Cải cách hành chính dưới thời vua Lê Thánh Tông

Năm 1471, Lê Thánh Tông đã tiến hành một đợt cải cách hành chính lớn nhằm tăng cường sự kiểm soát chỉ đạo của Hoàng đế đối với các triều thần, tăng cường sự ràng buộc, kiểm soát lẫn nhau trong giới quan liêu, tăng cường tính hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quan lại.

1. Cải cách hành chính là gì?

Theo Wikipedia, "cải" là từ Hán - Việt có nghĩa là thay đổi, “cách” là phương pháp, hình thức hành động. Cải cách là thay đổi phương pháp, hành động của một công việc, hoặc một hoạt động cụ thể để đạt mục tiêu tốt hơn.

Hành chính là hoạt động dưới sự lãnh đạo của bộ máy nhà nước để tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục của các cơ quan nhà nước.

Như vậy, có thể hiểu cải cách hành chính là một sự thay đổi có kế hoạch, theo một mục tiêu nhất định, được xác định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cải cách hành chính không làm thay đổi bản chất của hệ thống hành chính, mà chỉ làm cho hệ thống này trở nên hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân được tốt hơn…

Trong thời gian 38 năm trị vì, vua Lê Thánh Tông đã tiến hành công cuộc cải cách bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, từ dân sự đến quân sự, cả quan chế lẫn thể chế; đã thiết lập một thể chế chính trị quân chủ chuyên chế phong kiến điển hình với quy mô lớn và hoạt động có hiệu quả. Quá trình cải cách hành chính nhà nước của Lê Thánh Tông đã để lại những giá trị cơ bản sau:

2. Thanh lọc quan lại, cơ quan và các cấp chính quyền trung gian dưới thời Lê Thánh Tông

Năm 1471, Lê Thánh Tông đã tiến hành một đợt cải cách hành chính lớn nhằm tăng cường sự kiểm soát chỉ đạo của Hoàng đế đối với các triều thần, tăng cường sự ràng buộc, kiểm soát lẫn nhau trong giới quan liêu, tăng cường tính hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quan lại. Lê Thánh Tông đã bãi bỏ một số chức quan đại thần vốn có công nhưng không có học thức, thay vào đó bằng các văn quan được tuyển chọn qua thi cử nhằm hạn chế chia bè, kéo cánh trong triều đình, hạn chế sự thao túng quyền lực của các công thần. Ông trực tiếp quản lý các bộ nhằm hạn chế sự cồng kềnh, quan liêu của bộ máy hành chính. 

Về mặt hành chính, Lê Thánh Tông đã cải tổ, chia lại thành 13 đạo (sau đổi là 13 thừa tuyên), đó là: Lạng Sơn, An Bang, Thái Nguyên, Hư¬ng Hoá, Tuyên Quang, Bắc Giang, Nam Sách, Quốc Oai, Thiên Trường, Thanh Hoá, Nghệ An, Thuận Hóa và Quảng Nam. Dưới đạo thừa tuyên có 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, cùng các đơn vị cơ sở như hương, xã, thôn, trang, sách, động, nguồn, trường. Riêng kinh thành Thăng Long được chia thành 36 phường.

Đứng đầu các đạo thừa tuyên là các tuyên phủ sứ. Ở mỗi thừa tuyên có 3 ty : Đô ty (phụ trách quân đội), Thừa ty (phụ trách dân sự hành chính) và Hiến ty (phụ trách thanh tra giám sát). Các xã được chia thành 3 loại: xã lớn (500 hộ), xã vừa (trên 300 hộ) và xã nhỏ (trên 100 hộ). Chức xã quan do dân bầu, Nhà nước chỉ đạo và xét duyệt, tiêu chuẩn là các giám sinh, sinh đồ, từ 30 tuổi trở lên và có hạnh kiểm tốt. 

3. Cơ chế kiểm sát trong bộ máy hành chính dưới thời Lê Thánh Tông

Thứ hai, các cơ quan nhà nước kiểm tra, giám sát lẫn nhau để hạn chế sự lạm quyền và nâng cao trách nhiệm.

Trong triều đình, dưới quyền điều khiển trực tiếp của nhà vua là 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công, đứng đầu là Thượng thư, giúp việc có 2 Thị lang. Bên cạnh đó, còn có Lục khoa với chức năng theo dõi, giám sát và Lục tự với chức năng điều hành. Những cơ quan chuyên môn trong triều gồm có các đài, các viện, giám, sảnh như Ngự sử đài, Hàn lâm viện Quốc tử giám... Tuy giữa các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng các cơ quan đã nêu trên vẫn có sự tác động qua lại, hỗ trợ và kiểm sát, giám sát lẫn nhau để đạt hiệu quả cao trong công việc, “không một cơ quan nhà nước nào, không một quan lại nào lại không bị thanh tra, kiểm tra từ các phía, ngay từ bên trong tổ chức và bên ngoài tổ chức”.

4. Phân quyền trong bộ máy nhà nước thời Lê Thánh Tông

Thời Lê Thánh Tông không để quyền lực tập trung quá nhiều vào một cơ quan, mà được tản ra để ngăn chặn sự tiếm quyền.

Lê Thánh Tông đã thấy được sự bất cập khi một cơ quan nắm quá nhiều quyền lực, chính điều này sẽ làm nảy sinh sự lạm dụng quyền hạn của một số quan lại, từ đó nảy sinh nạn tham ô, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch...gây ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý hành chính. Lê Thánh Tông đã hình thành hệ thống cơ quan hành chính ngành dọc đó là 6 ty ngự sử, 6 ty này chỉ chịu trách nhiệm báo cáo trước ngự sử. Điều này đảm bảo sự công bằng, tăng cường sự có mặt của triều đình tại các cơ quan địa phương, đưa các cơ quan địa phương vào khuôn khổ.

Sự phát triển tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông đã tạo nên những cải cách mang tầm chiến lược, khẳng định sức mạnh của mình trong quản lý xã hội, đưa nước Đại Việt trở thành một quốc gia hưng thịnh. Những tư tưởng chính trị đó góp phần không nhỏ vào sự phát triển nền tư tưởng chính trị Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung. 

Kế thừa những giá trị tư tưởng của Lê Thánh Tông về cải cách hành chính đang trở thành vấn đề bức thiết đối với cải cách nền hành chính ở nước ta hiện nay. Do vậy, những giá trị tư tưởng của Lê Thánh Tông về cải cách hành chính vẫn mang tính thời sự để chúng ta nghiên cứu và vận dụng những hạt nhân hợp lý trong việc cải cách nền hành chính quốc gia gọn nhẹ và hiệu quả.

Trong những năm qua, chương trình cải cách nền hành chính quốc gia đã có những chuyển biến tích cực, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, về cơ bản nền hành chính nhà nước vẫn còn mang nặng dấu ấn của cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp, chưa đáp ứng được những yêu cầu của cơ chế quản lý mới cũng như yêu cầu phục vụ nhân dân trong điều kiện mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao. 

Việc phát huy, kế thừa tư tưởng về cải cách hành chính nhà nước của Lê Thánh Tông góp phần giúp chúng ta xác định được nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phải dựa trên truyền thống, đặc điểm dân tộc, hoàn cảnh cụ thể hiện nay và điều đó phải thể hiện và chứa đựng những giá trị phổ biến của lịch sử và thời đại. Chúng ta không thể làm ngay mọi việc dưới dạng hoàn thiện mà phải qua từng bước đi từ thấp tới cao, ổn định và có hiệu quả thực sự trong quá trình phát triển. Để đạt được mục đích đó, quan điểm cá nhân tôi cần tập trung thực hiện những công việc sau đây:

5. Chính quyền trung ương thời Lê Sơ

Bộ máy chính quyền thời Lê Thái Tổ cơ bản theo mô hình thời Trần. Giúp việc trực tiếp cho hoàng đế là trung khu gồm các quan tả, hữu tướng quốc, tam thái (thái sư, thái uý, thái bảo), tam thiếu (thiếu sư, thiếu uý, thiếu bảo), tam tư (tư mã, tư không, tư khấu), bộc xạ. Dưới trung khu là hai ban văn, võ.

Đứng đầu ban văn là quan đại hành khiển. Các bộ, ngành thuộc văn ban là bộ Lại, bộ Lễ, khu mật viện, hàn lâm viện, ngũ hình viện, ngự sử đài, quốc tử giám, quốc sử viện, nội thị sảnh, và các cơ quan khác gọi là quán, cục, hay ty. Đứng đầu các bộ là quan thượng thư.

Đứng đầu ban võ là đại tổng quan. Tiếp đến là các chức đại đô đốc, đô tổng quản, tổng quản, tổng binh, tư mã. Ban võ gồm 6 quân điện tiền và 5 quân thiết đột.

Tổng số quan lại thời Hồng Đức là 5.370 người, trong đó quan lại trong triều 2.755 người.

5.1. Lục bộ

Thời Lê Thái Tổ chỉ có 3 bộ: Lại, Lễ, Dân (tức Hộ Bộ). Đến năm 1466, Lê Thánh Tông tổ chức thành sáu bộ:

  • Lại Bộ: Trông coi việc tuyển bổ, thăng thưởng và thăng quan tước;
  • Lễ Bộ: Trông coi việc đặt và tiến hành các nghi lễ, tiệc yến, học hành thi cử, đúc ấn tín, cắt giữ người coi giữ đình, chùa, miếu mạo;
  • Hộ Bộ: Trông coi công việc ruộng đất, tài chính, hộ khẩu, tô thuế kho tàng, thóc tiền và lương, bổng của quan, binh;
  • Binh Bộ: Trông coi việc binh chính, đặt quan trấn thủ nơi biên cảnh, tổ chức việc giữ gìn các nơi hiểm yếu và ứng phó các việc khẩn cấp;
  • Hình Bộ: Trông coi việc thi hành luật, lệnh, hành pháp, xét lại các việc tù, đày, kiện cáo;
  • Công bộ: Trông coi việc xây dựng, sửa chữa cầu đường, cung điện thành trì và quản đốc thợ thuyền.

Mỗi bộ có 1 viên Thượng thư và 2 Tả bộ thị lang và cơ quan thường trực là Vụ tư sảnh đứng đầu. Giám sát Lục bộ là Lục khoa tương ứng, gồm Lại khoa, Lễ khoa, Hộ khoa, Binh khoa, Hình khoa, Công khoa. Đứng đầu các khoa là Đô cấp sự trung và Cấp sự trung. Giúp việc cho Lục bộ là Lục tự.

5.2. Lục tự

Gồm có:

  • Đại lý tự: cơ quan phụ trách hình án. Xét xong án chuyển sang Bộ Hình để tâu lên vua quyết định
  • Thái thường tự: cơ quan phụ trách lễ nghi, âm nhạc cung đình
  • Quang lộc tự: phụ trách hậu cần đồ lễ trong các buổi lễ của triều đình
  • Thái bộc tự: cơ quan phụ trách xe ngựa của vua và coi sóc ngựa của hoàng tộc
  • Hồng lô tự: Tổ chức việc xướng danh những người đỗ trong kỳ thi đình; lo an táng đại thần qua đời và tiếp đón sứ đoàn
  • Thượng bảo tự: Cơ quan coi việc đóng ấn vào quyển thi của các thí sinh thi Hội

5.3. Các cơ quan chuyên môn

Lê Thánh Tông tổ chức thêm một số cơ quan chuyên môn không lệ thuộc vào 6 Bộ, bao gồm:

  • Thông Chính ty: cơ quan phụ trách chuyển đạt giấy tờ của triều đình xuống và nhận đơn từ của nhân dân tâu lên vua. Đứng đầu là Thông chính sứ, trật Tòng tứ phẩm.
  • Quốc Tử Giám: cơ quan giáo dục cao nhất trong cả nước. Đây là trường đại học của triều đình có nhiệm vụ đào tạo nhân tài cho quốc gia. Đứng đầu là Tế tửu, trật chánh tứ phẩm.
  • Quốc sử viện: cơ quan chép sử của triều đình. Nhà vua nói gì, làm gì, sử quan đều phải ghi chép cẩn thận và trung thực. Đứng đầu là Quốc sử viện Tu soạn, trật chánh bát phẩm
  • Khuyến nông sứ và Hà đê sứ: Hai cơ quan coi việc nông nghiệp và trông nom về thủy lợi, đê điều.

6. Chính quyền địa phương thời Lê Sơ

Năm 1428, Lê Lợi khi lên ngôi, lấy niên hiệu là Thuận Thiên (tuân theo Trời), chia đất nước thành 5 đạo: Đông, Tây, Nam, Bắc (đều ở vùng Bắc bộ) và Hải Tây (từ Thanh Hóa trở vào). Dưới đạo là trấn, dưới trấn là lộ, dưới lộ là châu và huyện. Cấp hành chính địa phương thấp nhất là xã. Xã lại chia làm đại xã, trung xã và tiểu xã tùy theo số dân.

Đứng đầu chính quyền các đạo là chức hành khiển (phụ trách cả dân sự lẫn quân sự). Đứng đầu các trấn là các an phủ sứ, các lộ là tuyên phủ sứ, các châu, huyện là tri châu hay tri huyện, các xã là xã quan (từ thời Lê Thánh Tông đổi thành xã trưởng).

Đến năm Quang Thuận thứ 5 (1464) thời vua Lê Thánh Tông, Đại Việt được chia thành 1 phủ và 12 đạo "thừa tuyên"; năm 1490 đổi gọi phần lớn các "thừa tuyên" là "xứ"; sang thời Lê Uy Mục và Lê Tương Dực đổi gọi các đơn vị cấp cao nhất là "trấn". Các đơn vị hành chính cao nhất gồm gồm: Phủ Trung Đô (phủ Phụng Thiên), Thanh Hoa (Thanh Hóa), Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường (Sơn Nam), Hải Dương (Nam Sách), Sơn Tây (Quốc Oai), Bắc Giang (Kinh Bắc), An Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên (Ninh Sóc), Lạng Sơn. Từ năm 1471 mở rộng đất đai phía nam, đặt thêm thừa tuyên Quảng Nam. Tuy địa giới có một số điều chỉnh và riêng Sơn Tây không còn là đơn vị cấp cao nhất, một nửa trong số các đơn vị hành chính lớn nhất thời kỳ này (Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam) có tên gọi được dùng làm tên các đơn vị hành chính lớn nhất (tỉnh) của Việt Nam hiện nay.

Bộ máy chính quyền của mỗi đạo thừa tuyên gồm 3 ty: đô tổng binh sứ ty (phụ trách quân sự), thừa tuyên ty (phụ trách các việc dân sự), hiến sát ty (phụ trách các việc thanh tra, giám sát).

Các quan địa phương được ban ngạch cao nhất là chánh tứ phẩm, hưởng lương 48 quan mỗi năm. Tổng số quan lại địa phương thời Hồng Đức là 2.615 người.

7. Một số câu hỏi thường gặp về Vua Lê Thánh Tông

7.1 Hoạt động lập pháp thời vua Lê Thánh Tông?

Triều đại Lê Thánh Tông đã tạo ra một bước tiến lớn về kỹ thuật lập pháp và pháp điển hóa, thể hiện ở các tập hệ thống hóa pháp luật là Thiên Nam dư hạ tập và Hồng Đức thiện chính thư và đặc biệt là bộ Quốc triều hình luật (hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức) 

Bộ luật Hồng Đức là một bộ luật lớn, có đối tượng, phạm vi, nội dung điều chỉnh rộng nhất trong các văn bản do nhà nước phong kiến ban hành. Mặc dù được xây dựng theo mô hình của một bộ hình luật thời phong kiến (phần lớn các quy định là xác định hình phạt và tội phạm) nhưng thực tế, Bộ luật Hồng Đức đã vượt qua khỏi khuôn khổ của hình luật để điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội như hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, tố tụng, quân sự, bang giao quốc tế… Điều này làm Bộ luật trở nên toàn diện, hiếm thấy trong thời đại phong kiến. So với một số bộ luật khác thì Bộ luật Hồng Đức có số lượng điều luật lớn hơn hẳn: 722 điều, trong khi đó, bộ luật nhà Đường chỉ có 501 điều và bộ luật nhà Minh chỉ có 460 điều. 

Nội dung của Bộ luật Hồng Đức vừa thể hiện tính kế thừa vừa có tính phát triển với những tư tưởng tiến bộ mới thời Hậu Lê; đã trực tiếp kế thừa, phát triển và hoàn thiện nhiều thành tựu pháp luật của hệ thống pháp luật Lý - Trần. 

7.2 Vấn đề cải cách pháp luật thời vua Lê Thánh Tông?

Những cải cách pháp luật của triều Vua Lê Thánh Tông đã đề cao tư tưởng “trọng pháp”

Trong gần 40 năm trị vì, Vua Lê Thánh Tông đã đề ra những chính sách phát triển đất nước với tư tưởng “trọng pháp” khá rõ ràng. Ông khẳng định với quần thần: “Pháp luật là phép công của Nhà nước, ta và các ngươi đều phải tuân theo” và “đặt luật để trừ kẻ gian, sao dung được cho bọn coi thường pháp luật”. Điều đó không chỉ được thể hiện trong cách thức tổ chức và quản lý bộ máy nhà nước mà còn thể hiện rất rõ qua các văn bản pháp luật, đỉnh cao là Bộ luật Hồng Đức. Điều 683 quy định: trong bản án, khi luận tội quan xử án phải dẫn đúng điều luật nói về tội phạm đó, không được thêm bớt. Còn theo Điều 685 thì những chế sắc của vua luận tội gì, chỉ xét xử nhất thời chứ không phải là sắc lệnh vĩnh viễn thì không được viện dẫn mà xử đoán việc sau. Theo Điều 708, nếu xét những tội có điều nghi ngờ thì cứ chiểu theo tội đó mà giảm. Đặc biệt, Điều 722 quy định hình quan khi định tội danh phải chiểu chính điều trong luật, không được tự ý thêm bớt hoặc viện dẫn điều khác.

7.3 Tư tưởng pháp trị và đức trị trong Bộ Luật Hồng Đức?

Bộ luật Hồng Đức có nhiều quy định mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng pháp trị và đức trị, đồng thời chú ý đến bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và những người yếu thế 

Sự kết hợp giữa đức trị và pháp trị trong Bộ luật Hồng Đức thể hiện ở việc Vua Lê Thánh Tông sử dụng lễ giáo để răn đe, kết hợp với hình phạt nghiêm khắc để trừng trị người vi phạm. Trong khuôn khổ của đạo đức Nho giáo, Bộ luật có những quy định củng cố và bảo vệ quan hệ gia trưởng trong gia đình, nhưng cũng có nhiều quy định bảo vệ quyền của người phụ nữ, thể hiện sự tiến bộ so với quan điểm phong kiến đương thời. Đặc biệt, có nhiều điều luật trong Bộ luật Hồng Đức bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ mà trong các bộ luật phương Đông đương thời không có, chẳng hạn người con gái được quyền chia tài sản như con trai (Điều 388), trường hợp gia đình không có con trai, con gái trưởng được quyền kế thừa hương hỏa (Điều 391), khi gia đình phải phân chia tài sản thì tài sản do hai vợ chồng gây dựng nên được chia đôi (Điều 374, 375) và trường hợp người chồng ruồng bỏ không đi lại với vợ trong 05 tháng thì người vợ có quyền bỏ chồng (Điều 308). 

Bộ luật Hồng Đức ở mức độ nhất định đã bảo vệ và quan tâm đến đời sống của dân thường, đặc biệt là những người nghèo khổ. Những quy định mang tính nhân đạo này thể hiện tinh thần trị nước, thương dân, tư tưởng về nhân quyền của Nhà vua.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!