Từ 01/7, không yêu cầu cung cấp giấy xác nhận số CMND khi đã có CCCD gắn chíp

Bắt đầu từ ngày 01/7/2021, thủ tục làm thẻ CCCD gắn chíp được thực hiện theo Thông tư 59/2021/TT-BCA và Thông tư 60/2021/TT-BCA theo đó người dân không cần xuất trình giấy xác nhận số CMND khi mã QR trên thẻ CCCD gắn chíp có chứa đầy đủ các thông tin.

1. Từ 01/7, không yêu cầu cung cấp giấy xác nhận số CMND khi đã có CCCD gắn chíp

Thời gian qua, nhiều người dân lo lắng khi làm căn cước công dân (CCCD) gắn chíp sẽ có số định danh khác với số chứng minh nhân dân (CMND) trước đó nên phải có thêm giấy xác nhận hai số này, nếu không sau này sẽ gặp rắc rối trong các giao dịch, đặc biệt trong các giao dịch hành chính, dân sự, giao dịch ngân hàng.

Vì vậy, một số địa phương có Công văn hướng dẫn về việc không yêu cầu xuất trình số CMND khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2021, việc không cần xuất trình giấy xác nhận số CMND trong trường hợp mã QR trên CCCD gắn chíp chứa số CMND cũ sẽ áp dụng trên cả nước. 

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định chi tiết thi hành Luật CCCD và Nghị định số 137/2015 (được sửa đổi bằng Nghị định 37/2021). Thông tư có hiệu lực kể từ 01/7/2021.

Căn cứ theo quy định tại Thông tư số 59/2021/TT-BCA quy định cụ thể về việc từ ngày 01/7/2021 người dân không cần xuất trình giấy xác nhận số CMND khi mã QR trên thẻ CCCD gắn chíp có chứa đầy đủ các thông tin.

Từ ngày 01/7/2021, việc không cần xuất trình giấy xác nhận số CMND trong trường hợp mã QR trên CCCD gắn chíp chứa số CMND cũ sẽ áp dụng trên cả nước, cụ thể:

- Mã QR code trên thẻ CCCD có lưu thông tin về số CMND cũ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin về số CMND cũ thông qua việc quét mã QR code, không yêu cầu công dân phải cung cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.

- Trường hợp trong mã QR code trên thẻ CCCD gắn chíp không có thông tin về số CMND cũ thì cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp CCCD có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cũ cho công dân khi có yêu cầu.

Như vậy, từ ngày 01/7, người dân không cần xuất trình Giấy xác nhận số CMND khi mã QR trên thẻ CCCD đã có đầy đủ thông tin.

Ngoài ra, giấy xác nhận số CMND chỉ được cấp trong trường hợp mã QR trên thẻ CCCD gắn chíp  không có thông tin về số CMND cũ thì cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp CCCD có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND cũ cho công dân khi có yêu cầu (Trước đây, khi chuyển từ  CMND 9 số sang thẻ CCCD gắn chíp thì người dân đều được cấp giấy xác nhận trong mọi trường hợp).

2. Một số vấn đề thường gặp khi nhận thẻ CCCD gắn chíp

 Sai sót thông tin trên thẻ CCCD gắn chíp

Trong nhiều trường hợp, thẻ CCCD gắn chíp bị sai thông tin. Vậy khi thông tin trên CCCD gắn chíp bị sai thì người dân phải làm gì?

Theo Điều 23 Luật Căn cước công dân năm 2014, khi có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD gắn chíp thì công dân phải thực hiện thủ tục đổi thẻ.

Số CCCD gắn chíp không trùng khớp với thông tin trên giấy tờ khác:

Khi đổi từ CMND 9 số sang CCCD gắn chíp sẽ làm thay đổi số trên thẻ. Việc này liên quan đến hầu hết tất cả các giấy tờ cá nhân của công dân. Vì vậy khi đổi qua CCCD gắn chíp công dân phải thực hiện sửa đổi/cập nhật những giấy tờ sau:

- Cập nhật thông tin BHXH, thẻ BHYT;

- Sửa đổi hộ chiếu;

- Cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng;

- Thay đổi thông tin đăng ký thuế.

Ngày 01/7/2021, khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, Bộ Công an sẽ thay thế phương thức quản lý cư trú thủ công là cấp sổ hộ khẩu giấy sang phương thức quản lý cư trú điện tử bằng mã số định danh cá nhân. Mã số định danh cá nhân sẽ được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Khi công dân có sự thay đổi về thông tin cá nhân như nơi đăng ký cư trú như thường trú, tạm trú… thì cơ quan quản lý cư trú sẽ cập nhật thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Số định danh cá nhân sẽ là chìa khóa kết nối giữa cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của công dân, phục vụ các thủ tục hành chính của công dân nhanh chóng, thuận tiện.

Theo quy định của Luật Cư trú, sổ hộ khẩu cũ được cấp trước 01/7/2021 sẽ có giá trị sử dụng đến ngày 31/12/2022. Các thông tin trong sổ hộ khẩu mà sai khác với thông tin trong cơ sở dữ liệu cư trú thì sẽ sử dụng thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu về cư trú.

3. Những lưu ý khi sử dụng CMND cũ khi đã có CCCD gắn chíp

Trước những kết quả đáng mừng trong việc triển khai cấp, nhận CCCD gắn chíp xảy ra các vấn đề xung quanh cần lưu ý. Một trong số đó là việc sử dụng CMND/CCCD cũ khi đã có CCCD gắn chíp. Tưởng chừng đây là việc làm vô hại song lại có thể gây rắc rối cho chính người dân và tiềm tàng rủi ro lớn. Vì vậy khi sử dụng CMND cũ khi đã có CCCD gắn chíp cần lưu ý những nội dung như sau:

Công dân phải nộp lại CMND cũ khi nhận thẻ CCCD gắn chíp

Theo quy định tại Điều 11, Thông tư 59/2021/TT-BCA, công dân làm thủ tục chuyển từ CMND, CCCD thường sang CCCD gắn chíp khi nhận thẻ CCCD gắn chíp, cán bộ Công an sẽ thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân thường. Tuy nhiên, sau khi nhận thẻ CCCD gắn chíp mới, vẫn có rất nhiều người dân muốn giữ CMND, CCCD cũ nên khai báo mất, không giao nộp hoặc nhiều trường hợp cán bộ làm thủ tục chưa thu lại thẻ CMND, CCCD cũ. 

Trường hợp sử dụng CMND cũ khi đã có CCCD gắn chíp

Tình trạng giữ lại CMND/CCCD cũ dẫn đến việc một số người dân sử dụng song song cả CCCD gắn chíp mới và CMND/CCCD cũ, từ đó có thể gây ra một số các vấn đề đáng lo ngại mà người dân cần đặc biệt lưu ý như sau:

- Sử dụng CMND/CCCD cũ khiến thông tin không được cập nhập gây rắc rối về sau:

Việc CMND/CCCD cũ vào việc chứng minh nhân thân không cần ghi lại thông tin đa số sẽ không gây tác hại hay hậu quả gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong trường hợp sử dụng CMND/CCCD đã hết hạn để làm thủ tục hành chính như điền vào hồ sơ tại các Ngân hàng, làm hồ sơ đăng ký xe, làm hợp đồng mua bán, làm hợp đồng chuyển giao tài sản về sau sẽ gặp nhiều rắc rối do về sau các thông tin đều sẽ được đồng nhất với thẻ căn cước công dân gắn chíp mới (gồm các thông tin về số định danh cá nhân mới, ngày cấp CCCD và nơi cấp CCCD mới).

- Nhiều trường hợp phải đền bù thiệt hại do sử dụng CMND cũ giao kết hợp đồng:

Trường hợp người dân dùng CMND cũ để giao kết hợp đồng mà CMND cũ này đã quá hạn sử dụng thì hợp đồng vô hiệu. Người giao kết sử dụng CMND cũ có thể phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại về tài chính cho các bên tham gia giao kết nếu hợp đồng.

- Xử phạt hành chính khi dùng CMND cũ hết hiệu lực khi đã có CCCD gắn chíp:

Theo quy định, trong thời gian chờ thẻ CCCD gắn chíp người dân được phép sử dụng CMND/CCCD cũ và không bị thu hồi, nhưng khi nhận CCCD gắn chíp mới buộc phải nộp lại CMND/CCCD cũ.

Do đó, trường hợp sử dụng CMND cũ hết hiệu lực sau khi làm Căn cước công dân gắn chíp mới, công dân vi phạm lỗi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định tại khoản 1, Điều 10,Nghị định 144/2021/NĐ-CP ban hành ngày 31/12/2021 người dân có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.

Mặc dù quy định pháp luật hiện hành không cấm việc sử dụng song song cả thẻ CCCD gắn chíp và CMND/CCCD cũ nhưng người dân lưu ý chỉ nên dùng duy nhất Căn cước công dân gắn chíp mới trong tất cả các giao dịch, thủ tục để đảm bảo thống nhất thông tin và tránh rủi ro, tranh chấp sau này. 

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Từ 01/7, không yêu cầu cung cấp giấy xác nhận số CMND khi đã có CCCD gắn chíp mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email:[email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!