1. Đối tượng có quyền khiếu nại vụ việc cạnh tranh
Ở nước ta hiện nay, quyền khiếu nại về hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh của tổ chức, cá nhân được nghi nhận tại Điều 77 Luật Cạnh tranh 2018 với nội dung: “Tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh (sau đây gọi chung là bên khiếu nại) có quyền khiếu nại đến Ủy ban Cạnh tranh quốc gia”.
Theo đó “chỉ những tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích hợp pháp trực tiếp bị xâm hại thì mới có quyền khiếu nại”. Như vậy quy định này đã làm hạn chế khả năng khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người tiêu dùng, doanh nghiệp khi không chứng minh được quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại trực tiếp, hay nói cách khác là bị xâm hại một cách gián tiếp. Theo đó cần bổ sung thêm quy định về “tố cáo”, “cung cấp thông tin” hoặc sửa đổi theo hướng mở rộng chủ thể có quyền khiếu nại, tố cáo, cung cấp thông tin, không chỉ bao gồm những người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại trực tiếp, mà còn bao gồm cả những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, không đòi hỏi chủ thể đó phải chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại. Họ có quyền khiếu nại khi nhận thấy có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật cạnh tranh.
Đơn khiếu nại của tổ chức, cá nhân khi đảm bảo đủ các điều kiện và được cơ quan cạnh tranh (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia) thụ lý theo thẩm quyền sẽ trở thành một trong hai căn cứ pháp lý để thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh được mở ra. Theo quy định của Điều 80 Luật Cạnh tranh năm 2018, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh trong trường hợp việc khiếu nại vụ việc cạnh tranh đã đáp ứng yêu cầu theo quy định và được thụ lý (không thuộc trường hợp bị trả lại hồ sơ khiếu nại).
2. Nghĩa vụ chứng minh theo quy định của Luật Cạnh tranh
Điều 77 Luật Cạnh tranh 2018 quy định, bên khiếu nại có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm. Bên khiếu nại phải nộp kèm Hồ sơ khiếu nại chứng cứ để chứng minh các nội dung khiếu nại là có căn cứ và hợp pháp cùng các thông tin, chứng cứ liên quan khác mà bên khiếu nại cho rằng cần thiết để giải quyết vụ việc. Như vậy, nghĩa vụ chứng minh của bên khiếu nại được áp dụng chung cho cả vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, vụ việc hạn chế cạnh tranh và vụ việc vi phạm các quy định về tập trung kinh tế.
- Xuất phát từ vai trò của pháp luật cạnh tranh là để kiểm soát các hành vi xâm hại môi trường cạnh tranh và thông qua đó bảo vệ và duy trì cạnh tranh. Điều đó có nghĩa, Luật Cạnh tranh là luật công, để bảo vệ trật tự công và các quan hệ công, nên phải được thực thi trên cơ sở nguyên tắc để bảo vệ môi trường cạnh tranh nói chung mà không phải là để bảo vệ bất kỳ doanh nghiệp nào. Do đó, nếu có bất kỳ một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào khiếu nại hay phản ánh về hành vi vi phạm, trên cơ sở đó Cơ quan cạnh tranh quyết định điều tra thì cũng không phải để bảo vệ bất kỳ bên nào, mà trên hết là để bảo vệ cạnh tranh. Nếu cơ quan cạnh tranh trong quá chú trọng vào việc bảo vệ một bên nào đó thì ở một chừng mực nào đó là sai hoặc đi chệch với định hướng và mục tiêu của pháp luật cạnh tranh.
- Trong các vụ việc cạnh tranh, việc phân tích cạnh tranh rất khó khăn, đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ cao và hệ thống dữ liệu ngành đầy đủ, đồng bộ, vì vậy, cơ quan cạnh tranh phải là người chủ động tìm hiểu, thu thập thông tin và tiến hành điều tra vụ việc thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Nói cách khác, bên khiếu nại chỉ cần đưa ra căn cứ khiếu nại, còn nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan cạnh tranh.
- Trong các vụ việc cạnh tranh phải sử dụng nhiều loại chứng cứ khác nhau, trong đó, có những chứng cứ bên khiếu nại khó có thể thu thập được, ví dụ như số liệu về doanh thu, doanh số, thị phần của doanh nghiệp khác trên thị trường.
- Xuất phát từ tính chất nghiêm trọng của một số hành vi lạm dụng. Trong số các hành vi thỏa thuận và lạm dụng có những dạng hành vi được nhiều quốc gia xác định mang bản chất phản cạnh tranh và bị điều tra, xử lý theo nguyên tắc vi phạm mặc nhiên. Vì vậy, cần sự chủ động của cơ quan cạnh tranh vào cuộc để điều tra xử lý khi có thông tin về hành vi vi phạm mà không cần doanh nghiệp phải khiếu nại và chứng minh.
- Nghĩa vụ chứng minh đang trở thành rào cản, không khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng tố giác hành vi vi phạm. việc quy định các điều kiên, thủ tục khiếu nại, nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ cho bên khiếu nại sẽ làm cho các doanh nghiệp không còn mặn mà với việc khiếu nại, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, điều mà đáng phải được tuyên truyền, khuyến khích một cách rộng rãi trong cộng đồng xã hội.
- Nghĩa vụ chứng minh một số yếu tố, chẳng hạn như thị trường liên quan, thị phần là rất phức tạp, khó đáp ứng dẫn đến việc doanh nghiệp thường né tránh khiếu nại và tìm cách thỏa hiệp, tự giải quyết vụ việc.
- Điều nguy hại hơn cả là việc quy định các điều kiện, thủ tục khiếu nại, nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ của bên khiếu nại như trên sẽ làm cho cơ quan cạnh tranh có cơ sở, lý do để ỷ lại và ngày càng trở nên trì trệ. Chỉ khi nào cơ quan cạnh tranh nhận được các thông tin khiếu nại, phản ánh từ cộng đồng, từ các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả chính danh hoặc ẩn danh, phải chịu sức ép từ việc sàng lọc, giải quyết những khiếu nại, thông tin phản ánh đó, và đặc biệt vượt qua được sức ép thì lúc đó cơ quan cạnh tranh mới có thể trưởng thành, mới có thể trở thành cơ quan có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trong mắt doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Khi đó cơ quan cạnh tranh mới có thể trở thành cơ quan có tai mắt, giám sát, phát hiện để điều tra và xử lý đối với các hành vi phản cạnh tranh trên thị trường, mới có thể trở thành “watchdog” giống như thuật ngữ vẫn được dùng để ám chỉ cho cơ quan cạnh tranh.
3. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí xử lý vụ việc
Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án, trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án theo quy định của Nghị quyết này.
Khoản 3 Điều 59 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định: “Bên khiếu nại phải nộp tiền tạm ứng chi phí cho việc xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật”. Tiếp đó, Điều 47 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP quy định: “sau khi nhận hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh đầy đủ, hợp lệ, cơ quan quản lý cạnh tranh phải thông báo ngay cho bên khiếu nại nộp tiền tạm ứng chi phí xử lý vụ việc cạnh tranh… Cơ quan quản lý cạnh tranh chỉ thụ lý hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh sau khi nhận được biên lại nộp tiền tám ứng chi phí xử lý vụ việc cạnh tranh…”.
Mặc dù quy định nêu trên được đưa ra là nhằm ràng buộc trách nhiệm của bên khiếu nại, tránh khiếu nại vô căn cứ, đồng thời bảo đảm kinh phí điều tra, xử lý vụ việc. Tuy nhiên, quy định này cũng có điểm chưa phù hợp, do: Trong vụ việc cạnh tranh, việc khiếu nại không làm phát sinh nghĩa vụ tài chính cho người khiếu nại về hành vi vi phạm pháp luật; Yêu cầu nộp tạm ứng phí xử lý vụ việc cạnh tranh là rào cản, khiến thu hẹp đối tượng khiếu nại cũng như hạn chế cơ quan cạnh tranh tiếp cận với các nguồn thông tin quan trọng về các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh. Do vậy, cần xem xét bãi bỏ quy định về nghĩa vụ tạm ứng chi phí xử lý vụ việc theo hướng phù hợp hơn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu vi phạm.
4. Về thời hiệu khiếu nại vụ việc cạnh tranh
4.1. Thời hiệu khiếu nại
K2 Điều 77 Luật Cạnh tranh năm 2018 "Thời hiệu khiếu nại là 03 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện"
Việc Luật Cạnh tranh năm 2018 xác định thời hiệu khiếu lại là 3 năm nhưng áp dụng chung cho cả vụ việc cạnh tranh không lành mạnh và vụ việc hạn chế cạnh tranh được coi là chưa phù hợp với đặc trưng của các vụ việc hạn chế cạnh tranh và thông lệ quốc tế.
Đặc trưng của các hành vi hạn chế cạnh tranh thường diễn ra kéo dài, liên tục. Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thường có xu hướng được “che giấu” nhằm tránh bị xử lý bởi cơ quan có thẩm quyền nên rất khó bị phát hiện và chứng minh. Trong khi đó, do khả năng tác động xấu và phạm vi ảnh hưởng rộng đến trật tự cạnh tranh trong nền kinh tế, nên yêu cầu đối với cơ quan cạnh tranh trong việc điều tra, xử lý những hành vi này lại rất lớn. Kinh nghiệm thực thi pháp luật chống hạn chế cạnh tranh trên thế giới đã cho thấy có những hành vi gây hạn chế cạnh tranh (đặc biệt là hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh) kéo dài từ 5 - 10 năm, thậm chí, có trường hợp kéo dài đến 40 năm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định thời hiệu khiếu nại chung cho các loại vụ việc cạnh tranh (bao gồm vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, vụ việc hạn chế cạnh tranh và vụ việc vi phạm các quy định về tập trung kinh tế) là không phù hợp với tính chất của các loại vụ việc này và có thể chính cách quy định như vậy đã dẫn đến hệ quả là thời hiệu dành cho vụ việc hạn chế cạnh tranh quá ngắn. Đa số các hành vi cạnh tranh không lành mạnh xâm phạm và gây thiệt hại một cách trực tiếp cho một đối thủ cạnh tranh cụ thể nào đó, có thể xác định được (ví dụ: như hành vi dèm pha, bôi nhọ, chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh…), do đó, về nguyên tắc, pháp luật cạnh tranh không lành mạnh được xây dựng theo thiên hướng “luật tư”. Ngược lại, các hành vi hạn chế cạnh tranh xâm hại tới môi trường cạnh tranh, trật tự nền kinh tế và người tiêu dùng nói chung, do đó, được điều chỉnh theo nguyên tắc và yêu cầu của “luật công” (tất nhiên, sự phân biệt giữa “luật công” hay “luật tư” ở đây chỉ có ý tương đối). Do đó, thời hiệu để khiếu nại hay điều tra một vụ việc hạn chế cạnh tranh không thể quy định chung với thời hiệu của một vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.
4.2. Về cách tính thời hiệu khiếu nại
Hành vi vi phạm luật cạnh tranh nói chung thường có đặc tính là kéo dài, lặp đi, lặp lại, vì vậy, thời hiệu sẽ được bắt đầu tính từ thời điểm hành vi vi phạm cuối cùng diễn ra. Trên thực tế, sẽ xảy ra trường hợp hành vi vi phạm đã diễn ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện và khi phát hiện thì thời hiệu khiếu nại đã hết nhưng những tác động xấu, bất lợi cho môi trường cạnh tranh hay những thiệt hại mà hành vi đó gây ra hoặc có thể gây ra cho đối thủ cạnh tranh và người tiêu dùng vẫn còn tồn tại thì việc điều tra, xử lý cũng không thể diễn ra. Vấn đề này sẽ không có gì phải bàn cãi trong trường hợp đây là một thủ tục tố tụng được thiết kế nhằm giải quyết một vấn đề thuộc về lĩnh vực “luật tư” thuần túy, trong khi đó, cần nhấn mạnh rằng, tố tụng cạnh tranh là một loại tố tụng có sự pha trộn giữa các yếu tố của “luật công” và “luật tư”. Hiện nay, Luật Cạnh tranh của rất nhiều nước trên thế giới sử dụng cách tính thời hiệu kể từ thời điểm bên khiếu nại hoặc cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra hành vi vi phạm, đặc biệt là trong các khiếu nại (khởi kiện) có kèm theo yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Thậm chí có những quốc gia sử dụng hai loại thời hiệu tương ứng với hai cách tính thời hiệu cho cùng một khiếu nại. Điều 33 Luật Thương mại lành mạnh Đài Loan năm 1999 quy định: “Quyền đòi bồi thường thiệt hại sẽ vị bãi bỏ nếu không thực hiện trong vòng 02 năm kể từ khi người đòi bồi thường biết hành vi vi phạm và biết người chịu trách nhiệm về thiệt hại đó hoặc trong vòng 10 năm kể từ khi xác nhận là có hành vi vi phạm”.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!