Xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh như thế nào? Miễn hoặc giảm mức xử phạt theo luật cạnh tranh

Xử lí vi phạm pháp luật là xem xét, quyết định áp dụng các hình thức trách nhiệm pháp lí đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật. Trách nhiệm pháp lí được hiểu là hậu quả bất lợi mà chủ thể pháp lí phải gánh chịu do pháp luật quy định vì hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Trách nhiệm pháp lí bao gồm: trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỉ luật.

Hình thức xử lí vi phạm pháp luật cạnh tranh là các hình thức trách nhiệm pháp lí áp dụng đối với doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề vi phạm pháp luật cạnh tranh.

Các chủ thể kinh doanh, hiệp hội ngành nghề khi vi phạm các quy định của pháp luật cạnh tranh, tuỳ thuộc tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức trách nhiệm pháp lí, như: trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự hay trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh khái niệm trách nhiệm pháp lí, trong luật học còn sử dụng phổ biến các hình thức chế tài. Chế tài là một bộ phận cấu thành của quy phạm pháp luật, xác định các hình thức trách nhiệm pháp lí khi có hành vi vi phạm với những quy tắc xử sự chung được ghi trong phần quy định và giả định của quy phạm pháp luật. Căn cứ vào tính chất của các nhóm quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh mà chế tài lại bao gồm nhiều hình thức, như: chế tài hành chính, chế tài dân sự, chế tài hình sự... Bởi vậy, tương ứng với các hình thức trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự hay trách nhiệm hình sự áp dụng đối với các chủ thể kinh doanh, hiệp hội ngành nghề vi phạm các quy định của pháp luật cạnh tranh, đó là các chế tài hành chính, chế tài dân sự hay chế tài hình sự.

Liên quan đến các hình thức xử lí vi phạm pháp luật cạnh tranh, mỗi hệ thống pháp luật trên thế giới có những cách tiếp cận khác nhau. Các nước theo hệ thống Common Law (Luật Anh-Mỹ) quan niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại đến lợi ích công cộng nói chung nên chế tài áp dụng bao gồm cả chế tài dân sự, hành chính và hình sự. Các nước theo hệ thống Civil Law (Luật châu Âu lục địa) lại quan niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh xâm hại đến lợi ích của các đối thủ cạnh tranh hoặc khách hàng cụ thể (pháp luật cạnh tranh không lành mạnh được xếp vào luật tư) nên chế tài áp dụng chủ yếu là các chế tài dân sự, như: bồi thường thiệt hại, buộc cải chính.

Pháp luật cạnh tranh của Việt Nam xem xét hành vi cạnh tranh không lành mạnh không chỉ xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể kinh doanh và của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến cả lợi ích của Nhà nước(1). Do đó, bên cạnh những chế tài dân sự như bồi thường thiệt hại (Điều 6 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP) còn có chế tài hành chính như phạt cảnh cáo, phạt tiền và cả các chế tài hình sự.

Các chế tài được các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh áp dụng đối với các chủ thể kinh doanh, hiệp hội ngành nghề vi phạm pháp luật cạnh tranh chủ yếu là các chế tài hành chính. Chế tài dân sự và chế tài hình sự được toà án có thẩm quyền áp dụng theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc tố tụng hình sự khi bên bị hại yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại hoặc cơ quan có thẩm quyên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bên vi phạm pháp luật cạnh tranh.

Theo pháp luật cạnh tranh, các hình thức xử lí vi phạm pháp luật cạnh tranh được các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh áp dụng, bao gồm: xử phạt chính, xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

- Chính sách khoan hồng thường được chú trọng trong xử lí vi phạm pháp luật cạnh tranh ờ các nước trôn thế giới, vấn đề này chưa được quy trong Luật cạnh tranh năm 2004 nhưng lại được coi là điểm mới của Luật cạnh tranh 2018 khi Luật cạnh tranh năm 2018 đã dành một điều luật để qúy định cụ thể về chính sách khoan hồng.

- Theo Điều 112 Luật cạnh tranh năm 2018, doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra và xử lí hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm quy định tại Điều 12 của Luật cạnh tranh được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.

Chủ tịch ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định việc miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.

- Việc miễn hoặc giảm mức xử phạt nêu trên được thực hiện trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại Điều 11 của Luật này;

- Tự nguyện khai báo hành vi vi phạm trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định điều tra;

- Khai báo trung thực và cung cấp toàn bộ các thông tin, chứng cứ có được về hành vi vi phạm, có giá trị đáng kể cho việc phát hiện, điều tra và xử lí hành vi vi phạm;

- Hợp tác đầy đủ với cơ quan có thẩm quyền trong suốt quá trình điều ưa và xử lí hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, Luật cạnh tranh năm 2018 cũng quy định về việc miễn hoặc giảm mức xử phạt không áp dụng đối với doanh nghiệp có vai trò ép buộc hoặc tổ chức cho các doanh nghiệp khác tham gia thỏa thuận.

Ngoài ra, chính sách khoan hồng cũng áp dụng cho không quá 03 doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin hường khoan hồng đến ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên.

+ Căn cứ xác định doanh nghiệp được hưởng khoan hồng, bao gồm:

- Thứ tự khai báo;

- Thời điểm khai báo;

- Mức độ trung thực và giá trị của các thông tin, chứng cứ đã cung cấp.

+ Việc miễn, giảm mức phạt tiền được thực hiện như sau:

- Doanh nghiệp đầu tiên có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện nêu trên (quy định tại khoản 3 Điều 112 Luật cạnh tranh năm 2018) được miễn 100% mức phạt tiền;

- Doanh nghiệp thứ hai và thứ ba có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện nêu trên (quy định tại khoản 3 Điều 112 Luật cạnh tranh năm 2018) lần lượt được giảm 60% và 40% mức phạt tiền.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!