1. Gây tai nạn giao thông phải chịu những trách nhiệm gì?
Xin chào Luật sư. Ngày hôm qua anh A tham gia giao thông đi ngược chiều (không đội mũ bảo hiểm) đâm phải bà B đi đúng đường, sự việc khiến bà B bị gay chân và tay, phải đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Vậy khi gây tai nạn như vậy anh A sẽ phải chịu những trách nhiệm gì? Liệu anh có bị đi tù không? Xin cảm ơn Luật sư.
Trả lời:
Hành vi điều khiển xe đi ngược chiều gây tai nạn giao thông cho người khác, khiến người đó bị gãy tay và chân. Trước hết hành vi này là hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ 2008, người gây ra tai nạn phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
1.1 Trách nhiệm về dân sự:
Căn cứ theo điều 590, Bộ Luật dân sự 2015 quy định về việc bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm:
Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Vậy anh A sẽ phải chịu chi phí viện phí, thu nhập thực tế của người bị thiệt hại, thu nhập thực tế của người chăm sóc và các thiệt hại khác. Ngoài ra anh A còn phải bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần cho bà B (mức bồi thường này không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (mức lương cơ sở: 1.490.000 đồng/tháng).
1.2 Trách nhiệm về hình sự:
Trong trường hợp tham gia giao thông mà vi phạm quy định về an toàn giao thông gây tai nạn cho người khác nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ theo điều 260, Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, quy định như sau:
Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; ...
2. Nhận bồi thường khi có tai nạn giao thông?
Gửi anh/chị. Đầu tiên cho phép em được gửi lời chào và lời chúc sức khỏe đến anh/chị. Em có thắc mắc sau, mong anh/chị giúp đỡ. Ngày 10/01 âm lịch vừa qua, anh trai em có bị tai nạn và qua đời. Biên bản đươc cơ quan công an lập ghi là do tại thời điểm xảy ra có 1 xe tải chạy ngược chiều ép xe của anh trai em, anh em né xe tải đi ngược chiều nên đâm vào bên trái phía sau của xe cúc tùng đang dừng trả khách. Trong người anh em lúc đó có hơi mem, nồng độ vượt quá mức cho phép. Và cơ quan công an cũng ghi là xe cúc tùng đậu sai làn đường, dừng trả khách sai vị trí quy định. Hiện tại thì không bắt được xe tải do lúc đó là 1 h sáng. Lỗi được xác định do cả 2 bên. Anh em mất vì đa chấn thương. Hiện tại anh là lao động chính trong nhà, có 1 đứa con 28 tháng tuổi. Nay em gửi mail này mong anh/chị giải đáp giúp em : trong trường hợp này anh em có được bồi thường không. Nếu được thì được bồi thường những khoản nào. Và nhà xe cúc tùng có phải phụ cấp nuôi dưỡng con của anh em không ?
Rất mong nhận được sớm câu trả lời của anh/chị. Em xin chân thành cám ơn.
- Ngọc Nguyễn Thị Ánh
Trả lời:
Bộ luật Dân sự 2015 của Quốc hội có quy định như sau: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác…
Việc bồi thường thiệt hại phải tuân thủ nguyên tắc sau:
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm:
2.1 Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
-Tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng;
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị hư hỏng…
(Căn cứ pháp lý: Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015).
2.2 Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
(Căn cứ pháp lý: Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015).
2.3 Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.
(Căn cứ pháp lý: Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015)
3. Lái xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn bị xử phạt thế nào?
- Nguyenvan Trieu
Trả lời:
Tuy bỏ trốn sau khi gây tai nạn mà không có lý do chính đáng là một việc làm bị cấm nhưng nhiều lái xe do tâm lý lo sợ, hoảng loạn nên đã thực hiện hành vi này. Những lái xe đó sau khi bị kết tội sẽ bị xử phạt như sau:
3.1 Biện pháp hành chính
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các hình thức xử phạt hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông có hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn như sau:
Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 – 07 tháng đối với người điều khiển xe ô tô, xe tải và các loại xe tương tự.
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 03 – 05tháng đối với người điều khiển xe máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự.
3.2 Biện pháp hình sự
Ngoài các biện pháp hành chính, người có hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn còn bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì: người nào gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn để trốn tránh trách nhiệm sẽ bị phạt tù từ 03 đến 10 năm (đối với người trên 18 tuổi). Đối với người dưới 18 tuổi thì sẽ phải chịu 2/3 hoặc 1/2 mức phạt tương ứng. Như vậy, ngoài các mức phạt do hành vi gây tai nạn khi tham gia giao thông không đúng quy định, người gây tai nạn còn phải chịu phạt thêm do hành vi bỏ trốn của mình.
4. Xử lý trường hợp gặp tai nạn trên đường đi
Thưa luật sư, trên đường đi e có gặp 1 vụ tai nạn giao thông do người e quen biết gây ra. E dừng lại để hỏi và xin cho người bị thương đi bệnh viện. Thì ng bị thiệt hại bắt e phải để lại tài sản để lấy lòng tin. Do cuống quá e đã đưa cho cảnh sat giao thông. Nhưng khi về e không thấy người quen đó nữa. Vậy sao em lấy được tài sản ạ, em không phải là người gây tai nạn?
Chị tư vấn giúp e ạ.
- Bich Nguyen
Trả lời:
Nếu bạn không phải là người gây tai nạn giao thông, bạn đến trụ sở công an trình những căn cứ về vụ tai nạn giao thông hôm đó (người lao chứng, camera....). Thì bạn sẽ được nhận lại tài sản của mình.
5. Gây tai nạn giao thông chết người?
Thưa luật sư, Xin hỏi: Công ty tôi có 1 chiếc xe tải do bị mất phanh(thắng) lên đã đâm vào đuôi 1 chiếc xe tải khác đang dừng đỗ ở khu vưc cấm dừng đỗ.hậu quả lái xe của bên tôi chết tại chỗ và phụ xe của xe bên kia cũng bị chết.
Vậy mưc bồi thường công ty chúng tôi phải trả cho 2 người chết theo quy định của pháp luật là bao nhiêu?người lái xe dừng đỗ sai quy định kia có phải chịu trách nhiệm theo điều 202 bộ luật hình sự không ạ ?
Xin cảm ơn luật sư!
Trả lời:
Nếu họ dừng xe tại nơi cấm dừng thì bị xử lý theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015. Nếu họ đỗ xe tại nơi cấm đỗ xe thì có thể bị xử lý về tội cản trở giao thông đường bộ.Trpng trường hợp này lỗi hỗn hợp nên công ty bạn chỉ phải bồi thường một phần thiệt hại cho nạn nhân. Cụ thể:
Cũng theo quy định của luật hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2016 quy định về tội danh này:
Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Người đỗ xe cũng có thể là đối tượng truy cứu theo quy định tại điều 261, Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể:
Điều 261. Tội cản trở giao thông đường bộ
1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt, để trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, đổ chất gây trơn, vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc các thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy; sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;.....
Xin hỏi thêm: Có quy định cụ thể về mức bồi thường đó là bao nhiêu tiền trên 1 người không.và kiện lái xe dừng đỗ sai quy định kia ở cấp nào?
Chào bạn!
1. Mức bồi thường thiệt hại về tính mạng được quy định tại Bộ luật dân sự theo đó thiệt hại bao gồm: Chi phí cứu chữa + chi phí mai táng theo phong tục địa phương + tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần cho thân nhân người thiệt mạng + tiền cấp dưỡng cho những người mà người chết có nghĩa vụ cấp dưỡng.
2. Việc dừng, đỗ xe sai quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan công an nơi có vụ việc xảy ra. Do vậy, bạn có thể gửi đơn trình báo sự việc với công an phường hoặc công an quận để được xem xét, giải quyết.
Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email: [email protected] hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 1900.868644 Chúng tôi sẵn sàng giải đáp. Trân trọng!