1. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ là như thế nào?
Tính đến thời điểm hiện tại thì tình trạng hàng hóa giả mạo đã là một vấn đề lớn trên khắp thế giới và ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp. Các ngành công nghiệp như dược phẩm, điện tử, quần áo, đồ da, và thực phẩm thường xuyên bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hàng giả mạo. Kẻ gian ngày càng thông minh trong cách họ sản xuất và phân phối hàng giả mạo. Các kỹ thuật làm giả mạo, đóng gói và đánh cắp thương hiệu ngày càng trở nên tinh vi và khó phát hiện. Việc sử dụng hàng giả mạo có thể đặt ra rủi ro lớn đối với sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng. Trong ngành dược phẩm, ví dụ, việc sử dụng thuốc giả mạo có thể gây hậu quả nặng nề. Các tổ chức và chính phủ trên khắp thế giới đã đang tăng cường các biện pháp phòng ngừa và truy cứu trách nhiệm pháp lý để ngăn chặn việc sản xuất và phân phối hàng giả mạo. Điều này bao gồm cả việc sử dụng công nghệ để theo dõi và kiểm soát chuỗi cung ứng. Sự phổ biến của thương mại điện tử cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán và mua hàng giả mạo. Việc mua sắm trực tuyến mở ra cơ hội cho các thương nhân lừa đảo và tăng nguy cơ mua phải hàng giả. Hàng giả mạo không chỉ gây hậu quả cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, mà còn tạo nên một vấn đề kinh tế lớn với việc mất mát doanh thu và uy tín thương hiệu. Để bảo vệ bản thân, người tiêu dùng nên mua sắm ở các nguồn tin cậy và kiểm tra sản phẩm một cách cẩn thận. Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường các biện pháp bảo vệ thương hiệu và theo dõi chuỗi cung ứng của họ để đảm bảo an toàn và chất lượng hàng hóa.
Theo quy định của pháp luật thì hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ (SHTT) bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (gọi chung là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) và hàng hóa sao chép lậu. Trong đó, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan. Quy định này của Luật SHTT hoàn toàn phù hợp và tương thích với pháp luật quốc tế, chẳng hạn Hiệp định thương mại chống hàng giả, Hiệp định về các biện pháp ngăn chặn nhập khẩu hàng giả,Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến SHTT (Agreement on trade-related aspects of IPR - TRIPS) .
Hàng hóa giả mạo về SHTT là hàng hóa có những đặc điểm, hình thức thể hiện giống hệt với hàng hóa do chính các chủ thể quyền SHTT sản xuất hoặc đưa ra thị trường. Xét về đặc tính gây thiệt hại, hàng hóa giả mạo về SHTT được sản xuất một cách trái phép thường không bảo đảm chất lượng và không đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất chính hãng. Do đó, các hàng hóa này tiềm ẩm nguy cơ gây thiệt hại và có khả năng gây thiệt hại cao nhất về an toàn, sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng, xâm phạm đến quyền khai thác và sử dụng hợp pháp các đối tượng quyền SHTT của chủ sở hữu quyền. Các hành vi xuất nhập khẩu, lưu hành hàng hóa giả mạo SHTT có thể bị xử lý hành chính, dân sự và hoặc hình sự, trong đó việc kiểm soát hàng hóa giả mạo về SHTT trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.
2. Giám sát hải quan xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là gì? Các trường hợp áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu
Cơ quan Hải quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu theo quy định tại Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ bằng:
+ Một là, Biện pháp hành chính, có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn trong trường hợp cần thiết để đảm bảo việc xử phạt theo quy định, chẳng hạn như: tạm giữ người, hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm; khám người, phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm về sở hữu trí tuệ.
+ Hai là, Biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 216 Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm: Tạm dừng đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm; Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm. Trong quá trình thực hiện hai biện pháp quy định này, nếu phát hiện hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ thì cơ quan hải quan có quyền và có trách nhiệm áp dụng biện pháp hành chính để xử lý theo quy định.
Các trường hợp áp dụng 2 biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ như sau:
- Tạm dừng làm thủ tục hải quan: Biện pháp tạm dừng được áp dụng theo một trong hai trường hợp: Có yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính; Cơ quan hải quan chủ động thực hiện nếu trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát và kiểm soát phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ.
- Kiểm tra, giám sát hải quan: Được tiến hành khi có đề nghị của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin để thực hiện quyền yêu cầu áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan. Việc phát hiện lô hàng có dấu hiệu xâm phạm là cơ sở để người đề nghị tiếp tục yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan.
3. Nội dung kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Theo đó, nội dung kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thực hiện như sau:
- Thứ nhất, về nội dung kiểm tra hồ sơ hải quan. Thông tư quy định, kiểm tra thông tin khai về hàng hóa: người khai hải quan phải khai đầy đủ, chính xác tên hàng, nhãn hiệu hàng hóa, quy cách phẩm chất, thông số kỹ thuật, thành phần cấu tạo, model, ký mã hiệu, đặc tính, công dụng của hàng hóa theo quy định; Kiểm tra, đối chiếu các thông tin khai trên tờ khai hải quan với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan về tên hàng, nhãn hiệu, xuất xứ, trị giá, quy cách phẩm chất hàng hóa, thông số kỹ thuật, thành phần cấu tạo, model, ký mã hiệu, đặc tính, công dụng, tuyến đường vận chuyển của hàng hóa để xác định sự phù hợp; Kiểm tra, đối chiếu thông tin về tên người xuất khẩu, tên người nhập khẩu, tên hàng, nhãn hiệu với các thông tin do Tổng cục Hải quan thông báo và các thông tin do cơ quan hải quan thu thập để xác định hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả (nếu có).
Trường hợp người xuất khẩu, người nhập khẩu thuộc Danh sách những người có khả năng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai thực hiện thông báo hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho chủ sở hữu quyền hoặc người được ủy quyền hợp pháp theo quy định. Trường hợp người xuất khẩu, người nhập khẩu không thuộc Danh sách người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp hàng hóa và Danh sách những người có khả năng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cơ quan hải quan chỉ thông báo hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho chủ sở hữu quyền hoặc người được ủy quyền hợp pháp theo quy định. Trường hợp qua kiểm tra, đối chiếu đủ cơ sở để xác định hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu là phù hợp, không có dấu hiệu là hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan hải quan tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan theo quy định. Trường hợp qua kiểm tra, đối chiếu xác định có dấu hiệu nghi vấn, nội dung khai trên tờ khai hải quan không phù hợp với nội dung trong hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát đã được Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) thông báo chấp nhận nhưng chưa đủ cơ sở để xác định hành vi vi phạm, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra thực tế hàng hóa, đồng thời chỉ rõ các dấu hiệu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để công chức hải quan khi kiểm tra thực tế hàng hóa lưu ý kiểm tra.
- Thứ hai, về nội dung kiểm tra thực tế hàng hóa. Kiểm tra, đối chiếu tên hàng, nhãn hiệu ghi trên bao bì, hàng hóa với tên hàng, nhãn hiệu do người khai hải quan khai trên tờ khai hải quan, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, các thông tin cảnh báo khi kiểm tra hồ sơ hải quan (nếu có) để xác định sự phù hợp; Kiểm tra, đối chiếu thực tế hàng hóa với hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát đã được Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) thông báo chấp nhận (ảnh chụp, mô tả, đặc điểm nhận biết hàng thật) để xác định hàng giả, hàng có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Trường hợp có chưa đủ cơ sở xác định hàng hóa dấu hiệu là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cần phải tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ; công chức hải quan đề xuất lãnh đạo Chi cục chuyển thông tin cho lực lượng kiểm soát chống buôn lậu hải quan thuộc Cục hoặc chuyển Cục Điều tra chống buôn lậu (đối với vụ việc lớn, phức tạp) để thực hiện xác minh, điều tra, làm rõ và thực hiện tiếp thủ tục hải quan theo quy định;
- Thứ ba, trong quá trình thực hiện hoạt động giám sát hải quan, tuần tra tại địa bàn hoạt động hải quan, nếu phát hiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hoặc nơi lưu giữ hàng hóa ban hành Quyết định tạm dừng đưa hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế để tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định.
- Thứ tư, trường hợp hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành, cơ quan hải quan căn cứ kết luận của cơ quan kiểm tra chuyên ngành để xác định dấu hiệu hàng giả hoặc hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, trường hợp từ chối tiếp nhận đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức cá nhân, cụ thể: cơ quan hải quan có thể từ chối nhận đơn nếu hồ sơ nộp bổ sung quá thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có thông báo nộp bổ sung. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan có cơ sở xác định chứng từ trong hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan có thể gia hạn khi hết thời hạn (nếu có lý do chính đáng) với điều kiện nộp thêm tiền hoặc chứng từ bảo lãnh.
Trên đây là nội dung về: "Giám sát hải quan hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là gì?" trường hợp còn điều gì thắc mắc, Quý khách hàng vui lòng gọi 1900.868644 hoặc gửi qua email [email protected] để được hỗ trợ giải đáp thắc mắc