1. Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình
Nguyên tắc trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định tại Điều 4 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, Điều này quy định phòng, chống bạo lực gia đình phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Phòng ngừa là chính, lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm;
- Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan;
- Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em;
- Ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người bị bạo lực gia đình là người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc;
- Thực hiện bình đẳng giới;
- Chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình;
- Hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình phải được kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì trong quá trình xử lý sẽ phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em;
- Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu; chú trọng trong việc phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình;
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng;
- Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với các cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Điều kiện trở thành nhân viên chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình
Căn cứ theo quy định tại tiết 64 tiểu mục A9 Mục A Chương II Phần II Thủ tục hành chính chuẩn hóa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành kèm theo Quyết định 3684/QĐ-BVHTTDL năm 2022, nhân viên chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức: có phẩm chất đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật hoặc vi phạm nhưng đã được xóa án tích; trong quá trình hành nghề phải tuân thủ quy chế hoạt động của cơ sở và các quy định khác của pháp luật;
- Tiêu chuẩn về kiến thức:
+ Có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên. Tiêu chuẩn này chỉ áp dụng đối với những nhân viên chăm sóc tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, được cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 17 Nghị định 08/2009/NĐ-CP;
+ Có chứng chỉ nghiệp vụ chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình do Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch/ Sở Văn hóa và Thể thao/ Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch cấp.
- Tiêu chuẩn về kinh nghiệm: có ít nhất 01 năm hoạt động trong một hoặc các lĩnh vực tư vấn về pháp luật, tâm lý, chăm sóc y tế, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
3. Bạo lực gia đình được chia thành mấy nhóm?
Hành vi bạo lực gia đình được chia làm 4 nhóm: bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục, và cụ thể như sau:
Nhóm hành vi bạo lực về tinh thần:
Bao gồm các hành vi lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng hoặc ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu, giữa cha, mẹ và con, giữa vợ và chồng, giữa anh, chị, em với nhau, hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở, cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Nhóm hành vi bạo lực về thể chất hay thể xác:
Bao gồm hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng.
Nhóm hành vi bạo lực về kinh tế:
Bao gồm chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình hay cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ hoặc là kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.
Nhóm hành vi bạo lực về tình dục: bao gồm có hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục.
Ở Việt Nam, bạo lực gia đình đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động và trái ngược với truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Bạo lực gia đình không còn đơn thuần chỉ là hành vi đánh đập ngược đãi về thể xác, về tinh thần, bạo hành trong tình dục, bạo lực kinh tế… mà còn là hành vi phạm tội nghiêm trọng. Bạo lực không chỉ phát sinh ở các gia đình học vấn thấp mà còn có ở các gia đình học vấn cao, không chỉ có ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn mà còn nảy sinh ở những gia đình điều kiện kinh tế tốt và không chỉ ở những đôi vợ chồng mới kết hôn mà còn có cả những đôi vợ chồng sống cùng nhau hàng chục năm.
4. Nguyên nhân của hiện tượng bạo lực gia đình
Các hành vi bạo lực gia đình có nhiều nguyên nhân, nhưng có 2 nguyên nhân chính: từ phía cá nhân và từ phía xã hội. Phần lớn các hành vi bạo lực thường diễn ra trong những gia đình có chồng (vợ) nghiện hút, cờ bạc, rượu chè, mại dâm,…
Theo điều tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên nhân trực tiếp làm nảy sinh hành vi bạo lực gia đình là do người chồng nghiện rượu, say rượu (60%), những gia đình này thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, học vấn thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật, công việc không ổn định.
Bạo lực gia đình là do rượu và ma túy: Khi sử dụng các chất kích thích như rượu, ma túy… nam giới thường có nguy cơ giải quyết những khó khăn bằng hành vi bạo lực, chẳng hạn như nhiều người thường lấy cớ say rượu, thua bạc để đánh đập, hành hạ vợ con, bắt vợ phải đưa tiền để đi uống rượu và chơi cờ bạc. Tuy nhiên, không ai lý giải được tại sao những người có hành vi bạo lực đấy chỉ thực hiện với vợ, con mà không phải với những người khác.
Các yếu tố được coi là nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình và là yếu tố cơ bản nhất gây ra nạn bạo lực gia đình là: nhận thức về vấn đề bình đẳng giới rất hạn chế, bất bình đẳng giới là gốc rễ của bạo lực gia đình:
- Ảnh hưởng của nền văn hóa phong kiến với những quan niệm mang đậm màu sắc định kiến giới, đó là những định kiến nằm ngay trong truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, chuẩn mực đạo đức bấy lâu nay trong xã hội: tư tưởng trọng nam, khinh nữ; chồng chúa, vợ tôi; tư tưởng gia trưởng; định kiến giới: phụ nữ là người giữ gìn hạnh phúc gia đình - “một điều nhịn là chín điều lành”…
Những quan niệm này đã khiến cho người nam giới cho rằng họ có vai trò trụ cột trong gia đình, có quyền định đoạt mọi việc, họ luôn có tư tưởng mình là “tiếng nói” trong gia đình nên có thể mắng chửi vợ một vài câu là điều bình thường, thậm chí tát vợ một vài cái cũng không sao; hay do hiểu sai mục đích của biện pháp nghiêm khắc trong giáo dục con cái theo quan niệm “yêu cho roi, cho vọt” dẫn đến nhiều bậc cha mẹ tự cho mình quyền được đánh đập, hành hạ con cái mình.
- Nhận thức của chính bản thân của người phụ nữ bị bạo lực: Sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước bạo hành gia đình còn hạn chế, thiếu thẳng thắn, còn cam chịu; họ mang tư tưởng sợ hàng xóm, bạn bè chê cười…
- Cộng đồng, xã hội coi vấn đề bạo lực gia đình là chuyện thông thường, chuyện riêng của mỗi gia đình, sự can thiệp, lên án của cộng đồng, làng xóm, chính quyền địa phương chỉ mang tính chất nhất thời, mờ nhạt. Do đó, bạo lực gia đình vẫn có điều kiện tồn tại và phát triển.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Điều kiện trở thành nhân viên chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!