1. Biện pháp thực hiện chính sách hình sự
Chính sách hình sự là một loại chính sách pháp luật, một loại chính sách xã hội, một loại chính sách công, một loại chính sách đối nội.
Chính sách hình sự có thể mang tính chất đường lối, chiến lược lâu dài như “Nghiêm trị kết hợp với khoan hồng”, “Trừng trị kết hợp với giáo dục cải tạo”... nhưng cũng có thể mang tính chất sách lược được thực hiện trong những giai đoạn nhất định cũng như đối với những loại tội phạm hoặc đối tượng nhất định như chính sách về đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu, chống tệ nạn ma tuý, mãi dâm... Chính sách hình sự được thể hiện trong các văn bản của Nhà nước như nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết, các quyết định cũng như các chỉ thị của Chính phủ và đặc biệt được cụ thể hóa trong các đạo luật mà trước hết là Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Chính sách hình sự được thực hiện thông qua hoạt động xây dựng luật, giải thích luật và áp dụng luật. Trước hết, chính sách hình sự có tính chiến lược, lâu dài phải được thể hiện trong các quy định của Bộ luật hình sự, đồng thời chính sách hình sự cũng là một trong những cơ sở mà công tác giải thích các điều luật phải dựa vào. Cuối cùng, áp dụng luật cũng không thể tách rời chính sách hình sự, mà phải dựa vào và thể hiện được chính sách hình sự.
Chính sách hình sự là một phần của chính sách xã hội nói chung và là chính sách pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói riêng của một Nhà nước được cấu thành bởi bốn loại chính sách: chính sách phòng ngừa tội phạm, chính sách pháp luật hình sự, chính sách pháp luật tố tụng hình sự và chính sách pháp luật thi hành án hình sự. Trong đó, chính sách hình sự là những phương hướng có tính chất chỉ đạo, chiến lược của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm. Như vậy, chính sách hình sự suy cho cùng là nhằm đảm bảo thực hiện tốt đường lối xử lý về hình sự và trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay nó góp phần đưa các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền vào đời sống thực tế, giáo dục công dân ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tiến tới xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chính sách hình sự được thực hiện bằng các biện pháp khác nhau.
Đó là: pháp luật tư pháp hình sự và hoàn thiện pháp luật tư pháp hình sự, hoạt động của các cơ quan áp dụng pháp luật tư pháp hình sự, giáo dục và đào tạo pháp luật tư pháp hình sự. Chính sách hình sự và pháp luật tư pháp hình sự, trong đó có pháp luật hình sự là những hiện tượng không đồng nhất với nhau, nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
2. Pháp luật tư pháp hình sự
Pháp luật tư pháp hình sự, đặc biệt pháp luật hình sự là hình thức, là biện pháp cơ bản của việc thể hiện, ghi nhận và thực hiện trong thực tiễn chính sách hình sự đã được xác định.
Xác định kịp thời, đứng đắn chính sách hình sự và phản ánh kịp thời, đúng đắn chính sách hình sự trong pháp luật tư pháp hình sự có ý nghĩa trên nhiều phương diện, đặc biệt trên phương diện chính sách. Tiếp đến, hoàn thiện pháp luật tư pháp hình sự cũng là một trong những hình thức, biện pháp quan trọng của việc thực hiện chính sách hình sự.
3. Hoạt động lập pháp tư pháp hình sự
Hoạt động lập pháp tư pháp hình sự và hoạt động áp dụng pháp luật tư pháp hình sự có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Hoạt động lập pháp tư pháp hình sự là giai đoạn đầu của việc thể hiện và thực hiện chính sách hình sự, còn hoạt động áp dụng pháp luật tư pháp hình sự là giai đoạn thứ hai của việc thể hiện và thực hiện chính sách hình sự.
Nhìn ở góc độ khác, hoạt động áp dụng pháp luật tư pháp hình sự là một hình thức, một biện pháp rất quan trọng của việc thực hiện chính sách hình sự. Chính sách hình sự không thể đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra nếu thiếu hoạt động áp dụng pháp luật tư pháp hình sự. Điều đó có nghĩa rằng, các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách hình sự, được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau: các cơ quan đó kiểm chúng chính sách hình sự trong thực tiễn, tổng kết thực tiễn, đưa ra chính sách xử lý đối với từng loại tội phạm trong những giai đoạn phát triển cụ thể, bảo đảm chính sách hình sự được áp dụng thống nhất trong cả nước, đưa ra những cơ sở thực tiễn cho việc điều chỉnh chính sách hình sự và sửa đổi, bổ sung pháp luật tư pháp hình sự.
4. Giáo dục và đào tạo pháp luật tư pháp hình sự
Giáo dục và đào tạo pháp luật tư pháp hình sự là một trong những hình thức, biện pháp thực hiện chính sách hình sự.
Ý thức pháp luật của công dân, của các cán bộ, công chức thực hiện hoạt động lập pháp tư pháp hình sự và áp dụng pháp luật tư pháp hình sự đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chính sách hình sự trên thực tế.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách hình sự là một trong những nội dung cơ bản của chính sách pháp luật Việt Nam hiện nay.
Nhu cầu tiếp tục hoàn thiện chính sách hình sự hiện nay xuất phát từ những biến đổi sâu sắc diễn ra trong xã hội, từ đặc điểm của tình hình tội phạm ở nước ta và tính hiệu quả chưa cao của chính sách hình sự hiện hành.
5. Hướng hoàn chính sách hình sự Việt Nam
Chính sách hình sự Việt Nam cần được hoàn thiện theo các định hướng sau:
5.1 Định hướng nhân đạo hóa
Nhân đạo hóa với tư cách là một định hướng của chính sách hình sự Việt Nam được hiểu là xu hướng đã được xác định và đang phát triển của chính sách hình sự, bao quát toàn bộ các lĩnh vực của chính sách hình sự, thể hiện sự tiến triển của đời sổng chính sách hình sự nói chung, các bộ phận cấu thành cụ thể của đời sống chính sách hình sự dưới dạng các chế định pháp luật hình sự, các chế định pháp luật tố tụng hình sự, các chế định pháp luật thi hành án hình sự... Đây là định hướng phát triển chung của chính sách hình sự được thể hiện ở ba cấp độ: toàn cầu, khu vực, quốc gia. Do vậy, cần có cách tiếp cận và phân tích tổng thổ, hệ thống, so sánh về định hướng này của chính sách hình sự.
Đây là định hướng mang tính tư tưởng rõ ràng, tiến bộ, hướng tâm, tồn tại trong một thời gian dài, liên tục, bên trong chính sách hình sự. Định hướng này mang tính chất tình và động được phản ánh và vật chất hóa không chỉ trong các quan niệm, học thuyết, cấu trúc lý luận mà cả trong thực tiễn chính sách hình sự (thực tiễn xây dựng pháp luật tư pháp hình sự, thực tiễn áp dụng pháp luật tư pháp hình sự, thực tiễn giáo dục và đào tạo pháp luật tư pháp hình sự).
Nội dung của định hướng nhân đạo hóa của chính sách hình sự được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực, nội dung, bộ phận cấu thành của chính sách hình sự, trong các quy định về đường lối xử lý, về tội phạm, về các biện pháp trách nhiệm hình sự và các biện pháp tư pháp, trong áp dụng pháp luật hình sự, trong việc quy định trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong các quy định về các thủ tục tố tụng hình sự, trong các quy định về thi hành án hình sự, trong các quy định về điều tra hình sự, trong các quy định khác của pháp luật tư pháp hình sự.
5.2 Định hướng phân hóa
Phân hóa với tư cách là một định hướng của chính sách hình sự Việt Nam được hiểu là xu hướng đã được xác định và đang phát triển của chính sách hình sự Việt Nam, thể hiện sự tiến triển của đời sống chính sách hình sự nói chung, các bộ phận cấu thành cụ thể của đời sống chính sách hình sự dưới dạng các chế định pháp luật thuộc pháp luật tư pháp hình sự nói riêng. Cũng như định hướng nhân đạo hóa, định hướng phân hóa là định hướng phát triển chung của chính sách hình sự, được thể hiện ở ba cấp độ: toàn cầu, khu vực, quốc gia.
Định hướng phân hóa của chính sách hình sự được quyết định bởi các yếu tố co bản sau đây: quá trình phân hóa diễn ra trong xã hội, sự phân hóa của pháp luật, sự đa dạng, phong phú của các hành vi phạm tội, của những người phạm tội, nhu cầu phòng ngừa và chống tội phạm, sự công bằng và các yếu tố khác.
Nội dung cơ bản của định hướng phân hóa chính sách hình sự được thể hiện ở tất cả các bộ phận cấu thành của chính sách hình sự: chính sách pháp luật hình sự, chính sách pháp luật tố tụng hình sự, chính sách pháp luật thi hành án hình sự, chính sách pháp luật điều tra hình sự, chính sách phòng ngừa tình hình tội phạm. Ví dụ, trong chính sách pháp luật hình sự, nội dung phân hóa thể hiện ở đường lối xử lý hình sự, đặc biệt đường lối xử lý hình sự đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng và các tội ít nghiêm trọng, trong các quy định về lỗi, trong các quy định về các giai đoạn phạm tội, trong các quy định về đồng phạm, trong hệ thống các biện pháp trách nhiệm hình sự, trong các quy định về quyết định hình phạt, trong chính sách pháp luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong xây dựng các nhóm tội phạm, các cấu thành tội phạm và trong những vấn đề khác.
5.3 Định hướng quốc tế hóa
Quốc tế hóa là định hướng phát triển mới của chính sách hình sự, được hình thành dưới sự tác động của toàn cầu hóa nói chung, toàn cầu hóa về pháp luật nói riêng, của sự tác động lẫn nhau của hệ thống pháp luật quốc gia, pháp luật khu vực và pháp luật quốc tế.
Nội dung cơ bản của định hướng quốc tế hóa của chính sách hình sự được thể hiện ở tính bách khoa hóa và thống nhất hóa chính sách hình sự ở phạm vi toàn cầu. Điều đó được thể hiện rất rõ trong pháp luật hình sự quốc tế, pháp luật phòng, chống tham nhũng, pháp luật phòng, chống khủng bố, pháp luật hình sự trong lĩnh vực môi trường, mạng máy tính viễn thông, mạng internet, thiết bị số, pháp luật hình sự về sở hữu trí tuệ, trong việc tăng cường vai trò và ý nghĩa của án lệ hình sự và thực tiễn xét xử hình sự, ở việc mở rộng phạm vi điều chỉnh pháp luật tư pháp hình sự liên quan đến quyền con người.
Sự tác động của pháp luật hình sự quốc tế đến pháp luật tư pháp hình sự Việt Nam được thể hiện trong một số hướng như: sự thể hiện của các nguyên tắc và các quy phạm chung của pháp luật hình sự quốc tế và các điều ước quốc tế trong Hiến pháp và trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự; sự nội luật hóa các quy phạm của pháp luật hình sự quốc tế và các công ước cụ thê’ vào các quy phạm của pháp luật tư pháp hình sự Việt Nam.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!