Nhà nước có những chính sách nào về cạnh tranh?

Thực tiễn có thể thấy nền kinh tê Việt Nam hiện nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với rất nhiều thành phần tham gia vào nền kinh tế, hội nhập sâu rộng vào quốc tế nên chắc hẳn đòi hỏi Nhà nước cần có những yêu cầu nhất định đối với việc cạnh tranh. Dưới đây những chính sách về cạnh tranh của Nhà nước mà luật Hòa Nhựt gửi quý khách hàng tham khảo

1. Chính sách cạnh tranh là gì?

Chính sách cạnh tranh bao gồm các biện pháp của Nhà nước nhằm giữ vững cạnh tranh. Một mặt chủ động tạo ra các tiền đề cho cạnh tranh, mở cửa thị trường, loại bỏ các barrier ngăn chặn xâm nhập thị trường. Mặt khác, triển khai các biện pháp chống lại các chiến lược hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp. Khái niệm chính sách cạnh tranh theo cách hiểu này bao gồm cả pháp luật, cơ chế bảo đảm thực hiện, cũng như những biện pháp kinh tế kích thích cạnh tranh trên thị trường. Có một cách hiểu chính sách cạnh tranh theo nghĩa hẹp, theo đó nó bao gồm các quy tắc và quy định nhằm thúc đẩy cạnh tranh trong một nền kinh tế quốc dân, một phần thông qua việc phân bổ có hiệu quả hơn nguồn tài nguyên.

Pháp luật cạnh tranh là nội dung cơ bản của chính sách cạnh tranh. Nó bao gồm các quy định chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và những biện pháp chống các hành vi hạn chế cạnh tranh. Trong phạm vi của nội dung này, chính sách cạnh tranh được giới thiệu theo nghĩa rộng, bao gồm tổng hợp các biện pháp xây dựng môi trường cạnh tranh trong đời sống kinh tế, các biện pháp duy trì trật tự cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, nội dung quan trọng của pháp luật cạnh tranh với hai bộ phận cấu thành cơ bản là pháp luật chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật chống các hành vi hạn chế cạnh tranh.

Chính sách cạnh tranh được xây dựng dựa trên những cơ sở khác nhau sau đây:

- Chủ trương phát triển kinh tế của quốc gia, tình hình thực tế của đời sống kinh tế và tương quan cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế chính trên thị trường

- Xu thế kinh tế quốc tế hiện đại

- Tập quán kinh doanh truyền thống của từng quốc gia.

Điều đó làm cho chính sách cạnh tranh của các nước luôn có những nét đặc thù khác nhau. Thậm chí ngay trong một quốc gia, chính sách cạnh tranh có nhiệm vụ và nội dung được thay đổi theo từng thời kỳ. Có thể thấy được những vấn đề nói trên bằng việc tham khảo các chính sách cạnh tranh của một số quốc gia điển hình.

2. Những chính sách của Nhà nước về cạnh tranh

Theo đó, Nhà nước có những chính sách được quy định về cạnh tranh như sau:

- Tạo lập và thúc đẩy các cơ hội bình đẳng và không phân biệt đối xử trong cạnh tranh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh

- Bảo vệ và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh

- Ngăn chặn các hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng

Ở Việt Nam, tuổi đời thị trường còn quá non trẻ, các thiết chế của thị trường chưa hình thành đầy đủ và chưa đồng bộ. Do đó, chính sách cạnh tranh còn tập trung vào việc xây dựng một thị trường cạnh tranh thực sự và hướng tới việc hình thành dần các thiết chế cần thiết để duy trì và bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh

3. Nội dung của chính sách cạnh tranh

Với vai trò xây dựng môi trường cạnh tranh sôi động, lành mạnh để khuyến khích cạnh tranh phát triển và bảo vệ sự lành mạnh của thị trường, chính sách cạnh tranh luôn bao gồm các nhóm nội dung sau đây:

3.1. Tạo lập và thúc đẩy các cơ hội bình đẳng và không phân biệt đối xử trong cạnh tranh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh

 Xóa bỏ các phân biệt đối xử về mặt pháp lý giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Xóa bỏ cơ chế hai giá giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Xóa bỏ ưu đãi thuế và tài chính doanh nghiệp (xây dựng nghị định chung về thuế thu nhập doanh nghiệp, xóa bỏ mức hạn chế chi phí quảng cáo của doanh nghiệp trong nước)

Đẩy mạnh công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Đưa cạnh tranh vào những lĩnh vực thuộc độc quyền Nhà nước (lĩnh vực điện, lĩnh vực hàng không, lĩnh vực viễn thông)

Minh bạch hóa hoạt động của cơ quan Nhà nước các cấp để ngăn cản các hành vi can thiệp vào môi trường cạnh tranh từ các cơ quan Nhà nước

Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

3.2. Bảo vệ và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh

Xóa bỏ các trợ cấp của Nhà nước với doanh nghiệp, tách hỗ trợ tín dụng thương mại ra khỏi hỗ trợ mang tính chính sách (thành lập Ngân hàng chính sách chuyên cho vay xóa đói giảm nghèo)

Tổ chức nhiều giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp hoạt động tốt (Sao đỏ, Sao vàng đất Việt)

Cải cách hành chính trong việc đăng ký bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp

Tạo nhiều kênh để doanh nghiệp khiếu nại về thủ tục hành chính

Tạo nhiều diễn đàn để doanh nghiệp lên tiếng cải thiện môi trường cạnh tranh (Phòng Thương mại và Công nghiệp, hiệp hội ngành nghề)

Xây dựng các thiết chế mới để bảo vệ cạnh tranh trên các thị trường đặc thù.

3.3. Ngăn chặn các hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường

Luật hóa các nỗ lực chống lại hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh

Ban hành đầy đủ các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật

Xây dựng các thiết chế mới để xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh

3.4. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng 

Xây dựng các công cụ bảo hộ mới được quốc tế chấp nhận (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ)

Xây dựng các công cụ quản lý mới được quốc tế chấp nhận (thuế tuyệt đối, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất nhập khẩu tự động)

Xây dựng các tiêu chí miễn trừ trong Luật Cạnh tranh.

4. Ý nghĩa của chính sách cạnh tranh

4.1. Đối với người tiêu dùng

Nhờ có cạnh tranh giữa các doanh nghiệp mà người tiêu dùng có cơ hội nhận được những sản phẩm ngày càng phong phú và đa dạng với chất lượng và giá thành phù hợp, cụ thể:

- Giá cả thấp hơn cho người tiêu dùng. Thông qua quy luật cung cầu, cạnh tranh phát hiện và đáp ứng mọi nhu cầu và thị yếu của người tiêu dùng.

- Chất lượng hàng hóa, dịch vụ tăng lên do sức ép cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ

- Cạnh tranh tác động liên tục đến giá cả thị trường, buộc doanh nghiệp phải chọn phương án kinh doanh sao cho chi phí nhỏ, hiệu quả cao, chất lượng phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.

- Hình thức, kiểu dáng, mẫu mã đa dạng hơn để lựa chọn.

4.2. Đối với nền kinh tế

Cạnh tranh là động lực phát triển của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế

Điều tiết các nguồn lực kinh tế xã hội từ nơi sử dụng nguồn lực kinh tế thấp đến nơi sử dụng nguồn lực kinh tế cao.

Cạnh tranh là biểu hiện quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất, thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật, cải tiến công nghệ nhằm kinh doanh hiệu quả, sản xuất ra các sản phẩm mới khiến cho chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao.

Sàng lọc các thực thể kinh doanh. Doanh nghiệp nào có tiềm lực, chiến lược kinh doanh hiệu quả sẽ vươn lên tồn tại. Ngược lại, doanh nghiệp nào không đáp ứng được thị trường sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Do vậy, cạnh tranh điều tiết các thực thể kinh doanh làm cho nên kinh tế phát triển hơn.

4.3. Đối với các doanh nghiệp

Cạnh tranh tạo áp lực cho thương nhân, thúc đẩy cho sự đổi mới của thương nhân trong việc thúc đẩy sản xuất. Mục đích của thương nhân là lợi nhuận. Muốn tăng lợi nhuận thì phải cạnh tranh thắng lợi trên thị trường, tạo được lòng tin với khách hàng. Để làm được điều đó phải không ngừng cải tiến sản phẩm liên tục để phù hợp và thu hút khách hàng. Đây là một trong những áp lực mà bất kể thương nhân nào muốn tồn tại vững mạnh trên thị trường cũng cần phải thực hiện tốt. Cạnh tranh khiến cho doanh nghiệp luôn phấn đấu cải thiện, nâng cao vị thế của mình. Qua đó góp phần tạo động lực để thương nhân ngày càng phát triển.

Ngoài ra, quý khách có thể tham khảo thêm bài viết: Chính sách cạnh tranh là gì? Nội dung, vai trò chính sách cạnh tranh

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!