1. Quy định lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường
Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh (Xem: Khoản 2 và khoản 5 Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2018). Ngoài ra, để cụ thể hoá, Luật đã liệt kê từng hành vi cụ thể ttong ba nhóm hành vi hạn chế cạnh ttanh kể trên (Xem: Điều 27 Luật cạnh tranh năm 2018).
Điều 27 Luật cạnh tranh năm 2018 liệt kê các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền bao gồm:
- Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh;
- Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất họp lí hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
- Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kĩ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
- Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
- Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong kí kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
- Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
- Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.
Khoản 2 Điều 27 Luật cạnh tranh bổ sung hai hành vi áp dụng riêng với doanh nghiệp có vị trí độc quyền tên thị trường, bao gồm:
- Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng;
- Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hưỷ bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lí do chính đáng
- Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.
2. Cơ sở pháp lý hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá
Hành vi ấn định giá bán hàng hóa hoặc cung ấn dịch vụ dưới giá thành toàn bộ là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh để hạn chế cạnh tranh.
Ngoại trừ các hành vi được quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 116/ 2005 không bị coi là hành vi bán hàng hóa dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh.
Điều 23. Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh
1. Trừ những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh là việc bán hàng, cung ứng dịch vụ với mức giá thấp hơn tổng các chi phí dưới đây:
a) Chi phí cấu thành giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 24 của Nghị định này hoặc giá mua hàng hóa để bán lại;
b) Chi phí lưu thông hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này.
2. Các hành vi sau đây không bị coi là hành vi bán hàng hóa dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh:
a) Hạ giá bán hàng hóa tươi sống;
b) Hạ giá bán hàng hoá tồn kho do chất lượng giảm, lạc hậu về hình thức, không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng;
c) Hạ giá bán hàng hoá theo mùa vụ;
d) Hạ giá bán hàng hoá trong chương trình khuyến mại theo quy định của pháp luật;
đ) Hạ giá bán hàng hoá trong trường hợp phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh, thay đổi địa điểm, chuyển hướng sản xuất, kinh doanh;
e) Các biện pháp thực hiện chính sách bình ổn giá của nhà nước theo quy định hiện hành của pháp luật về giá.
3. Các trường hợp hạ giá bán quy định tại khoản 2 Điều này phải được niêm yết công khai, rõ ràng tại cửa hàng, nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời gian hạ giá.3. Xác định giá bán hàng hoá, dịch vụ
Giá bán hàng hoá, dịch vụ là giá bán thực tế của hàng hoá, dịch vụ trên thị trường liên quan. Luật cạnh tranh chưa xác định giá bán thực tế của sản phẩm là giá sản phẩm ở khâu nào của quá trình kinh doanh: Giá bán lẻ hay giá bán sản phẩm cho nhà phân phối đầu tiên. Để làm rõ điều này, trước tiên phải khẳng định rằng hành vi bán hàng hoá, dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh có thể được thực hiện bởi doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất sản phẩm hoặc chỉ là những nhà phân phối sản phẩm. Do đó, pháp luật khó có thể đưa ra mức giá chuẩn phù hợp với mọi trường hợp.
Về nguyên tắc, mức giá bán thực tế được sử dụng để điều tra về hành vi phải là:
1) giá bán thực tế của doanh nghiệp bị điều tra; vì vậy, cơ quan thực thi pháp luật không thể sử dụng giá thị trường hay giá cả suy định để xác định về hành vi vi phạm nếu như các mức giá đó không là giá bán thực của doanh nghiệp bị điều tra.
2) Là mức giá áp dụng cho các khách hàng giao dịch trực tiếp với họ. Vì vậy, nếu doanh nghiệp bị điều tra không trực tiếp bán lẻ sản phẩm cho người tiêu dùng thì giá được sử dụng là giá bán sản phẩm mà doanh nghiệp đã áp dụng trong các giao dịch với các nhà phân phối (khách hàng trực tiếp) của họ. Ngược lại, khi doanh nghiệp bị điều tra là trực tiếp bán lẻ trên thị trường thì giá thực tế được sử dụng là giá bán lẻ doanh nghiệp đã áp dụng trong các giao dịch với khách hàng. Trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều loại khách hàng khác nhau ở những vị trí khác nhau trong quá trình phân phối và tiêu thụ sản phẩm (doanh nghiệp vừa bán lẻ, vừa bán sỉ sản phẩm) và với mỗi nhóm khách hàng họ áp dụng mức giá riêng, thì cơ quan thi hành sẽ sử dụng độc lập từng mức giá với từng nhóm khách hàng để điều tra về sự vi phạm mà không tính theo nguyên tắc bình quân của các mức giá.
4. Xác định giá thành sản xuất toàn bộ
Giá thành toàn bộ là tổng các chi phí sau: chi phí cấu thành giá thành sản xuất hàng hoá, dịch vụ hoặc giá mua hàng hoá để bán lại; và chi phí lưu thông hàng hoá, dịch vụ.
Căn cứ xác định định giá dưới giá thành toàn bộ để loại bỏ đổi thủ theo quy định của luật cạnh tranh là giá thành toàn bộ của doanh nghiệp bị điều tra. Như đã trình bày, bản chất phi kinh tế của hành vi nói trên thể hiện thông qua việc doanh nghiệp lợi dụng vị trí và khả năng tài chính của mình nên đã chấp nhận lỗ hoặc chấp nhận hi sinh lợi nhuận để đạt được mục đích loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Do đó, chỉ có thể xác định được bản chất và mục đích đó khi dùng chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để sản xuất và phân phối sản phẩm để so sánh với giá bán thực tế. Có như vậy, việc so sánh mới thực sự công bằng, rõ ràng và chính xác. về vấn đề này, pháp luật của các quốc gia khác như Canada và Hoa Kỳ có cách tiếp cận khác. Theo đó, các nhà làm luật ở các quốc gia này đưa ra hai mức chi phí căn bản làm cơ sở xác định hiện tượng ép giá là chi phí toàn bộ bình quân (average total cost - ATC) và chi phí biến đổi bình quân (average variable cost - AVC). Chi phí khả biến bình quân là chi phí biến đổi được tính trên một đơn vị sản phẩm, ví dụ như chi phí lao động, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu... (còn gọi là chi phí trực tiếp); chi phí toàn bộ bình quân là tổng chi phí đầu vào (yếu tố sản xuất) tính trên một đơn vị sản phẩm, bao gồm chi phí cố định bình quân (chi phí gián tiếp) và chi phí khả biến bình quân. Mức giá cao hơn chi phí toàn bộ bình quân sẽ không bị coi là định giá huỷ diệt cho dù mức giá đó có thể dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác ra khỏi thị trường.
Lí giải về điều này, các nhà làm luật của Canada cho rằng mức giá cao hơn chi phí toàn bộ bình quân là mức giá bình thường bởi trong đó đã bao gồm khoản lợi nhuận hợp lí cho dù mức giá đó có thấp hơn giá bán của doanh nghiệp khác. Lúc này, giá bán phản ánh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong cạnh tranh về giá so với đối thủ. Mức giá thấp hơn chi phí khả biến bình quân là bất hợp lí vì mức giá đó không thể dẫn tới sự tối đa hoá lợi nhuận hay sự tối thiểu hoá tổn thất trong bất cứ bối cảnh thị trường nào. Mức giá nằm ở khoảng giữa chi phí toàn bộ bình quân và chi phí khả biến bình quân (gọi là mức giá trong khu vực màu xám), tức là cao hơn chi phí khả biến bình quân và thấp hơn chi phí toàn bộ bình quân có thể bị coi là định giá huỷ diệt nhưng cũng có thể được chấp nhận nếu như chứng minh được rằng doanh nghiệp đang thực hiện chiến lược tối đa hoá lợi nhuận trong những điều kiện đặc biệt của thị trường, ví dụ như thời kì nhu cầu thị trường bị giảm sút... Lí lẽ biện hộ cho trường hợp này là mặc dù doanh nghiệp không tìm kiếm được lợi nhuận với mức giá đó nhưng doanh nghiệp cũng đã có thể trang trải được các chi phí sản xuất trực tiếp và một phần bù đắp cho các khoản đầu tư cố định hòng duy trì sản xuất trong điều kiện khó khăn của thị trường.
5. So sánh giữa giá bán thực tế và giá thành toàn bộ của sản phẩm
Để xác định được hành vi vi phạm, người ta tiến hành so sánh giữa giá thành toàn bộ với giá bán thực tế của sản phẩm để tìm mức chênh lệch theo công thức:
Mức chênh lệnh - Giá thành toàn bộ - Giá sản phẩm
Nếu kết quả đạt được là con số dương (tức giá thành toàn bộ cao hơn giá bán thực tế) thì kết luận có vi phạm và ngược lại. Xác định mức chênh lệch giá - nói cách khác là xác định mức huỷ diệt của hành vi định giá dưới chi phí nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Trung tâm của việc xác định hành vi định giá cướp đoạt là tìm kiếm sự chênh lệnh mà ở đó giá bán của sản phẩm thấp hơn chi phí toàn bộ. Khi có sự chênh lệch về giá cũng có nghĩa là doanh nghiệp đã phải bỏ một khoản chi phí đáng kể để bù đắp các khoản lỗ do giá bán thấp hơn chi phí đem lại. Khoản chi phí này chỉ có thể đáng giá khi nó được bù đắp trong tương lai hoặc trong các vùng thị trường khác mà doanh nghiệp đó có tham gia. Vì vậy, có nhiều nhà kinh tế học cho rằng hành vi bán phá giá nói chung và hành vi định giá dưới chi phí sản xuất là những toan tính liều lĩnh, bởi một khi mục đích bù đắp trong tương lai không thực hiện được thì hậu quả lớn lao sẽ đổ dồn lên người thực hiện hành vi.
Kinh nghiệm của các nước trong việc phân tích bản chất của hành vi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ luôn quan tâm làm rõ mục đích loại bỏ đối thủ của người vi phạm. Mọi tình huống mà ở đó cho thấy doanh nghiệp hạ giá sản phẩm xuống dưới giá thành nhưng không nhằm đến việc loại bỏ bất cứ doanh nghiệp nào đều được coi là không vi phạm. Sự khác nhau giữa các nước là cách thức xác định trường hợp được coi là không có mục đích huỷ diệt đổi thủ. Pháp luật của Hoa Kỳ, Canada và nhiều nước khác trao cho cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh quyền xem xét, phân tích từng vụ việc cụ thể để quyết định có miễn trừ cho người vi phạm hay không trong khi pháp luật của Việt Nam lại sử dụng phương pháp liệt kê những tình huống được coi là không vi phạm.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!