05 hình thức xử phạt vi phạm hành chính mới nhất

Khi cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính và bị tố giác, phát hiện, thì sẽ bị người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính của mình gây ra. 05 hình thức xử phạt vi phạm hành chính mới nhất sẽ được đề cập trong nội dung bài viết của Luật Hòa Nhựt dưới đây.

1. 05 hình thức xử phạt vi phạm hành chính mới nhất

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, có 05 hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

Xử phạt cảnh cáo:

- Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. 

- Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.

Xử phạt bằng hình thức phạt tiền:

Căn cứ Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, khoản 9 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

(Trừ trường hợp mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực thuế; đo lường; an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chứng khoán; cạnh tranh theo quy định tại các luật tương ứng).

Xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn:

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. 

- Đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính

- Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động là từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. 

- Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung thời gian tước, đình chỉ được quy định đối với hành vi đó

Xử phạt tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính):

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.

Xử phạt bằng hình thức trục xuất:

- Trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Đối tượng áp dụng hình thức trục xuất: Cá nhân là người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì tùy theo mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức bị xử phạt trục xuất.

2. Mục đích của xử phạt vi phạm hành chính

Xử lý vi phạm hành chính nói chung, và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính của nhà nước. Đây cũng là vấn đề trực tiếp liên quan đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được đảng, nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm. 

Mục đích của, xử phạt vi phạm hành chính nói riêng, của xử lý vi phạm hành chính nói chung là, ngăn chặn, phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước. Chính vì vậy, trong quá trình thảo luận, thông qua luật xử lý vi phạm hành chính, nhiều đại biểu quốc hội đồng tình với việc nâng mức phạt tiền để bảo đảm tính răn đe trong xử phạt vi phạm hành chính đặc biệt là trong việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái...

Như vậy việc nâng mức tiền phạt hoặc việc quy định và áp dụng các hình thức xử lý khác không phải để tăng nguồn thu cho ngân sách hay để trừng phạt nặng cá nhân, tổ chức vi phạm mà để pháp luật trong quản lý nhà nước được tôn trọng và bảo vệ. Việc xử lý vi phạm hành chính là một loại cưỡng chế nhà nước. Bên cạnh việc sử dụng các biện pháp thuyết phục, vận động thì các biện pháp cưỡng chế nhà nước có vai trò, ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm pháp chế. 

Nếu không có xử phạt vi phạm hành chính thì không có trật tự, quyền và lợi ích của nhà nước cũng như của mỗi cá nhân, tổ chức bị xâm phạm. Việc xử phạt vi phạm hành chính đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước, của tổ chức và cá nhân cũng như vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3. Một số vướng mắc khi áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính

 Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình áp dụng. Trước tình hình đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020) ra đời với mục đích khắc phục những hạn chế của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn đi vào áp dụng (kể từ ngày 01/01/2022 đến nay), Luật này đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập như sau:

- Về giải thích từ ngữ còn thiếu quy định về yếu tố lỗi vi phạm, vụ việc vi phạm hành chính phức tạp, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng:

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (về giải thích từ ngữ) quy định: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”. Tuy nhiên hiện nay chưa có quy định nào giải thích yếu tố lỗi trong vi phạm hành chính (lỗi cố ý, lỗi vô ý). Bên cạnh đó, các cụm từ mô tả tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm hành chính (như phức tạp, không nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…) vẫn còn bỏ ngỏ.

- Quy định về niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thiếu tính khả thi:

Đối với vụ việc vi phạm hành chính có tang vật, phương tiện bị tạm giữ khi thỏa mãn một trong ba căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 thì người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, tại Điều 125 về áp dụng biện pháp này và tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính không có hướng dẫn thủ tục, cách thức niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, điển hình như xe đạp, mô tô, các loại xe tương tự xe mô tô, đồ gỗ, xe ô tô trường hợp bị tai nạn vỡ kính, dập nát cánh cửa, tàu thuyền… dẫn đến người thực thi công vụ rất lúng túng khi áp dụng trong thực tiễn.

- Quy định về hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn mang tính chung chung:

Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.

Như vậy, theo quy định của Điều 26 thì tịch thu là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính… Tuy nhiên, một số tang vật như pháo nổ, đồ chơi nguy hiểm… cần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là tiêu hủy.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về 05 hình thức xử phạt vi phạm hành chính mới nhất mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!