1. Nhóm hành vi lạm dụng mang tính bóc lột
Nhóm hành vi lạm dụng mang tính bóc lột là những hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền riêng trên thị trường liên quan đã áp đặt những điều kiện thương mại bất lợi cho khách hàng nhằm thu lợi nhuận độc quyền. Ngoài những dấu hiệu chung của các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền nhóm những hành vi này có có các đặc trương cơ bản sau:
- Thứ nhất, đối tượng mà nhóm hành vi này hướng đến là khách hàng của doanh nghiệp làm phát sinh trong quan hệ giữa doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, có vị trí độc quyền với khách hàng. Ở đó, hiện tượng trăm người bán, vạn người mua sẽ là cơ hội cho người bán tận dụng để đưa ra những điều kiện bất lợi cho người mua trong giao dịch.
- Thứ hai, hành vi lạm dụng đem lại lợi ích cho doanh nghiệp không từ hiệu quả kinh doanh mà từ những điều kiện thương mại bất lợi mà khách hàng phải gánh chịu. Lợi ích mà doanh nghiệp thu được có thể là các khoản lợi nhuận độc quyền, khả năng khống chế các yếu tố của thị trường như nguyên, vật liệu, nguồn cung…, các chiến lược kinh doanh ở những thị trường khác được thực hiện….
=> Dựa trên những đặc trưng đã nêu cho thấy bản chất bóc lột của hành vi lạm dụng bởi các khoản lợi ích mà doanh nghipeje thu đợc là do đã bóc lột được từ khách hàng bằng những nghĩa vụ vô lý hoặc không công bằng.
1.1 Áp đặt giá mua giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá lại gây thiệt hại cho khách hàng
Hành vi áp đặt giá mua, giá bán bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại gây thiệt hại cho khách hàng được coi là một trong những hành vi điểm hình cho nhóm hành vi lạm dụng mang tính bóc lột. Với hành vi này khách hàng phải chịu thiệt hại bởi giá mà họ phải mua quá cao so với giá thực tế của sản phẩm; hoặc là phải bán hàng hóa với giá thấp hơn giá thành của sản phẩm.
Theo Luật cạnh tranh và Nghị định hướng dẫn thi hành thì nhóm hành vi này bao gồm các loại sau:
- Hành vi áp đặt giá mua hàng hoá dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng: Là “việc doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường liên quan khi mua hàng hoá, dịch vụ đã áp đặt giá mua được đặt ra thấp hơn giá thành sản xuất hàng hoá, dịch vụ trong điều kiện chất lượng hàng hóa không suy giảm và thị trường không có biến động về giá bán buôn của hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ.
- Hành vi áp đặt giá bán hàng hoá, dịch vụ được coi là bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng nếu cầu về hàng hoá, dịch vụ không tăng đột biến tới mức vượt quá công suất thiết kế hoặc năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Hành vi này xảy ra trong hai trường hợp sau đây:
- Giá bán lẻ trung bình tại cùng thị trường liên quan trong thời gian tối thiểu 60 ngày liên tiếp được đặt ra tăng một lần vượt quá 5%; hoặc tăng nhiều lần với tổng mức tăng vượt quá 5% so với giá đã bán trước khoảng thời gian tối thiểu đó;
- Không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất của hàng hoá, dịch vụ đó vượt quá 5% trong thời gian tối thiểu 60 ngày liên tiếp trước khi bắt đầu tăng giá.
- Áp đặt giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng là việc doanh nghiệp khống chế không cho phép các nhà phân phối, các nhà bán lẻ bán lại hàng hoá thấp hơn mức đã quy định trước.
1.2 Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, giới hạn thị trường
Hành vi hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, giới hạn thị trường cản trở phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng. Là người nắm bắt thị phần lớn trong thị trường liên quan doanh nghiệp thống lĩnh thị trường là đại diện cho năng lực sản xuất, quy mô sản xuất , mua bán của thị trường liên quan, doanh nghiệp độc quyền sẽ đại diện cho khả năng cung hoặc cầu của thị trường liên quan, các quyết định về lượng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, mua, bán sẽ ảnh hưởng đến mức độ thoả mãn nhu cầu cho khách hàng. Do ở vào địa vị thấp hơn trong giao dịch bởi quyền lựa chọn bị hạn chế, nên khi bị vi phạm quyền lợi, khách hàng rất khó phản ứng lại vì không thể sử dụng các cơ chế trừng phạt tự nhiên của thị trường để răn đe doanh nghiệp. Nhóm hành vi này bao gồm các hành vi cụ thể như sau:
- Hạn chế sản xuất, phân phối sản phẩm gây thiệt hại cho khách hàng là hành vi giảm khả năng cung hàng hoá, dịch vụ một cách giả tạo để lũng đoạn thị trường, làm biến động quan hệ cung - cầu theo hướng có lợi cho doanh nghiệp trong giao dịch với khách hàng.
- Hạn chế thị trường gây thiệt hại cho khách hàng là việc doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền đã tự giới hạn khu vực bán hoặc giới hạn nguồn mua sản phẩm mà không có lý do chính đáng gây thiệt hại cho khách hàng.
- Hạn chế sự phát triển kỹ thuật, công nghệ làm thiệt hại cho khách hàng là việc doanh nghiệp thực hiện những hành vi nhằm cản trở việc nghiên cứu phát triển kỹ thuật, công nghệ hoặc ngăn cản việc ứng dụng tiến bộ khoa hoặc kỹ thuật vào hoạt động kinh doanh.
1.3 Hành vi áp đặt các điều kiện thương mại khác nhau cho các giao dịch nhằm tạo sự bất bình đẳng cho khách hàng
Đây còn được gọi là hành vi phân biệt đối xử trong thương mại. Pháp luật hiện hành quy định iệc áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong điều kiện giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh là hành vi phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp về điều kiện mua, bán, giá cả, thời hạn thanh toán, số lượng trong những giao dịch mua, bán hàng hoá, dịch vụ tương tự về mặt giá trị hoặc tính chất hàng hoá, dịch vụ để đặt một hoặc một số doanh nghiệp vào vị trí cạnh tranh có lợi hơn so với doanh nghiệp khác. Dựa theo quy định trên các hành vi này bao gồm các yếu tố sau đây:
- Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh đã áp dụng các điều kiện mua, bán, giá cả, thời hạn thanh toán, số lượng khác nhau trong những giao dịch như nhau.
- Hành vi gây ra tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng giữa các khách hàng. Xét về mặt hậu quả, hành vi phân biệt đối xử không xâm hại đến đối thủ cạnh tranh trực tiếp của doanh nghiệp vi phạm mà nó bóp méo diện mạo cạnh tranh giữa các khách hàng của doanh nghiệp. Do đó, các khách hàng của doanh nghiệp phải là những chủ thể kinh doanh và hoạt động trên cùng thị trường liên quan với nhau.
1.4 Áp đặt cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng hoặc buộc chấp nhận nghĩa vụ không liên quan đến hợp đồng
Áp đặt cho các doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ là việc áp đặt những điều kiện tiên quyết mà khách hàng phải chấp nhận trước khi ký kết hợp đồng, bao gồm:
- Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa khác; hạn chế mua, cung ứng dịch vụ khác không liên quan trực tiếp đến cam kết của bên nhận đại lý theo quy định của pháp luật về đại lý;
- Hạn chế về địa điểm, bán lại hàng hoá trừ những hàng hoá thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Hạn chế về khách hàng mua lại hàng hoá trừ những hàng hoá thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Hạn chế về hình thức, số lượng hàng hoá được cung cấp.
Buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng là hành vi gắn việc mua bán hàng hoá, dịch vụ là đối tượng của hợp đồng với việc phải mua hàng hoá, dịch vụ khác từ nhà cung cấp hoặc người được chỉ định trước hoặc thực hiện thêm một hoặc một số nghĩa vụ nằm ngoài phạm vi cần thiết thực hiện hợp đồng.
2. Nhóm hành vi lạm dụng mang tính độc quyền
Hành vi lạm dụng mang tính độc quyền là những hành vi do doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền thực hiện nhằm kìm hãm cạnh tranh bằng cách loại bỏ, ngăn cản đối thủ tham gia thị trường để duy trì, củng cố quyền lực thị trường. Có hai dấu hiệu cần phải chú ý khi phân tích bản chất của nhóm hành vi này là:
- Thứ nhất, đối tượng mà hành vi này hướng đến là đối thủ cạnh tranh. Đối thủ cạnh tranh có thể là các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh hoặc các đối thủ tiềm năng (bao gồm những doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường khác và những nhà đầu tư có ý định tham gia vào thị trường liên quan của doanh nghiệp).
- Thứ hai, nhóm hành vi này có thể không đem lại lợi ích vật chất trực tiếp nhưng tạo cơ hội cho doanh nghiệp củng cố địa vị bằng cách loại bỏ đối thủ. Sự ra đi hoặc việc từ bỏ ý định gia nhập thị trường sẽ giảm bớt sức ép cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời khách hàng sẽ mất đi cơ hội có được sự lựa chọn trong giao dịch trên thị trường liên quan.
Nhóm hành vi này bao gồm hai hành vi:
- Hành vi bán hàng hoá, dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh (còn gọi là hành vi định giá cướp đoạt hoặc hành vi định giá hủy diệt).
Hành vi này bao gồm các hành vi cụ thể sau:
- Xác định giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ. Giá bán hàng hoá, dịch vụ là giá bán thực tế của doanh nghiệp trong các giao dịch với khách hàng.
- Xác định giá thành sản xuất toàn bộ. Giá thành toàn bộ được hiểu là mức giá cơ bản được cấu thành từ các chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông…của sản phẩm và được các doanh nghiệp sử dụng làm các căn cứ xác định giá bán hàng hoá, dịch vụ của mình.
- So sánh giá bán thực tế và giá thành toàn bộ của sản phẩm để xác định hành vi.
- Hành vi ngăn cản việc gia nhập thị trường của các đối thủ cạnh tranh mới.
3. Hành vi lạm dụng của doanh nghiệp độc quyền
Đối với các doanh nghiệp có vị trí độc quyền trên thị trường, kể cả các doanh nghiệp độc quyền tự nhiên hay độc quyền Nhà nước, ngoài những hành vi lạm dụng quyền lực thị trường để hạn chế cạnh tranh kể trên, Luật Cạnh tranh còn nghiên cấm thêm hai hành vi sau đây:
- Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng là hành vi buộc khách hàng phải chấp nhận vô điều kiện những nghĩa vụ gây khó khăn cho khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng;
- Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng là hành vi của doanh nghiệp độc quyền thực hiện một trong các hình thức sau:
- Đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không cần thông báo trước cho khách hàng và không phải chịu biện pháp chế tài nào;
Đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết căn cứ vào một hoặc một số lý do không liên quan trực tiếp đến các điều kiện cần thiết để tiếp tục thực hiện đầy đủ hợp đồng và không chịu biện pháp chế tài nào.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!