Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân?

Trên thực tế hiện nay có nhiều cặp vợ chồng muốn dược chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bởi vợ chồng có mẫu thuẫn trong quản lý tài chính hoặc nhiều lý do khác. Vậy thời điểm nào được coi là thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân?

1. Quyền, nghĩa vụ khi phân chia tài sản chung của vợ chồng với bên thứ ba

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định định:

- Thỏa thuận của vợ chồng không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba.

 Điều này có nghĩa là, trước khi thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ, chồng có quyền tài sản, nghĩa vụ tài sản như thế nào với chủ thể thứ ba khác thì sau việc phân chia, những quyền và nghĩa vụ đó vẫn giữ nguyên không thay đổi. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, giá trị pháp lý của thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ không làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của quyền, nghĩa vụ tài sản giữa vợ, chồng với bên thứ ba đã phát sinh trước thời điểm thỏa thuận phân chia có hiệu lực.

Khi giao dịch tài sản với vợ, chồng, bên thứ ba không có nghĩa vụ phải dự đoán vợ chồng sẽ tiến hành phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân dẫn đến những thay đổi về khả năng thực hiện quyền, nghĩa vụ tài sản.

Pháp luật một mặt đảm bảo vợ, chồng có quyền tự do định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của mình (vợ, chồng không cần sự đồng ý hay giám sát từ bên thứ ba mà mình có nghĩa vụ tài sản để tiến hành chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân); mặt khác yêu cầu vợ, chồng không gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba do việc phân chia tài sản chung. Bởi lẽ, theo nguyên tắc chung, chủ sở hữu tự do thực hiện quyền đối với tài sản trong khuôn khổ pháp luật và không xâm phạm đến lợi ích của chủ thể khác. Khi tiến hành chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, giá trị tài sản mà mỗi bên vợ, chồng sở hữu đã thay đổi, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ tài sản với bên thứ ba. Trách nhiệm của vợ, chồng khi phân chia tài sản chung là phải đảm bảo khả năng thanh toán cho những người mà mình có nghĩa vụ tài sản.

Như vậy, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã cơ cấu lại thành phần thực tế tài sản chung - riêng của vợ chồng. Cụ thể, khối tài sản riêng của mỗi bên sẽ tăng lên tức thời vì có thêm các tài sản được chia và tiếp tục tăng nhanh hơn nhờ hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trước đó và tài sản được chia. Song song đó, khối tài sản chung không chỉ bị giảm đi ở hiện tại mà trong tương lai cũng bị hạn chế khả năng phát triển do mất đi nguồn bổ sung đáng kể từ hoa lợi, lợi tức.

Chế độ tài sản của vợ chồng vẫn là chế độ tài sản pháp định, chỉ khác là những quy định đặc biệt được áp dụng làm thay đổi hình thức sở hữu của một số loại tài sản, thay vì nhập vào tài sản chung thì bây giờ thuộc sở hữu riêng của một bên. Đồng thời, việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân sẽ không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ, chồng đối với bên thứ ba phát sinh trước khi tiến hành phân chia.

2. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân?

Theo Điều 39 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:

- Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.

- Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.

- Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

-  Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy căn cứ theo quy định nêu trên thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp, cụ thể:

- Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.

- Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.

- Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

3. Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định về phân chia tài sản chung

Thông thường, những nghĩa vụ phát sinh từ tài sản riêng, không phân biệt tài sản riêng hình thành trước hay sau khi chia tài sản chung, đều là nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng. Tuy nhiên, nếu hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng đó là nghĩa vụ chung hay nói cách khác sẽ dùng tài sản chung của vợ chồng để thực hiện. Quy định này đương nhiên phù hợp trong bối cảnh hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là tài sản chung của vợ chồng. Nhưng khi xảy ra việc phân chia tài sản chung, hoa lợi, lợi tức nói trên trở thành tài sản riêng của một bên thì việc dùng tài sản chung để bảo quản tài sản riêng, duy trì hay tu sửa tài sản riêng là không hợp lý.

Bên cạnh đó, việc chuyển hình thức sở hữu từ chung sang riêng đối với hoa lợi, lợi tức là nguồn sống duy nhất của gia đình có thể đe doạ đến lợi ích gia đình do một bên được toàn quyền sử dụng “nguồn sống duy nhất của gia đình” cho những mục đích cá nhân. Mặc dù khoản 2 Điều 30 Luật Hôn nhân gia đình 2014 đã quy định trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên nhưng rõ ràng việc phải trông chờ sự đóng góp từ một phía sẽ đặt bên còn lại và cả gia đình vào tình thế bị động. Hơn nữa, tài sản riêng bỏ ra lúc này chỉ cần đủ dùng cho “nhu cầu thiết yếu” của gia đình. Trong khi đó, nếu như những hoa lợi, lợi tức này là tài sản chung thì do “vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung" nên sẽ có cơ hội thỏa thuận với bên còn lại việc sử dụng tài sản chung để đáp ứng những nhu cầu cao hơn của gia đình và con chung.

Như vậy, nên sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 theo hướng sau: Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng; trừ hoa lợi, lợi tức là nguồn sống duy nhất của gia đình. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân? mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!