1. Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án hình sự được quy định như thế nào?
Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là khoảng thời gian theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 để Tòa án thực hiện các hoạt động tố tụng và các công việc cần thiết khác chuẩn bị cho việc xét xử vụ án tại phiên toà sơ thẩm đạt chất lượng và hiệu quả cao. Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính từ ngày Toàn án thụ lý vụ án. Trong thời hạn này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ, giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên toà. Theo quy định tại Điều 277 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự bao gồm: Thời hạn để Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nghiên cứu hồ sơ và ra một trong những quyết định cần thiết; Thời hạn để Thẩm phán làm những công việc chuẩn bị cho việc mở phiên toà theo quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Thời hạn để Thẩm phán ra một trong các quyết định cần thiết phụ thuộc vào tội phạm mà Viện kiểm sát truy tố đối với bị can là tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Vì thế, khi nhận hồ sơ vụ án do chánh án phân công, Thẩm phán cần lưu ý xác định bị can bị viện kiểm sát truy tố về tội gì, thuộc loại tội phạm nào theo quy định về phân loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Trường hợp vụ án có nhiều bị can bị truy tố về nhiều tội thuộc các loại tội phạm khác nhau thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được xác định trên cơ sở tội phạm có mức độ nghiêm trọng cao nhất. Ví dụ: Vụ án có hai bị can trong đó Nguyễn Văn A bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 (là tội phạm ít nghiêm trọng), Nguyễn Văn B bị truy tố về tội “cướp tài sản” theo khoản 1 điều 168 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 (là tội phạm rất nghiêm trọng) thì thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án được xác định trên cơ sở tội phạm mà Nguyễn Văn B bị truy tố.
Theo khoản 1 Điều 277 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, thời hạn để ra một trong các quyết định cần thiết đối với từng loại tội phạm như sau: đối với tội phạm ít nghiêm trọng là 30 ngày, đối với tội phạm nghiêm trọng là 45 ngày, đối với tội phạm rất nghiêm trọng là 2 tháng và đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 3 tháng. Khi thời hạn nêu trên gần hết (còn lại không quá năm ngày) mà Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà thấy vụ án phức tạp nên chưa ra được một trong những quyết định cần thiết thì phải báo cáo ngay với Chánh án Tòa án để ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. Vụ án phức tạp có thể là: Vụ án có nhiều bị can, phạm tội có tổ chức hoặc phạm nhiều tội; Vụ án liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc nhiều địa phương; Vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu, tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc để tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn…
Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hết thời hạn được gia hạn, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải ra một trong những quyết định quy định tại khoản 1 Điều 277 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Nếu Thẩm phán chủ toạ phiên toà ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử kết thúc vào ngày ra quyết định. Thời hạn chuẩn bị xét xử khi Tòa án nhận lại hồ sơ từ viện kiểm sát (trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung) hoặc Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án được quy định như sau:
+ Đối với trường hợp vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung, thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử;
+ Đối với trường hợp ra quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc quyết định đình chỉ vụ án nhưng sau đó lại có quyết định phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được bắt đầu tính lại, kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án khi lý do tạm đình, đình chỉ vụ án không còn.
Như vậy, thời hạn để Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nghiên cứu hồ sơ và ra một trong những quyết định cần thiết bao gồm thời hạn quy định tại khoản 1 và thời hạn được gia hạn quy định tại khoản 2 Điều 277 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Theo đó, thời hạn để Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nghiên cứu hồ sơ và ra một trong những quyết định cần thiết: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng là 45 ngày (= 30 ngày + 15 ngày); Đối với tội phạm nghiêm trọng là 60 ngày (= 45 ngày + 15 ngày); Đối với tội phạm rất nghiêm trọng là 2 tháng 30 ngày (= 2 tháng + 30 ngày) và đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 3 tháng 30 ngày (= 3 tháng + 30 ngày)
Thời hạn để Thẩm phán làm những công việc chuẩn bị cho việc mở phiên toà tối đa là 30 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 3 Điều 277 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì trường hợp thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên toà trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định; Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên toà trong thời hạn 30 ngày.
2. Một số lưu ý trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án hình sự
Giai đoạn chuẩn bị xét xử là thời gian từ khi Toà án nhận hồ sơ vụ án (thụ vụ án) đến trước ngày khai mạc phiên toà. Trong giai đoạn này Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà phải giải quyết nhiều việc theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Yêu cầu đối với Thẩm phán chủ toạ phiên toà trong giai đoạn này là phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đưa vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nếu như không thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (trả hồ sơ để điều tra bổ sung; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án).
Để đưa vụ án ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, công tác chuẩn bị là rất quan trọng cho việc xét xử tại phiên toà, nếu chuẩn bị tốt thì việc xét xử sẽ đạt kết quả tốt. Công tác chuẩn bị bao gồm: nghiên cứu hồ sơ vụ án; dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên toà; triệu tập những người đến tham dự phiên toà; chuẩn bị đề cương điều khiển phiên toà và đề cương xét hỏi; ra các quyết định trước khi mở phiên toà; dự thảo án văn và các quyết định khác; chuẩn bị những điều kiện vật chất cho việc xét xử.
3. Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi xét xử vụ án hình sự
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên toà phải đọc hết tất cả các tài liệu, không bỏ sót bất cứ một tài liệu nào. Đối với vụ án có nhiều bị cáo, hồ sơ dầy tới hàng nghìn bút lục, được đóng thành nhiều tập khác nhau, dự kiến xét xử nhiều ngày thì cần có sự phân công Thẩm phán chủ toạ phiên toà nghiên cứu những tài liệu nào, còn tài liệu nào giao cho Thẩm phán và Hội thẩm nghiên cứu. Sau đó giữa chủ toạ phiên toà với Thẩm phán và Hội thẩm phải hệ thống lại và lập ra bảng tóm tắt về hành vi của từng bị cáo trong vụ án.
Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, chủ toạ phiên toà không chỉ nghiên cứu nội dung của các tài liệu, mà phải kiểm tra phát hiện xem các tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập về hình thức cũng như nội dung đã đúng với quy định của pháp luật hay không (tính hợp pháp của tài liệu). Để kiểm tra được tính hợp pháp của các tài liệu có trong hồ sơ, đòi hỏi Thẩm phán phải nắm chắc các quy định của pháp luật về việc lập các văn bản cũng như việc sao chép các văn bản. Trong nhiều trường hợp, do tài liệu không bảo đảm tính hợp pháp nên mặc dù bản án hoặc quyết định đúng về nội dung nhưng vẫn có thể bị huỷ theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc thủ tục tái thẩm.
Khi nghiên cứu hồ sơ, cần ghi chép những vấn đề cần thiết (lập tiểu hồ sơ). Việc ghi chép những vấn đề cần thiết khi nghiên cứu hồ sơ cũng là một phương pháp đem lại hiệu quả, bởi vì, dù có trí nhớ tốt, thì cũng không thể thuộc lòng những tình tiết của vụ án đã được thu thập trong hồ sơ. Nhưng ghi chép như thế nào (nhiều hay ít) là do kỹ năng của từng người và phải bảo đảm trình bày được toàn bộ nội dung và các tình tiết có liên quan đến vụ án mà không cần phải có hồ sơ vụ án. (Khi trình bày, có thể nêu một số vấn đề cần ghi chép đối với từng tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được học).
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án hình sự được quy định như thế nào? mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!