Quy định về cạnh tranh theo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

Hiệp định RCEP được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng lợi ích cho các thành viên tham gia. Việc tham gia ký kết Hiệp định RCEP cũng là một trong những ưu tiên hội nhập của các quốc gia thành viên ASEAN

1. Cạnh tranh kinh tế là gì?

Cạnh tranh kinh tế là sự ganh đua giữa các chủ thể kinh tế (nhà sản xuất, nhà phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, thương nhân…) nhằm giành lấy những vị thế tạo nên lợi thế tương đối trong sản xuất, tiêu thụ hay tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ hay các lợi ích về kinh tế, thương mại khác để thu được nhiều lợi ích nhất cho mình.

Cạnh tranh có thể xảy ra giữa những nhà sản xuất, phân phối với nhau hoặc có thể xảy ra giữa người sản xuất với người tiêu dùng khi người sản xuất muốn bán hàng hóa, dịch vụ với giá cao, người tiêu dùng lại muốn mua được với giá thấp. Cạnh tranh của một doanh nghiệp là chiến lược của một doanh nghiệp với các đối thủ trong cùng một ngành…

Có nhiều biện pháp cạnh tranh: cạnh tranh giá cả (giảm giá) hoặc cạnh tranh phi giá cả (Khuyến mãi, quảng cáo) Hay cạnh tranh của một doanh nghiệp, một ngành, một quốc gia là mức độ mà ở đó, dưới các điều kiện về thị trường tự do và công bằng có thể sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, đồng thời tạo ra việc làm và nâng cao được thu nhập thực tế.

2. Đặc điểm của cạnh tranh kinh tế?

Cạnh tranh kinh tế là một quy luật kinh tế của sản xuất hàng hoá vì nó xuất phát từ quy luật giá trị của sản xuất hàng hoá. Trong sản xuất hàng hoá, sự tách biệt tương đối giữa những người sản xuất, sự phân công lao động xã hội tất yếu dẫn đến sự cạnh tranh để giành được những điều kiện thuận lợi hơn như gần nguồn nguyên liệu, nhân công rẻ, gần thị trường tiêu thụ, giao thông vận tải tốt, khoa học kỹ thuật phát triển... nhằm giảm mức hao phí lao động cá biệt thấp hơn mức hao phí lao động xã hội cần thiết để thu được nhiều lãi. Khi còn sản xuất hàng hoá, còn phân công lao động thì còn có cạnh tranh.

Cạnh tranh cũng là một nhu cầu tất yếu của hoạt động kinh tế trong cơ chế thị trường, nhằm mục đích chiếm lĩnh thị phần, tiêu thụ được nhiều sản phẩm hàng hoá để đạt được lợi nhuận cao nhất. Câu nói cửa miệng của nhiều người hiện nay "thương trường như chiến trường", phản ánh phần nào tính chất gay gắt khốc liệt đó của thị trường cạnh tranh tự do

3. Vai trò của cạnh tranh kinh tế

Cạnh tranh có vai trò quan trọng trong nền sản xuất hàng hóa nói riêng, và trong lĩnh vực kinh tế nói chung, là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế.

Sự cạnh tranh buộc người sản xuất phải năng động, nhạy bén, nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, tích cực nâng cao tay nghề, thường xuyên cải tiến kỹ thuật, áp dụng những tiến bộ, các nghiên cứu thành công mới nhất vào trong sản xuất, hoàn thiện cách thức tổ chức trong sản xuất, trong quản lý sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Ở đâu thiếu cạnh tranh hoặc có biểu hiện độc quyền thì thường trì trệ và kém phát triển.

Cạnh tranh mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt cho người tiêu dùng. Người sản xuất phải tìm mọi cách để làm ra sản phẩm có chất lượng hơn, đẹp hơn, có chi phí sản xuất rẻ hơn, có tỷ lệ tri thức khoa học, công nghệ trong đó cao hơn... để đáp ứng với thị hiếu của người tiêu dùng.

Cạnh tranh là tiền đề của hệ thống free-enterprise vì càng nhiều doanh nghiệp cạnh tranh với nhau thì sản phẩm hay dịch vụ cung cấp cho khách hàng sẽ càng có chất lượng tốt hơn. Nói cách khác, cạnh tranh sẽ đem đến cho khách hàng giá trị tối ưu đối với những đồng tiền mồ hôi công sức của họ.

Ngoài mặt tích cực, cạnh tranh cũng đem lại những hệ quả không mong muốn về mặt xã hội. Nó làm thay đổi cấu trúc xã hội trên phương diện sở hữu của cải, phân hóa mạnh mẽ giàu nghèo, có những tác động tiêu cực khi cạnh tranh không lành mạnh, dùng các thủ đoạn vi phạm pháp luật hay bất chấp pháp luật. Vì lý do trên cạnh tranh kinh tế bao giờ cũng phải được điều chỉnh bởi các định chế xã hội, sự can thiệp của nhà nước.

Cạnh tranh cũng có những tác động tiêu cực thể hiện ở cạnh tranh không lành mạnh như những hành động vi phạm đạo đức hay vi phạm pháp luật (buôn lậu, trốn thuế, tung tin phá hoại,...) hoặc những hành vi cạnh tranh làm phân hóa giàu nghèo, tổn hại môi trường sinh thái.

Trong xã hội, mỗi con người, xét về tổng thể, vừa là người sản xuất đồng thời cũng là người tiêu dùng, do vậy cạnh tranh thường mang lại nhiều lợi ích hơn cho mọi người và cho cộng đồng, xã hội.

4. Tổng quan về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do được 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 05 nước đối tác của ASEAN là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân ký kết vào ngày 15 tháng 11 năm 2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực.

Hiệp định RCEP được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng lợi ích cho các thành viên tham gia. Việc tham gia ký kết Hiệp định RCEP cũng là một trong những ưu tiên hội nhập của các quốc gia thành viên ASEAN. Theo đó, khối các nước RCEP sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 30% dân số thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Hiệp định RCEP bao gồm 20 Chương và các Phụ lục, bao gồm các quy định và cam kết cụ thể các Chương về Tự do hóa thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, Phòng vệ thương mại, Thương mại dịch vụ, Di chuyển thể nhân, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Doanh nghiệp vừa và nhỏ,… Với việc tham gia Hiệp định RCEP, các nước thành viên sẽ có nhiều cơ hội mới khi tham gia vào thị trường thương mại, đầu tư rộng lớn hơn. Bên cạnh đó cũng là thách thức khi các các bên tham gia thị trường phải cạnh tranh với những đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự và mức độ cạnh tranh mạnh khốc liệt hơn. Để đảm bảo thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và phúc lợi của người tiêu dùng trong khu vực, Hiệp định RCEP đã có những quy định, nghĩa vụ riêng về cạnh tranh tại Chương 13 của Hiệp định.

Chương Cạnh tranh Hiệp định RCEP gồm 09 điều khoản và 04 phụ lục áp dụng loại trừ Điều 13.3 (các biện pháp thích hợp chống lại các hoạt động phản cạnh tranh) và Điều 14 (Hợp tác) của Chương Cạnh tranh đối với Brunei Darussalam, Campuchia, Lào và Myanmar.

5. Các cam kết chính trong Chương Cạnh tranh Hiệp định RCEP

5.1. Mục tiêu

Mục tiêu Chương Cạnh tranh nhằm thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế và phúc lợi của người tiêu dùng thông qua áp dụng, duy trì các luật và quy định để ngăn chặn các hoạt động phản cạnh tranh; cũng như hợp tác khu vực về xây dựng và thực hiện các luật và quy định về cạnh tranh giữa các Bên. Việc đề ra những mục tiêu này nhằm đảm bảo lợi ích của các bên tham gia Hiệp định, bao gồm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa các Bên.

5.2. Các Nguyên tắc Cơ bản về cạnh tranh

Theo đó, quy định mỗi nước thành viên phải thực thi nội dung Chương Cạnh tranh nhất quán với mục tiêu của Chương. Các Bên thừa nhận quyền và nghĩa vụ của mỗi Bên trong Chương này: (a) quyền chủ quyền của mỗi Bên trong việc phát triển, thiết lập, quản lý và thực thi luật, quy định và chính sách cạnh tranh; và (b) sự khác biệt đáng kể giữa các Bên về năng lực và trình độ phát triển trong lĩnh vực luật và chính sách cạnh tranh.

5.3. Quy định về các biện pháp thích hợp chống lại hoạt động phản cạnh tranh

Cụ thể, các nước thành viên RCEP phải thông qua hoặc duy trì các luật và quy định về cạnh tranh để ngăn chặn các hoạt động phản cạnh tranh, và phải thực thi các luật và quy định đó một cách phù hợp; Phải thiết lập hoặc duy trì một hoặc các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện hiệu quả các luật và quy định về cạnh tranh.

Trong quá trình thực thi luật và cơ quan cạnh tranh, các nước thành viên phải đảm bảo tính độc lập trong việc ra quyết định của một hoặc các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc thực thi luật và quy định cạnh tranh. Việc thực thi các quy định pháp luật cạnh tranh tuân theo nguyên tắc không phân biệt đối xử theo quốc gia, áp dụng đối với tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại không phụ thuộc và quyền sở hữu của họ. Việc áp dụng loại trừ hoặc miễn trừ luật và quy định cạnh tranh của các nước thành viên phải minh bạch và dựa trên cơ sở của chính sách công hoặc lợi ích công cộng.

Các Bên phải công bố rộng rãi các luật và quy định về cạnh tranh cũng như bất kỳ hướng dẫn nào được ban hành liên quan đến việc quản lý các luật và quy định đó, ngoại trừ các quy trình vận hành nội bộ. Việc áp dụng và thực thi pháp luật cạnh tranh phải tuân thủ các quy trình và thủ tục tố tụng theo quy định pháp luật.

5.4. Các điều khoản về hợp tác

Các nước thành viên RCEP thừa nhận tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các cơ quan cạnh tranh nhằm thúc đẩy thực thi pháp luật cạnh tranh hiệu quả. Theo đó, cơ quan cạnh tranh trong nguồn lực sẵn có, có thể hợp tác thông qua các hình thức như thông báo, trao đổi thông tin phối hợp trong thực thi.

5.5. Quy định về bảo mật thông tin

Theo đó, Chương Cạnh tranh không yêu cầu một nước thành viên RCEP chia sẻ thông tin trái với luật, quy định và lợi ích quan trọng của Bên đó. Khi một Bên yêu cầu thông tin mật theo Chương này, Bên yêu cầu phải thông báo cho Bên được yêu cầu đầy đủ thông tin về mục đích, dự tính sử dụng và các quy định có thể ảnh hưởng tới tính bảo mật của thông tin. Bên cạnh đó, điều khoản này cũng quy định cụ thể về nghĩa vụ của các bên khi chia sẻ các thông tin bảo mật cho phép.

5.6. Hợp tác kĩ thuật và nâng cao năng lực

Nhằm xây dựng năng lực cần thiết để tăng cường phát triển chính sách cạnh tranh, các nước thành viên RCEP có thể hợp tác, đa phương hoặc song phương dựa trên nguồn lực sẵn có. Các hoạt động hợp tác gồm: chia sẻ kinh nghiệm liên quan và thông tin ngoài thông tin mật về xây dựng và thực hiện chính sách và luật cạnh tranh, trao đổi chuyên gia về luật và chính sách cạnh tranh, trao đổi về cán bộ cơ quan cạnh tranh vì mục đích đào tạo,…

5.7. Quy định về bảo vệ người tiêu dùng

Các nước RCEP công nhận tầm quan trọng của luật bảo vệ người tiêu dùng và việc thực thi luật đó cũng như sự hợp tác giữa các Bên về các vấn đề liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng nhằm đạt được các mục tiêu của Chương này. Mỗi Bên sẽ thông qua hoặc duy trì các luật hoặc quy định để cấm việc sử dụng trong thương mại các hành vi gây hiểu lầm, hoặc mô tả sai lệch hoặc gây hiểu lầm. Đồng thời, mỗi Bên công nhận tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận các cơ chế khắc phục sự cố của người tiêu dùng. Các Bên có thể hợp tác về các vấn đề chung mối quan tâm liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng. Việc hợp tác được thực hiện phù hợp với luật pháp và quy định tương ứng của các Bên và trong phạm vi nguồn lực sẵn có.

5.8. Tham vấn

Để tăng cường sự hiểu biết giữa các nước thành viên hoặc để giải quyết các vấn đề cụ thể phát sinh trong Chương Cạnh tranh, các bên có thể tiến hành tham vấn khi bên yêu cầu chỉ rõ, nếu có liên quan, những ảnh hưởng của vấn đề tới lợi ích quan trọng của quốc gia mình, bao gồm thương mại hoặc đầu tư giữa các Bên liên quan. Bên được yêu cầu sẽ xem xét đầy đủ và thể hiện sự thông cảm tới các lo ngại của Bên yêu cầu.

5.9. Điều khoản giải quyết tranh chấp

Theo đó, các nước thành viên không yêu cầu giải quyết tranh chấp đối với bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong Chương Cạnh tranh.

Tương tự các FTA thế hệ mới khác, Chương Cạnh tranh của Hiệp định RCEP được Việt Nam đàm phán trên cơ sở pháp luật cạnh tranh hiện hành và các pháp luật khác có liên quan. Do vậy, việc thực hiện các cam kết của Chương Cạnh tranh mang tính khả thi cao và cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh tại thị trường Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước cũng như khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thời điểm Hiệp định RCEP có hiệu lực đánh dấu thêm một mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện và chất lượng cao của Việt Nam. Các cam kết về nhiều lĩnh vực quan trọng trong Hiệp định chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa các quốc gia trong khu vực RCEP. Chính vì vậy, doanh nghiệp và cộng đồng cần phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng trong môi trường cạnh tranh, chủ động nắm được các quy định và cam kết về cạnh tranh. Bên cạnh việc nâng cao tính chủ động từ phía doanh nghiệp, luôn có sự đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước để có thể khai thác triệt để hiệu quả những lợi thế mà Hiệp định RCEP mang lại.

6. Một số khái niệm, câu hỏi thường gặp về cạnh tranh

6.1 Khái niệm về Cạnh tranh tự do?

Cạnh tranh tự do hay cạnh tranh hoàn hảo là loại cạnh tranh theo các quy luật của thị trường mà không có sự can thiệp của các chủ thể khác. Giá cả của sản phẩm được quyết định bởi quy luật cung cầu trên thị trường. Cung nhiều cầu ít sẽ dẫn đến giá giảm, cung ít cầu nhiều sẽ dẫn đến giá tăng.

6.2 Cạnh tranh lành mạnh được hiểu ra sao?

Cạnh tranh lành mạnh là loại cạnh tranh theo đúng quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh. Cạnh tranh có tính chất thi đua, thông qua đó mỗi chủ thể nâng cao năng lực của chính mình mà không dùng thủ đoạn triệt hạ đối thủ. Phương châm của cạnh tranh lành mạnh là "không cần phải thổi tắt ngọn nến của người khác để mình tỏa sáng".

Có thể thấy, kinh doanh như một cuộc chơi nhưng không giống như chơi thể thao, chơi bài hay chơi cờ, khi mà phải luôn có kẻ thua – người thắng (lose – win); trong kinh doanh, thành công của doanh nghiệp không nhất thiết đòi hỏi phải có những kẻ thua cuộc. Thực tế là hầu hết các doanh nghiệp chỉ thành công khi những người khác thành công (sự "cộng sinh của hai bên"). Đây là sự thành công cho cả đôi bên nhiều hơn là cạnh tranh làm hại lẫn nhau. Tình huống này được gọi là "cùng thắng" (win – win).

Ở Việt Nam có câu "buôn có bạn, bán có phường" có nghĩa là không nhất thiết các doanh nghiệp cạnh tranh cùng một mặt hàng phải sống chết với nhau mà thông thường phải liên kết với nhau thành các phố kinh doanh cùng một mặt hàng như phố hàng trống, hàng mã….

6.3 Cạnh tranh không lành mạnh được hiểu ra sao?

Cạnh tranh không lành mạnh là tất cả những hành động trong hoạt động kinh tế trái với đạo đức nhằm làm hại các đối thủ kinh doanh hoặc khách hàng. Và cũng gần như sẽ không có người thắng nếu việc kinh doanh được tiến hành giống như một cuộc chiến. Cạnh tranh khốc liệt mang tính tiêu diệt chỉ dẫn đến một hậu quả thường thấy sau các cuộc cạnh tranh khốc liệt là sự sụt giảm mức lợi nhuận ở khắp mọi nơi.

Trong giai đoạn đầu của kỷ nguyên công nghiệp, các công ty, doanh nghiệp thường xuyên phải cạnh tranh khốc liệt trong tình huống đối đầu để duy trì sự phát triển và gia tăng lợi nhuận. Do đó các nhà kinh doanh cho rằng cạnh tranh thuộc phạm trù tư bản nên quan điểm về cạnh tranh trước kia được hầu hết các nhà kinh doanh đều nhầm tưởng "cạnh tranh" với nghĩa đơn thuần theo kiểu "thương trường là chiến trường".

Mục đích của nhà kinh doanh là luôn luôn mang lại những điều có lợi cho doanh nghiệp mình. Đôi khi đó là sự trả giá của người khác. Đây là tình huống "cùng thua" (lose – lose). Không ít cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn sử dụng những chiêu thức "đen" nhằm hạ thấp và loại trừ các doanh nghiệp hoạt động trên cùng một lĩnh vực ngành nghề để độc chiếm thị trường.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!