Các hình thức xử lý việc vi phạm pháp luật cạnh tranh ?

Theo quy định của luật cạnh tranh của Việt Nam thì gồm có: Hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm. Bài viết phân tích và làm sáng tỏ quy định pháp luật cạnh tranh về hình thức xử lý này:

1. Hình thức xử phạt chính

Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh của tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính, bao gồm:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền.

Đối với hình thức phạt tiền, ngoài việc xác định mức tiền phạt cụ thể được ấn định trước (bằng số tiền tuyệt đối) áp dụng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác (vi phạm quy định về cung cấp thông tin tài liệu, gây rối tại phiên điều trần...), pháp luật cạnh tranh Việt Nam cho phép áp dụng mức phạt tiền theo tỉ lệ phần trăm (%) trên doanh thu của doanh nghiệp vi phạm pháp luật cạnh tranh (áp dụng đối với hành vi hạn chế cạnh tranh).(i) Áp dụng mức phạt theo hướng tiếp cận năy tuy không thuận tiện, dễ dàng áp dụng như cách tính mức phạt truyền thống (bằng số tiền tuyệt đối) nhưng công bằng, hợp lí, tính răn đe, phòng ngừa vi phạm qua việc áp dụng mức phạt được ổn định, không bị lạc hậu theo thời gian. Bên cạnh đó, mức trần phạt tối đa theo tỉ lệ phần trăm trên doanh thu của doanh nghiệp vi phạm được quy định tại Luật cạnh tranh còn nhằm bảo vệ lợi ích của chính doanh nghiệp vi phạm pháp luật cạnh tranh.

2. Hình thức xử phạt bổ sung

Tuỳ tính chất, mức độ vi phạm thì tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật cạnh tranh còn có thể bị áp dụng mệt hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung, bao gồm:

- Thu hồi Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương, tước quyền sử dụng giấy phép, chửng chỉ hành nghề;

- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh;

- Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm:

- Cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền;

- Loại bỏ điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh;

- Chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế;

- Chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ hoặc các điều kiện giao dịch khác trong hợp đồng của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế;

- Cải chính công khai;

- Các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động của hành vi vi phạm, bao gồm:

+ Buộc sử dụng hoặc bán lại các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp đã mua nhưng không sử dụng;

+ Buộc loại bỏ những biện pháp ngăn cản, kìm hãm doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;

+ Buộc khôi phục các điều kiện phát triển kĩ thuật, công nghệ mà doanh nghiệp đã cản trở theo Khoản 3 Điều 110 Luật cạnh tranh năm 2018;

+ Buộc loại bỏ các điều kiện bất lợi đã áp đặt cho khách hàng;

+ Buộc khôi phục lại các điều khoản hợp đồng đã thay đổi mà không có lí do chính đáng;

+ Buộc khôi phục lại hợp đồng đã huỷ bỏ mà không có ư do chính đáng (Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014).

Mọi vướng mắc liên quan đến luật canh tranh, Hãy gọi ngay: 1900.868644 hoặc địa chỉ email[email protected] để được luật sư tư vấn pháp luật cạnh tranh trực tuyến qua tổng đài điện thoại.

Trân trọng./.