Yếu tố bảo đảm quyền của phụ nữ trong tố tụng hôn nhân và gia đình

Thực tiễn xã hội và pháp lý ở Việt Nam cho thấy, việc công nhận và bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là mục tiêu và nguyên tắc cơ bản, nhất quán trong chính sách về gia đình của Đảng và Nhà nước ta. Yếu tố bảo đảm quyền của phụ nữ trong tố tụng hôn nhân và gia đình sẽ được đề cập trong nội dung bài viết của Luật Hòa Nhựt dưới đây.

1. Hoạt động của Tòa án với việc bảo vệ quyền của người phụ nữ khi ly hôn

Với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước, là cơ quan duy nhất có quyền tuyên bố chấm dứt quan hệ hôn nhân và ra phán quyết về các vấn đề con chung, tài sản, cấp dưỡng… là các hậu quả pháp lý gắn liền với sự kiện ly hôn; việc bảo đảm quyền của phụ nữ khi ly hôn phụ thuộc rất lớn vào Tòa án.

Trong tổng số các vụ việc hôn nhân và gia đình Tòa án các cấp giải quyết thì số lượng vụ việc ly hôn chiếm tỉ lệ lớn nhất. Mặc dù số lượng vụ án tranh chấp ly hôn đưa ra xét xử không nhiều nhưng các vụ án đưa ra xét xử đều mang tính phức tạp cao, liên quan đến nhiều quyền lợi quan trọng của các đương sự trong vụ án. Nhìn chung, kết quả xét xử các vụ án ly hôn của tòa án thời gian vừa qua đạt yêu cầu, bảo đảm quyền lợi chính đáng của đương sự. 

Tuy nhiên, trong công tác giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình, đội ngũ cán bộ, công chức của Tòa án nhân dân các cấp nhìn chung chưa đủ về số lượng, một bộ phần còn bất cập về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác. Thẩm phán còn gặp nhiều khó khăn trong giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình, dẫn tới chất lượng giải quyết nhiều vụ việc về hôn nhân và gia đình còn chưa cao. Việc phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong phối hợp giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình hoặc trong công nhận, thực hiện và bảo vệ quyền về hôn nhân và gia đình của người dân còn nhiều bất cập.

Mặt khác, hoạt động giải quyết án ly hôn của Tòa án còn chịu sức ép về số lượng và thời hạn giải quyết vụ án, nhiều vụ án ly hôn đưa ra xét xử nhiều lần nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm là những trở ngại đối với việc bảo đảm thực thi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ khi ly hôn. Các sai sót, tồn tại xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, tập trung vào cả ba vấn đề khi giải quyết án ly hôn gồm: hôn nhân, con chung và tài sản chung. 

Thực tế áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 trong những năm qua cho thấy, mặc dù đã điều chỉnh có hiệu quả nhiều quan hệ về hôn nhân và gia đình phát sinh trong thực tiễn, nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập như: một số quy định liên quan đến thực hiện quyền con người, đặc biệt là về bình đẳng giới còn mang tính hình thức, không thực chất và không khả thi; một số vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được luật quy định cụ thể hoặc không quy định. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 vừa được ban hành có nhiều điểm mới, tiến bộ nhằm đảm bảo quyền con người nói chung và bảo đảm thực hiện quyền phụ nữ trong quan hệ hôn nhân và gia đình nói riêng đặt ra yêu cầu cần được nghiên cứu, đề xuất áp dụng trong thực tiễn. 

Trên cơ sở xem xét phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013 và các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia, cần cải tiến hoạt động giải quyết các vụ việc ly hôn của Tòa án trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ quyền của phụ nữ nhằm góp phần thực thi có hiệu quả pháp luật về quyền con người, quyền công dân.

Như vậy, với những phân tích trên đây, việc bảo vệ quyền của phụ nữ khi giải quyết các vụ việc ly hôn của Tòa án là một việc vô cùng quan trọng, cần thiết và có ý nghĩa. Từ việc nghiên cứu vấn đề, trao đổi thông tin nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền của phụ nữ khi ly hôn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án trong việc bảo đảm thực thi quyền của phụ nữ trong thực tế là cơ sở của sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

2. Bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình

Thực tiễn xã hội và pháp lý ở Việt Nam cho thấy, việc công nhận và bảo vệ quyền của phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là mục tiêu và nguyên tắc cơ bản, nhất quán trong chính sách về gia đình của Đảng và Nhà nước ta. Cùng với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là nhà nước mà trong đó mọi hoạt động của nó phải hướng đến việc bảo đảm quyền con người được tôn trọng và thực thi đầy đủ trong thực tiễn đời sống xã hội.

Trên cơ sở Hiến pháp, các quyền cơ bản của công dân nói chung và phụ nữ nói riêng trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đã dược cụ thể hóa trong các đạo luật đồng thời tạo ra các công cụ bảo vệ các quyền đó như Bộ luật dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật đất đai, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự…

Hiện nay, Việt Nam đã có những chính sách khá đầy đủ và một hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Trong đó, ngành luật cơ bản điều chỉnh, bảo vệ quyền lợi một cách cụ thể, xác đáng cho người phụ nữ cũng như sự bình đẳng giữa vợ và chồng là Luật hôn nhân và Gia đình. Một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 2, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là: “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”. Với những điểm mới, sửa đổi, bổ sung quan trọng phù hợp với thực tiến đời sống kinh tế - xã hội, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 vừa được ban hành đã kịp thời  đáp ứng các yêu cầu khách quan của đời sống hôn nhân và gia đình trong tình hình mới. Đồng thời, góp phần bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới.

3. Yếu tố bảo đảm quyền của phụ nữ trong tố tụng hôn nhân và gia đình

Yếu tố pháp luật:

Yếu tố pháp luật là một trong những điều kiện quan trọng nhất để quyền của phụ nữ được thực hiện trên thực tế. Chính vì lẽ đó, cùng với sự phát triển của nước nhà, đường lối chính sách của Đảng về đảm bảo quyền của phụ nữ đã lần lượt được sửa đổi, bổ sung, thể chế hóa trong hệ thống pháp luật, tiêu biểu và cơ bản nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình

Quy định quyền nhân thân và quyền tài sản trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, như: Quyền được làm mẹ, quyền được nuôi con, quyền về tài sản, quyền được cấp dưỡng, quyền lưu cư ... đã được quy định cụ thể hơn, phù hợp hơn với thực tế đời sống gia đình Việt Nam và đồng bộ với pháp luật có liên quan. 

Các quy định bảo vệ quyền phụ nữ nói riêng, quyền con người nói chung trong lĩnh vực HN&GĐ theo pháp luật Việt Nam ngày càng toàn diện và tiến bộ, phù hợp với yêu cầu của pháp luật quốc tế, là cơ sở vững chắc cho quyền của phụ nữ được đảm bảo thực hiện trên thực tế thông qua hoạt động của cơ quan tư pháp và bằng việc quy định các hình thức, biện pháp xử lý vi phạm...

Hoạt động của cơ quan Tố tụng:

Để quyền của phụ nữ được đảm bảo trong hoạt động tố tụng vụ việc HNGGĐ: 

- Hoạt động tố tụng của Tòa án phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục tố tụng luật định. Cho nên pháp luật tố tụng là cơ sở pháp lý bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt hoạt động tố tụng của mình. Tố tụng chỉ bảo đảm được công bằng, vô tư, khách quan khi Tòa án được thực sự độc lập, độc lập về thể chế; độc lập giữa cơ quan lập pháp và hành pháp; độc lập về các vấn đề hành chính tư pháp trong nội bộ, bao gồm cả việc phân công hồ sơ vụ án cho các Thẩm phán của Tòa án.

- Năng lực, trình độ, đạo đức, bản lĩnh ... của Thẩm phán là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng hoạt động tố tụng vụ việc HNGĐ. Quyết định có đúng pháp luật, hợp tình, hợp lý hay không phần lớn phụ thuộc vào vai trò của Thẩm phán. Công việc của họ tạo nên trụ cột chính của việc bảo vệ pháp lý hiệu quả quyền con người mà nếu không có nó, những nguyên tắc cao quý nhằm bảo vệ cá nhân chống lại sự lạm dụng quyền lực dường như sẽ mất hết ý nghĩa. 

Yếu tố ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý:

Bảo đảm quyền của phụ nữ là trách nhiệm của toàn xã hội, trách nhiệm này xuất phát từ đặc điểm của phụ nữ, những người thuộc về phái yếu trong xã hội, nhóm người dễ bị tổn thương. Trong những năm gần đây Nhà nước và xã hội đã có những hành động cụ thể nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ. Tuy nhiên tình trạng xâm phạm quyền của nhóm người yếu thế này vẫn diễn ra phổ biến. Thực trạng này là kết quả tất yếu của nhiều yếu tố. 

- Trình độ văn hóa của chủ thể pháp luật. Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến việc thực hiện pháp luật về bảo vệ quyền của phụ nữ, là điều kiện đầu tiên, cơ bản để có những hành vi xử sự hợp pháp, với người có trình độ văn hóa cao họ sẽ dễ dàng hiểu biết pháp luật, nhận thức đúng pháp luật và dẫn đến việc thực hiện pháp luật nghiêm minh.

- Xuất phát từ yếu tố tâm lý của các thành viên trong gia đình và cộng đồng, đặc biệt ở nông thôn, việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với phụ nữ chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự rắc rối liên quan đến họ hay nói cách khác là sự thờ ơ trước những hành vi trái pháp luật; chưa có thói quen giải quyết tranh chấp mâu thuẫn bằng con đường tư pháp, tâm lý e ngại phải hầu Tòa. 

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Yếu tố bảo đảm quyền của phụ nữ trong tố tụng hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644​​​​​​​ để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.


Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!