1. Ai là cán bộ cấp xã, công chức cấp xã từ ngày 01/8/2023?
1.1. Các chức vụ cán bộ cấp xã từ ngày 01/8/2023
Theo Khoản 1 Điều 5 của Nghị định 33/2023/NĐ-CP, từ ngày 01/8/2023, các chức vụ cán bộ cấp xã bao gồm:
- Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy.
- Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.
- Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
- Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam).
- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
1.2. Các chức danh công chức cấp xã từ ngày 01/8/2023
Theo Khoản 2 Điều 5 của Nghị định 33/2023/NĐ-CP, các chức danh công chức cấp xã từ ngày 01/8/2023 bao gồm:
- Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự.
- Chức danh Văn phòng – thống kê.
- Chức danh Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã).
- Chức danh Tài chính – kế toán.
- Chức danh Tư pháp – hộ tịch.
- Chức danh Văn hóa – xã hội.
Hiện nay, theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP, ngoài các chức danh công chức cấp xã nêu trên, còn có chức danh Trưởng Công an cấp xã.
2. Thẩm quyền quản lý đối với cán bộ, công chức cấp xã từ 01/8/2023
* Bộ Nội vụ có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định về cán bộ, công chức cấp xã;
- Hướng dẫn việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cán bộ và công chức cấp xã.
- Tiến hành kiểm tra và thanh tra hoạt động của Ủy ban nhân dân ở mọi cấp và của cán bộ, công chức trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về cán bộ và công chức cấp xã.
- Thực hiện việc thống kê và tổng hợp thông tin về số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ và công chức cấp xã trên toàn quốc.
* Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định này;
- Ban hành Quy chế về việc tuyển dụng công chức cấp xã, hướng dẫn và kiểm tra việc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức cấp xã hàng năm.
- Thiết lập tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức vụ và danh hiệu của công chức cấp xã theo quy định tại Điều 8 và Điều 10 của Nghị định này.
- Định rõ ngành đào tạo dựa theo yêu cầu nhiệm vụ cho từng chức danh công chức cấp xã.
- Thực hiện nhiệm vụ thanh tra và kiểm tra việc triển khai chế độ và chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc tuyển dụng, lập kế hoạch, và quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, theo từng bước tiêu chuẩn hóa nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã.
- Chị đạo việc xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã hàng năm.
- Hướng dẫn giải quyết khiếu nại và tố cáo đối với cán bộ, công chức cấp xã.
- Ban hành quy định về cấp quản lý cán bộ và công chức cấp xã.
- Tổng hợp, thống kê, và báo cáo về số lượng và chất lượng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn cấp tỉnh.
- Hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng nguồn kinh phí để thực hiện chế độ và chính sách theo quy định của Chính phủ và Hội đồng nhân dân cùng cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã.
- Hướng dẫn việc lập và quản lý hồ sơ cán bộ và công chức cấp xã.
* Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm và quyền hạn như sau:
- Xây dựng kế hoạch và quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ và công chức cấp xã.
- Quyết định số lượng cụ thể của cán bộ và công chức tại từng đơn vị hành chính cấp xã, và bố trí số lượng công chức cho từng chức danh cấp xã, theo quy định tại khoản 5 Điều 6 của Nghị định này.
- Tổ chức quá trình tuyển dụng của công chức cấp xã, tuân thủ quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP và Quy chế tuyển dụng công chức của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đồng thời, quyết định tiếp nhận, điều động, chuyển công tác và quản lý công chức cấp xã, theo quy định của Nghị định này và theo phân cấp quản lý công chức của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cụ thể, quyết định cho thôi giữ chức vụ đối với cán bộ cấp xã, thôi việc đối với công chức cấp xã, và nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của pháp luật.
- Đề ra tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức vụ cán bộ cấp xã và từng chức danh công chức cấp xã, theo quy định tại Điều 9 và Điều 11 của Nghị định 33/2023/NĐ-CP.
- Thực hiện quản lý chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ và công chức cấp xã.
- Quyết định chức danh có quyền hưởng phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp số lượng chức danh kiêm nhiệm lớn hơn số lượng cán bộ và công chức cấp xã, tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 20 của Nghị định 33/2023/NĐ-CP.
- Tổ chức các hoạt động đào tạo và bồi dưỡng cán bộ và công chức cấp xã theo hướng dẫn và phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Quyết định việc khen thưởng và kỷ luật đối với cán bộ và công chức cấp xã, theo phân cấp quản lý cán bộ và công chức của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, và đánh giá việc tuân thủ các quy định về cán bộ và công chức cấp xã.
- Giải quyết khiếu nại và tố cáo đối với cán bộ và công chức cấp xã theo quy định của pháp luật.
- Tổng hợp và thống kê số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ và công chức cấp xã trên địa bàn cấp huyện.
- Hướng dẫn và kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ và công chức cấp xã hàng năm, và kiểm tra việc tuân thủ các chế độ và chính sách đối với cán bộ và công chức cấp xã.
- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã về việc lập và quản lý hồ sơ cán bộ và công chức cấp xã.
* Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm và quyền hạn như sau:
- Trực tiếp quản lý và sử dụng công chức cấp xã, tiến hành nhận xét, đánh giá, và xếp loại chất lượng công chức cấp xã hàng năm.
- Thực hiện các chế độ, chính sách, kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng công chức cấp xã, cùng việc quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực cho công chức cấp xã.
- Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét và quyết định việc hưởng phụ cấp kiêm nhiệm cho chức danh cấp xã trong trường hợp số lượng chức danh kiêm nhiệm lớn hơn số lượng cán bộ và công chức cấp xã, tuân theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Nghị định 33/2023/NĐ-CP.
- Đề xuất cho cơ quan và tổ chức có thẩm quyền tại cấp huyện khen thưởng cán bộ và công chức cấp xã theo phân cấp quản lý cán bộ và công chức tại địa phương.
- Đề xuất cho cơ quan và tổ chức có thẩm quyền tại cấp huyện về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ và công chức cấp xã.
- Giải quyết khiếu nại và tố cáo liên quan đến công chức cấp xã theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện việc thống kê và báo cáo về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ và công chức cấp xã.
- Lập và quản lý hồ sơ cán bộ và công chức cấp xã.
3. Tăng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
Nghị định 33/2023/NĐ-CP cũng quy định việc tính số lượng người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã dựa trên loại đơn vị hành chính cấp xã như sau: Loại I - 14 người; Loại II - 12 người; Loại III - 10 người.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ xác định số lượng người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã dựa trên số đơn vị hành chính cấp xã, với quy mô dân số và diện tích tự nhiên vượt quá tiêu chuẩn được xác định trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Cụ thể, phường thuộc quận sẽ được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách mỗi khi quy mô dân số vượt quá 1/3 so với tiêu chuẩn quy định. Đối với các đơn vị hành chính cấp xã khác, sẽ được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách mỗi khi quy mô dân số vượt quá 1/2 so với tiêu chuẩn quy định.
Ngoài việc tăng thêm người hoạt động không chuyên trách theo quy mô dân số như đã nêu, các đơn vị hành chính cấp xã cũng được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách mỗi khi diện tích tự nhiên vượt quá 100% so với tiêu chuẩn quy định.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!