Số định danh cá nhân có phải là số Căn cước công dân hay không?

Số định danh cá nhân và số căn cước công dân có là một không là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc. Sau đây, Luật Hòa Nhựt sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này cho quý bạn đọc hiểu và làm rõ hơn.

1. Quy định pháp luật về số định danh cá nhân

Mã số định danh cá nhân theo quy định tại Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP là dãy số tự nhiên được bảo mật hoàn toàn gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 chữ số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Số định danh cá nhân được tạo ra sau khi thông tin về công dân được thu thập vào hệ thống một cách đồng bộ, do Bộ Công an cấp để xác định dữ liệu thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Mỗi người là một mã khác nhau, không ai giống ai, không thay đổi trong suốt cuộc đời và được sử dụng từ khi đăng ký khai sinh cho đến khi chết đi. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp các thông tin cơ bản về toàn bộ công dân Việt Nam được chuẩn hoá, số hoá, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đây được coi là số gốc để tìm kiếm thông tin chính xác cho bất kì công dân nào trong cơ sở dữ liệu quốc gia và dân cư, đảm bảo cho hoạt động quản lý của các ngành, lĩnh vực được hiệu quả hơn; đồng thời còn được sử dụng để thông tin cá nhân trong các cơ sở dữ liệu có mối liên kết chặt chẽ, góp phần tăng cường sự thống nhất về dữ liệu thông tin.

Trong mã số định danh cá nhân sẽ tích hợp rất nhiều thông tin của một công dân bao gồm họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh, dân tộc, quê quán, quốc tịch, thông tin của các thành viên trong gia đình...Có thể nói, nó được dùng làm căn cứ để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác một cách đúng pháp luật nhất.

Với trường hợp công dân đăng ký khai sinh, cơ quan đăng ký hộ tịch phải chuyển thông tin của người được đăng ký khai sinh cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm mã số định danh khi đã nhận đủ các giấy tờ để đăng kí khai sinh. Với trường hợp công dân đã đăng ký khai sinh nhưng vẫn chưa được cấp số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bắt đầu xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo đúng như thông tin hiện có trên cơ sở dữ liệu. Sau đó, cơ quan quản lý gửi văn bản thông báo cho công dân ngay sau khi tạo xong mã số định danh. Cơ quan quản lý sẽ làm lại số định danh cho công dân khi công dân muốn xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh và đã có số định danh.

2. Quy định pháp luật về căn cước công dân

Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định. Theo đó thì thẻ căn cước công dân được coi là giấy tờ tuỳ thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về lai lịch, nhân dạng của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. 

Hiện nay, công dân Việt Nam chỉ được cấp thẻ Căn cước công dân trong trường hợp công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú. Căn cứ để tính xem một người đang bao nhiêu tuổi là dựa vào ngày, tháng, năm sinh của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu như công dân chưa có thông tin về ngày, tháng, năm sinh trong cơ sở dữ liệu về dân cư mà muốn biết số tuổi thì phải dựa vào giấy khai sinh bản chính hoặc sổ hộ khẩu thì mới xác định đúng nhất ngày, tháng, năm sinh của người đó.

Công dân có quyền được cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân theo quy định pháp luật nhưng số trên thẻ căn cước là không đổi. Số thẻ căn cước công dân là số tồn tại duy nhất mà công dân đó được cơ quan có thẩm quyền cấp. Trong trường hợp, công dân chuyển nơi đăng ký thường trú sang các tỉnh, thành phố khác để sinh sống thì dãy số này cũng sẽ không bị thay đổi.

Thẻ căn cước công dân bao gồm các nội dung sau đây :

+ Đầu tiên, mặt trước của thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có các dòng chữ lần lượt là : Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, Căn cước công dân; bên cạnh đó là thông tin về ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú của người được cấp thẻ, ngày, tháng, năm hết hạn của thẻ căn cước.

+ Mặt sau của thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hoá; vân tay, đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

3. Số định danh cá nhân có phải là số căn cước công dân hay không ?

Pháp luật tại khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân năm 2014 khẳng định rằng số định danh cá nhân chính là số thẻ căn cước công dân. Cũng đồng tình với quy định này thì Điều 5 của Thông tư 59/2021/TT-BCA nêu lên rằng vai trò và ý nghĩa của số định danh cá nhân và số thẻ căn cước công dân là như nhau. Cụ thể :

+ Số căn cước công dân, số định danh cá nhân đã có trong Giấy khai sinh của công dân thì sẽ được xác định luôn là số định danh cá nhân của công dân đó.

+ Giấy khai sinh đã có số định danh cá nhân thì sẽ sử dụng thông tin về số căn cước công dân, số định danh cá nhân trong giấy khai sinh và các thông tin trên thẻ Căn cước công dân, giấy khai sinh để tiến hành các giao dịch với các cơ quan, tổ chức, các nhân có liên quan.

Có nghĩa là mã định danh là số thẻ hiện trên dãy số trên căn cước công dân đối với những công dân đã có căn cước công dân. Còn đối với những công dân chưa có căn cước công dân thì mã số định danh chính là mã số được cấp và ghi trên giấy khai sinh. Như vậy, khi một công dân đủ 14 tuổi, cũng chính là đã độ tuổi đủ để làm căn cước công dân thì mã số này chính là số căn cước công dân. Đối với trẻ em thì mã số định danh được in trực tiếp trên giấy khai sinh và thường gọi là mã khai sinh.

Hiện nay, nhà nước đang triển khai và áp dụng chính sách dựa trên mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế cho sổ hộ khẩu, thay thế một số loại giấy tờ liên quan đến thân nhân của công dân như thẻ căn cước công dân, hộ chiếu...Bên cạnh đó, mã số định danh cũng có thể thay thế các giấy tờ để thực hiện các giao dịch hành chính công liên quan đến nhà ở, kinh doanh bất động sản; hoặc đăng kí tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như bảo hiểm y tế, đăng  ký xe, giấy phép lái xe. Ngoài ra, khi công dân được cấp mã số định danh cá nhân thì theo quy định tại Khoản 7 Điều 35 Luật Quản lý thuế năm 2019, mã số định danh cá nhân lúc này được thay thế cho mã số thuế.

Trên đây là toàn bộ thông tin về vấn đề Số định danh cá nhân có phải là số căn cước công dân hay không? mà Luật Minh Khuê muốn gửi tới quý khách hàng. Ngoài ra, quý khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết Thủ tục cấp mã định danh cá nhân nhanh nhất để hiểu rõ hơn. Nếu có bất kì thắc mắc hay gặp bất kì vấn đề pháp lý nào cần giải đáp, quý khách vui lòng liên hệ tới bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số điện thoại: 1900.868644 hoặc gửi yêu cầu trực tiếp tới địa chỉ email: [email protected] để được hỗ trợ nhanh chóng. Rất cảm ơn và mong nhận được sự hợp tác của quý khách. Trân trọng !