>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số: 1900.868644
Trong quá trình xây dựng Luật Cạnh tranh, các Pháp lệnh Chống bán phá giá, Pháp lệnh Chống trợ cấp và Pháp lệnh Tự vệ, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Thương mại đã nhận sự quan tâm và tham gia góp ý của các bộ, ngành quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia từ các trung tâm giảng dạy nghiên cứu pháp luật, các hãng luật trong nước và ngoài nước và toàn thể cộng đồng doanh nghiệp. Sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước và đông đảo các tầng lớp xã hội chính là chìa khóa cho thành công trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm đưa pháp luật đi vào đời sống, thật sự phát huy được tác dụng và hiệu quả. Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành Luật Cạnh tranh, các Pháp lệnh đã khó, việc thực thi hiệu quả để Luật Cạnh tranh đi vào cuộc sống còn khó hơn nhiều, cần có sự nỗ lực từ cả hai phía là các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía Chính phủ và các bộ, ngành, cần triển khai những biện pháp đồng bộ sau:
Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và đông đảo người tiêu dùng về tầm quan trọng và các yêu cầu thực thi Luật Cạnh tranh; các Pháp lệnh Chống bán phá giá, Chống trợ cấp và Tự vệ trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế thông qua quy chế thành viên WTO.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ và các quy định khác theo hướng nhất quán, phù hợp, không ảnh hưởng môi trường cạnh tranh, không ngăn cản các hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.
Kiện toàn cơ cấu tổ chức và đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan thực thi pháp luật... Tại nhiều thành viên của WTO, số lượng người trong các cơ quan chịu trách nhiệm điều tra những vụ việc này lên đến con số hàng trăm người (Hoa Kỳ, Canada, Ấn Ðộ...) trong khi ở nước ta mới chỉ có hơn 20 người. Với công việc còn mới mẻ, đội ngũ nhân sự của Cục Quản lý cạnh tranh chưa có nhiều kinh nghiệm để xử lý và điều tra các vụ việc phức tạp và kéo dài như các cuộc điều tra cạnh tranh, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ. Vì vậy, cần sớm có chính sách nâng cao năng lực và tăng cường nguồn nhân lực cho Cục để hình thành một đội ngũ cán bộ chuyên môn hóa về xử lý các vụ việc về cạnh tranh chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Xây dựng cơ chế phối hợp công tác giữa Bộ Thương mại và các cơ quan ngành, đặc biệt các ngành có cam kết mở cửa khi gia nhập WTO. Trong quá trình thực thi pháp luật về cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, cơ quan điều tra cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ trực tiếp quản lý sản xuất để làm rõ hơn về ngành sản xuất, thực trạng cạnh tranh, các vấn đề mang tính chất chuyên môn, thông lệ kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Việc đào tạo nâng cao năng lực về các biện pháp chống phá giá, chống trợ cấp và tự vệ cho đội ngũ cán bộ làm công tác này là hết sức cần thiết và cấp bách, góp phần tăng cường sự hợp tác và hỗ trợ của các bộ, ngành trong việc thi hành các quy định pháp luật liên quan.
Ðối với các địa phương, cần xây dựng phương án, kế hoạch khả thi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương, phát huy thế mạnh sẵn có, vượt qua những thách thức. Các cơ quan, đơn vị tại địa phương cũng cần tránh ý thức cục bộ, địa phương chủ nghĩa, đưa ra các chủ trương, chính sách thiên vị làm suy yếu sức cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương, tổn hại đến môi trường kinh doanh chung và trái với những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Ðối với cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng:
Việc tìm hiểu và tiếp thu tốt các nội dung và định hướng cơ bản của Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Chống bán phá giá, Pháp lệnh Chống trợ cấp và Pháp lệnh Tự vệ cùng các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chuẩn mực và chất lượng hoạt động của mình. Mặc dù ngăn cấm và xử lý vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh, nhưng các văn bản pháp luật này có nhiệm vụ chính là hướng dẫn doanh nghiệp cách hành xử đúng đắn trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Cạnh tranh lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật sẽ giúp doanh nghiệp lớn mạnh và bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung.
Doanh nghiệp cần nhận thức được đầy đủ và tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu cạnh tranh lành mạnh không chỉ trong nước mà còn tại các thị trường thành viên của WTO, do nguy cơ các vụ kiện thương mại quốc tế ngày càng gia tăng. Cần có những đầu tư nghiêm túc cho các hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, tư vấn pháp lý... nhằm giảm thiểu những rủi ro cho doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là trước những cơ chế phức tạp mà các thành viên khác trong WTO dựng lên thông qua các quy định về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, nhằm bảo hộ cho sản xuất nội địa kém cạnh tranh của họ.
Luật Cạnh tranh và các Pháp lệnh đã cung cấp những công cụ pháp lý cần thiết giúp doanh nghiệp có thể tự bảo vệ mình trước hoạt động trái pháp luật của các đối thủ cạnh tranh trong nước cũng như ngoài nước. Các doanh nghiệp cần sử dụng tốt các công cụ đó để yêu cầu sự can thiệp của công quyền, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mình trên thương trường. Chỉ có doanh nghiệp mới có thể bảo vệ tốt nhất cho chính bản thân mình.
Cần tăng cường liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa các doanh nghiệp với hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý Nhà nước. Do khả năng phối hợp các doanh nghiệp trong số nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam là chưa cao; các hiệp hội ngành hàng chưa phát huy được vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật. Việc tăng cường liên kết, phối hợp có ý nghĩa quan trọng để có thể giúp các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ cần đáp ứng yêu cầu về tư cách đại diện cho ngành sản xuất trong nước.
Ðể điều tra một vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, pháp luật chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đã đưa ra quy định về "tư cách khởi kiện" của ngành sản xuất nội địa Việt Nam. Theo quy định này, bên khởi kiện phải đại diện cho ít nhất 25% khối lượng, trị giá hàng hóa sản xuất trong nước và số nhà sản xuất ủng hộ vụ kiện phải lớn hơn số nhà sản xuất chống lại vụ kiện.
Ðiều đó đã đặt ra một yêu cầu là phải có sự hợp tác, thống nhất hành động của các nhà sản xuất trong nước ủng hộ đơn kiện yêu cầu điều tra để áp dụng các biện pháp nêu trên. Việc đáp ứng đầy đủ, chính xác các điều kiện theo luật định là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp nước ta.
Các doanh nghiệp và hiệp hội cũng cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý cạnh tranh Nhà nước trong việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng về pháp luật và chính sách về cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, tích cực phòng chống các vi phạm pháp luật nhằm xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh và cơ chế kinh tế thị trường phát triển bền vững.
Cạnh tranh là một lĩnh vực rất mới ở Việt Nam, do đó mặc dù đã có những nỗ lực rất lớn công tác soạn thảo, các văn bản pháp luật về cạnh tranh không thể tránh khỏi những bất cập. Trong quá trình thực thi, rất cần cộng đồng doanh nghiệp có những kiến nghị, góp ý bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật. Bộ Thương mại hết sức hoan nghênh và sẵn sàng tiếp thu, sửa đổi kịp thời trong khả năng cho phép.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!