về số lượng: Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có tối đa là 15 người bao gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các thành viên khác. Tất cả đều là công chức của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia và nhà khoa học.

Về nhiệm vụ: Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện nhiệm vụ tham gia Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo trình tự, thủ tục tố tụng cạnh tranh và các nhiệm vụ khác theo quy định.

Về nhiệm kỳ: Nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Về điều kiện: Để trở thành thành viên của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, cá nhân cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+/ Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực.

+/ Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, tài chính.

+/ Có tổng thời gian công tác thực tế ít nhất là 09 năm trong một hoặc một số lĩnh vực theo quy định.

Trên đây là toàn bộ nội dung về chủ đề Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ nào? mà Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách hàng. Ngoài ra, quý khách có thể tham khảo thêm về bài viết Thành viên của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có phải là công chức? của Luật Hòa Nhựt. Còn bất cứ vướng mắc nào, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật của Luật Hòa Nhựt qua hotline:1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!