1. Tiêu chuẩn xét thi đua cuối năm danh hiệu "lao động tiên tiến" với giáo viên?
Xin chào công ty Luật Hòa Nhựt. Tôi làm giáo viên ở một trường cấp 2 đã được 10 tháng. Trong đó tôi có thử việc 2 tháng và đã được biên chế. Hiện nay trường có xét thi đua cuối năm danh hiệu" Lao động thi đua tiên tiến "nhưng tôi lại không được xét. Trong qúa trình công tác tại trường tôi hoàn thành tốt công việc được giao. Nhà trường làm như vậy có đúng không?
Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo khoản 1 Điều 24 Luật thi đua khen thưởng sửa đổi, bổ sung năm 2013 có quy định để được xét khen thưởng thi đua tiên tiến cần phải đáp ứng những điều kiện như sau:
Điều 24
1. Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng cho cán bộ, công chức, viên chức đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và chất lượng cao;
b) Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua;
c) Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ;
d) Có đạo đức, lối sống lành mạnh.
Theo khoản 6 Điều 10 Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật thi đua, khen thưởng :" Không xét tặng danh hiệu "Lao động tiên tiến", "Chiến sĩ tiên tiến" đối với các cá nhân mới tuyển dụng dưới 10 tháng; bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên" trường bạn không xét "Lao động tiên tiến" cho bạn là đúng. Mặc dù bạn hoàn thành tốt công việc của bạn theo như nhà trường giao nhưng thời gian của bạn làm việc chính thức ở trường mới được 8 tháng không đủ thời gian theo như luật định để xét thi đua khen thưởng.
2. Công chức có được góp vốn vào doanh nghiệp không?
Thưa luật sư, xin hỏi: Tôi là một công chức, hiện tôi có nhu cầu góp vốn vào một công ty cổ phần nhưng tôi lo rằng vi phạm luật ? Vậy tôi có được phép góp vốn không ?
Xin cảm ơn Luật Hòa Nhựt đã tư vấn!
Luật sư tư vấn:
Điểm b khoản 2 Điều 20 Luật phòng chống tham nhũng quy định về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm: “Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Khoản 4 Điều 20 luật này cũng có quy định:
“4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước. ”
Như vậy, với việc bạn chỉ là công chức bình thường, không thuộc khoản 4 Điều 20 Luật phòng chống tham nhũng 2018 thì bạn có quyền mua cổ phần để trở thành thành viên góp vốn của công ty cổ phần nhưng trong đảm nhiệm vị trí trong hội đồng quản trị hay ban kiểm soát; tham gia với tư cách thành viên góp vốn của công ty hợp danh. Vì khi đó bạn không có quyền quản lý, điều hành công ty, mà chỉ đơn giản là đầu tư để thu về lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp và không vi phạm quy định của pháp luật.
3. Những vấn đề pháp lý liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức?
Chào luật sư, xin luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi đang là cán bộ bán chuyên trách tư pháp 2 tại UBND xã. Nay cán bộ hợp đồng Văn phòng nội vụ thủ quỹ của UBND xã nghỉ sinh 6 tháng. UBND xã giao cho tôi kiêm nhiệm chức danh Văn phòng nội vụ thủy quỹ.
Vậy mức lương kiêm nhiệm chức danh văn phòng của tôi được tính như thế nào ?
Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn
Căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ : Về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cụ thể như sau:
''1. Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tối đa tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có). Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh (kể cả trường hợp Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân), cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20%.....
Như vậy, cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 01 người trong số lượng quy định tối đa tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 92/2009/NĐ-CP, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20% mức lương hiện hưởng.
4. Có được xét đặc cách công chức không?
Chào luật sư: tôi hiện đang là cán bộ hợp đồng không xác định từ tháng 7/2011 đến nay ở phòng y tế thuộc huyện. Phòng tôi hiện có 3 người 2 biên chế 1 hợp đồng, đến tháng 11 năm 2016 có một biên chế xin nghỉ việc, tôi học Y sỹ đa khoa bằng khá hệ trung cấp.
Vậy cho tôi hỏi trường hợp của tôi có được xét đặc cách vào công chức hay không, và nếu có thì thủ tục như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Về điều kiện xét tuyển đặc cách công chức được quy định tại Điều 14 Nghị định 29/2012/NĐ-CP và Điều 7 Thông tư 15/2012/TT-BNV quy định về điều kiện được đặc cách thi tuyển công chức như sau:
Điều 14. Xét tuyển đặc cách
1. Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển quy định tại Điều 4 Nghị định này và yêu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức xem xét, quyết định xét tuyển đặc cách không theo trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức quy định tại Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Mục 4 Chương này đối với các trường hợp sau:
a) Người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 03 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng;
b) Những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và ngoài nước, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng, trừ các trường hợp mà vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp cần tuyển dụng yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ;
c) Những người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, các ngành nghề truyền thống.....
Điều 7.Điều kiện xét tuyển đặc cách
1. Căn cứ nhu cầu công việc, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xét tuyển đặc cách không theo trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức quy định tại Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP đối với các trường hợp sau:
a) Người có kinh nghiệm công tác theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP hiện đang công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển; có thời gian liên tục từ đủ 36 tháng trở lên thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển (không kể thời gian tập sự, thử việc); trong thời gian công tác không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.......
Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn là cán bộ hợp đồng không xác định từ tháng 7/2011 nên bạn đáp ứng được đủ 36 tháng theo như quy định trên để có thể được xét tuyển đặc cách mà không cần phải thi tuyển.
Tôi hiện tại đang là công chức, công tác tại sở văn hóa thể thao và du lịch Trà Vinh nay tôi muốn chuyển công tác về giảng dạy tại trường trung học phổ thông Long Hiệp. Nên tôi muốn biết phải làm các thủ tục gì để xin chuyển công tác. Do di công tác xa nhà nên muốn được về công tác gần gia đình vợ con. Xin cảm ơn!
Khoản 10 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 của Quốc hội quy định: "10. Điều động là việc cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác."
Căn cứ Điều 50 Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định về điều động công chức như sau:
''1. Việc điều động công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.
2. Công chức được điều động phải đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm mới.''
Điều 35 Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định điều động công chức: Việc điều động công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
- Theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể;
- Chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật;
- Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều động, luân chuyển, biệt phái công chức thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định 24/2010/NĐ-CP như sau:
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân công, phân cấp quản lý công chức quyết định việc điều động, luân chuyển, biệt phái công chức.
- Trình tự, thủ tục điều động, luân chuyển, biệt phái công chức thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn, việc bạn chuyển công tác phải được sự đồng ý của Chủ tịch ủy ban nhân dân xã nơi bạn đang làm việc và bạn phải đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm mới và được người đứng đầu đơn vị bạn muốn chuyển công tác đến đồng ý.
5. Có nên xử lý kỷ luật đối với công chức ?
Tôi là một công chức của một cơ quan cấp sở thuộc UBND thành phố Hà Nội, tôi muốn luật sư giúp đỡ cụ thể như sau: Cuối tháng 6/2015, khi tôi đi công tác về đến phòng làm việc tại cơ quan thì có ông Phó Văn phòng cơ quan dẫn một người tôi không biết là ai, họ không đọc quyết định, không đưa ra bất cứ một thứ giấy tờ gì, tự khởi động và kiểm tra toàn bộ dữ liệu máy vi tính tôi đang quản lý sử dụng.
Sau mấy tiếng không phát hiện gì bất thường, tôi có ký biên bản trong biên bản họ có ghi “ …vỏ máy tính có dấu hiệu cạy mở (không có dấu vết tem niêm phong của hãng nào, hệ điều hành mới cài đặt lại…). Buổi sáng hôm sau, đến cơ quan, tôi phát hiện mất cây máy tính do tôi đang quản lý sử dụng, ngay lập tức tôi đã làm đơn trình báo mất tài sản gửi thủ trưởng cơ quan. Mấy ngày sau tôi mới biết thông tin, máy vi tính tôi đang quản lý sử dụng bị một số cá nhân niêm phong, lấy khỏi phòng làm việc, ngoài giờ hành chính (họ không trao cho tôi bất cứ một văn bản gì). Tôi đã có đơn kiến nghị gửi thủ trưởng cơ quan đề nghị trả lại nguyên trạng vị trí ban đầu để tôi làm việc; trong quá trình chờ giải quyết tôi sẽ dùng máy vi tính cá nhân để làm việc . Tuy nhiên cơ quan không giải quyết đơn của tôi, liên tục bắt tôi làm giải trình, tôi đã giải trình bằng văn bản đúng sự việc. Một tháng sau, tôi được mời và biết buổi làm việc ngoài các thành phần ở cơ quan còn có 6 người ở Công an Thành phố. Thủ trưởng cơ quan tôi tuyên bố buổi làm việc là kiểm tra máy vi tính của tôi và đề nghị Văn phòng đóng chặt tất cả cửa ra vào đến khi nào kiểm tra xong .
Tôi đã trình bày diễn biễn sự việc, máy vi tính tôi đang quản lý sử dụng bị lấy đi buổi tối, ngoài giờ hành chính, không có tôi chứng kiến, máy tính đang được kiểm tra không phải máy tính tôi quản lý. Vì vậy tôi xin phép không chứng kiến việc mở niêm phong kiểm tra máy tính và về phòng tiếp tục làm việc chuyên môn. Cuối năm 2015, họ đánh giá phân loại công chức năm 2015 đối với tôi loại: hoàn thành nhiệm vụ năng lực hạn chế. Tôi làm đơn khiếu nại, họ trả lời bằng hình thức công văn là không thụ lý giải quyết đơn vì đây là hoạt động chỉ đạo điều hành trong nội bộ cơ quan nhà nước. Từ đó đến nay, tôi vẫn dùng máy vi tinh cá nhân để làm việc. Tháng 9/2016, sau 15 tháng không giải quyết đơn trình báo mất tài sản, họ ép tôi nhận một máy vi tính mới và ra thông báo xem xét xử lý kỷ luật công chức đối với tôi để kỷ luật tôi với hành vi: “không chấp hành chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan về nhận máy vi tính để làm việc” ?
Tôi xin nhờ luật sư giúp đỡ tôi trong trường hợp này. Trân trọng./.
Trả lời:
Theo thông tin bạn cung cấp thì chúng tôi xin giải đáp như sau:
Thứ nhất, về việc kiểm tra máy tính của bạn có hai trường hợp xảy ra đó là kiểm tra máy tính định kỳ hoặc máy tính của bạn có liên quan đến vụ án hình sự cần khám xét. Tuy nhiên, việc kiểm tra máy tính định kỳ sẽ được thực hiện theo thời gian nhất định và sẽ kiểm tra tất cả các trang thiết bị trong cơ quan nên có thể loại trừ trường hợp này. Vậy khả năng lớn máy tính do bạn quản lý và sử dụng có liên quan tới vụ án hình sự.
Căn cứ vào khoản 2, khoản 5 Điều 143 luật tố tụng hình sự năm 2015:
"2. Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến.
5. Khi tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi vơi nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong."
Hành vi kiểm tra máy tính của bạn là trái pháp luật vì khi đó tuy có mặt bạn và có đại diện là Phó văn phòng cơ quan nhưng lại không ghi lý do vào biên bản.
Thứ hai, việc thu giữ máy tính do bạn quản lý và sử dụng
Căn cứ vào Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự thì :
"Khi khám xét, Điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trong trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành trước mặt chủ đồ vật hoặc đại diện gia đình, đại diện chính quyền và người chứng kiến.
Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu khi tiến hành khám xét phải được lập biên bản. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản: một bản giao cho người chủ đồ vật, tài liệu; một bản đưa vào hồ sơ vụ án; một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ."
Hành vi thu giữ máy tính trên cũng làm trái với qui định của pháp luật do không lập biên bản và không giao cho bạn.
Thứ ba, về việc xử lý kỷ luật công chức
Căn cứ vào Điều 3 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP Về xử lý kỷ luật đối với công chức :
" Điều 3. Các hành vi bị xử lý kỷ luật
1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ; những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức.
2. Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.
3. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự."
Hành vi không nhận máy vi tính của bạn có lý do chính đáng nên sẽ không thuộc các hành vi bị xử lý kỷ luật.
Hướng giải quyết
Đối với hai hành vi kiểm tra và thu giữ máy tính trái luật bạn có thể tố cáo lên cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý người bị tố cáo theo qui định của Luật cố cáo 2018 số 25/2018/QH14.
Đối với hành vi xử lý kỷ luật, theo Điều 21 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP về Quy định về xử lý vi phạm kỷ luật đối với công chức, bạn có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Trên đây là thư tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!