1. Đề xuất 11 vi phạm liên quan đến CCCD gắn chíp và mức phạt
Theo Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình quy định những mức phạt liên quan đến CCCD gắn chíp như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Không xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chíp khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền (Ngoài ra, buộc thu hồi thẻ Căn cước công dân gắn chíp trong trường hợp này)
- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân gắn chíp;
- Không nộp lại thẻ Căn cước công dân gắn chíp cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quốc tịch cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại thẻ Căn cước công dân gắn chíp cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Chiếm đoạt, sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp của người khác;
- Tẩy, xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của thẻ Căn cước công dân gắn chíp;
- Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng thẻ Căn cước công dân gắn chíp.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi khai man điều kiện, làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp.
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Làm giả thẻ Căn cước công dân gắn chíp;
- Sử dụng thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả;
- Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân gắn chíp;
( Ngoài ra, buộc thu hồi thẻ Căn cước công dân gắn chíp trong trường hợp này).
- Mua, bán, thuê, cho thuê thẻ Căn cước công dân gắn chíp;
- Mượn, cho mượn thẻ Căn cước công dân gắn chíp để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với những trường hợp sau:
- Làm giả thẻ Căn cước công dân gắn chíp
- Sử dụng thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả
- Mua, bán, thuê, cho thuê thẻ Căn cước công dân gắn chíp
- Mượn, cho mượn thẻ Căn cước công dân gắn chíp để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
2. Một số lưu ý quan trọng khi sử dụng Căn cước công dân gắn chíp
Thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip là thiết bị nhận dạng thông minh cho phép tích hợp lượng lớn dữ liệu về nhân thân, các loại giấy tờ có liên quan đến cá nhân... Thẻ CCCD gắn chip có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
So với các loại giấy tờ tùy thân trước đó, CCCD gắn chip có nhiều ưu điểm như tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn; liên thông với các thông tin khác về thuế, bằng lái xe, bảo hiểm y tế... Để tránh việc bị các đối tượng đánh cắp thông tin cá nhân của người dân để thực hiện các hành vi phạm tội, đây là lưu ý quan khi sử dụng CCCD mà người dân cần biết đến như sau:
- Tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, cầm cố thẻ CCCD có gắn chíp điện tử cho các công ty cho vay hoạt động "tín dụng đen".
- Tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ hình ảnh thẻ CCCD có gắn chíp điện tử lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo...
- Trường hợp bị mất CCCD có gắn chíp, người dân phải trình báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc đến các điểm cấp CCCD nơi đăng ký thường trú, tạm trú để được hướng dẫn thủ tục cấp lại thẻ CCCD mới. Đây là cơ sở để xác thực chủ sở hữu CCCD trong thời gian bị mất không có liên quan đến các giao dịch dân sự phát sinh hay thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
- Khi bị các đối tượng xấu lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân CCCD có chíp điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ. Trường hợp nghi ngờ, phát hiện số CCCD của cá nhân được mở tài khoản ngân hàng... thì báo ngay cho bên ngân hàng khóa tài khoản vi phạm.
- Trường hợp cá nhân phát hiện việc cho thuê CCCD có chíp điện tử thì cung cấp ngay sai phạm cho cơ quan Công an nơi gần nhất. cung cấp tài liệu có liên quan việc cho thuê, mướn CCCD để xử lý theo quy định. Nếu biết đối tượng sử dụng CCCD của người khác để mở tài khoản và sử dụng vào các hoạt động trái pháp luật mà không tố giác thì có thể bị xử lý theo pháp luật tùy vào việc đối tượng vi phạm mức độ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng để có cơ sở xử lý.
3. Một số quy định xử phạt hành chính về căn cước công dân gắn chíp
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Các trường hợp dưới đây sẽ bị xử phạt do vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) hoặc thẻ căn cước công dân (gắn chip hoặc không gắn chip):
Không đổi căn cước công dân khi hết hạn có thể bị phạt đến 500 nghìn đồng:
Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 đến 500 nghìn đồng đối với một trong những hành vi:
- Không xuất trình Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền.
- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
- Không nộp lại CMND hoặc thẻ CCCD cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại CMND hoặc thẻ CCCD cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Chiếm đoạt, sử dụng Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND của người khác;
- Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND.
- Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND.
Phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả để được cấp Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND.
- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND.
Phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Làm giả Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Sử dụng Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND giả.
- Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND.
- Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND.
- Mượn, cho mượn Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Ngoài hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền nêu trên, các hành vi vi phạm liên quan đến cấp, quản lý, sử dụng CCCD/CMND còn bị xử phạt bổ sung và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!