Bản chất của hành vi tập trung kinh tế trong nền kinh tế thị trường

Các quy định của pháp luật về hành vi tập trung kinh tế: Khái niệm, đặc điểm và các nguyên nhân cũng như những tác động và hậu quả mà hành vi tập trung kinh tế gây ra đối với thị trường cạnh tranh hiện nay

1. Khái niệm hành vi tập trung kinh tế

Luật cạnh tranh năm 2018 chưa có quy định cụ thể về hành vi tập trung kinh tế mà chỉ mới liệt kê như thế nào là hành vi tập trung kinh tế, cụ thể những hành được coi là tập trung kinh tế cụ thể được quy định tại Điều 29 như sau:

Điều 29. Các hình thức tập trung kinh tế

1. Tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau đây:

a) Sáp nhập doanh nghiệp;

b) Hợp nhất doanh nghiệp;

c) Mua lại doanh nghiệp;

d) Liên doanh giữa các doanh nghiệp;

đ) Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

2. Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.

3. Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.

4. Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.

5. Liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới”.

Doanh nghiệp thực hiện việc tập trung kinh tế gây tác động hoặc có thể gây tác động hạn chế chế cạnh tranh một cách đáng kể thì sẽ bị coi là những hành vi tập trung kinh tế bị cấm. Điều này được quy định tại Điều 30 Luật cạnh tranh năm 2018.

Khái niệm hành vi tập trung kinh tế được bình luận ở nhiều góc độ khác nhau trong nền kinh tế học và trong khoa học pháp lý. Các hành vi này được nhìn nhận như một quá trình gắn liền với sự hình thành và thay đổi của cấu trúc thị trường, hành vi tập trung kinh tế trên thị trường được hiểu là việc giảm số lượng các doanh nghipeje độc lập cạnh tranh trên thị trường.

2. Đặc điểm của hành vi tập trung kinh tế

Từ khái niệm đã được phân tích nêu trên hành vi tập trung kinh tế có những đặc điểm cụ thể sau:

- Thứ nhất: Chủ thể của tập trung kinh tế là các doanh nghiệp họat động trên thị trường. Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có thể là các doanh nghiệp trên cùng hoặc không cùng hoạt động trên thị trường liên quan. Từ đặc trưng này có thể phân biệt các hành vi tập trung kinh tế của doanh nghiệp. Với họat đầu đầu tư vào nhiều doanh nghiệp của các nhà đầu tư không phải là doanh nghiệp. Với vai trò là nhà đầu tư, các cá nhân có thể góp vốn vào nhiều doanh nghiệp và là chủ sở hữu (đồng chủ sở hữu) của các đơn vị kinh doanh cùng hoặc không cùng ngành nghề. Lúc đó, các doanh nghiệp cho dù có chung chủ sở hữu nhưng cũng không thuộc phạm vi của khái niệm tập trung kinh tế. Tập trung kinh tế là hành vi của các chủ thể đang họat động kinh doanh trên thị trường.

- Thứ hai: Hình thức tập trung kinh tế bao gồm: Sáp nhập. hợp nhất, mua lại và liên doanh giữa các doanh nghiệp. Các hiện tượng tập trung kinh tế đòi hỏi sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp khác nhau trên thị trường. Các doanh nghiệp nói trên đã liên kết khả năng kinh doanh bằng cách chủ động tích tụ các nguồn lực kinh tế như vốn, lao động, kỹ thuật, năng lực quản lý, tổ chức kinh doanh,... mà họ đang nắm giữ riêng lẻ để hình thành một khối thống nhất bằng việc sáp nhập, hợp nhất hoặc phối hợp theo kiểu tập đoàn theo mô hình liên kết về sở hữu hoặc góp vốn bằng cách mua lại vốn góp của nhau, liên doanh với nhau. Dấu hiệu này giúp khoa học pháp lý phân biệt tập trung kinh tế với việc tích tụ tư bản trong kinh tế học.

- Thứ ba hậu quả của sự tập trung kinh tế là việc hình thành các tập đoàn kinh tế, thay đổi cấu trúc thị trường và tương quan cạnh tranh trên thị trường. Các hình thức sáp nhập, hợp nhất sẽ làm cấu trúc thị trường thay đổi theo hướng giảm đi số lượng doanh nghiệp đang họat động bằng cách tập trung tất cả năng lực vào một doanh nghiệp duy nhất (doanh nghiệp được sáp nhập hoặc doanh nghiệp mới hình thành). Việc mua lại hoặc liên doanh sẽ hình thành nên các liên kết giữa các doanh nghiệp độc lập theo mô hình sở hữu để tạo ra nhóm kinh doanh theo kiểu tập đoàn. Cho dù tập trung được thực hiện theo mô hình tích tụ hay liên kết năng lực kinh doanh thì cuối cùng đều dẫn đến kết quả là tương quan cạnh tranh trên thị trường sau khi tập trung kinh tế sẽ khác so với trước đó. Bởi lúc này, thị trường đột ngột xuất hiện doanh nghiệp, hoặc nhóm doanh nghiệp có tiềm lực kinh doanh lớn hơn trước mà không phải trải qua quá trình tích tụ tư bản. Vị trí của các doanh nghiệp còn lại trong quá trình cạnh tranh sẽ giảm đi trước doanh nghiệp được hình thành từ tập trung kinh tế.

3. Nguyên nhân và tác động của hành vi tập trung kinh tế đối với thị trường cạnh tranh

3.1 Cơ sỏ kinh tế - pháp lý của hành vi tập trung kinh tế

- Nguyên nhân kinh tế: Dưới góc độ kinh tế tập trung kinh tế ra đời do các nguyên nhân cơ bản sau:

  • Sức ép của cạnh tranh trong đời sống
  • Sức ép của các cuộc khủng hoảng của nền kinh tế.
  • Do nhu cầu phát triển của kinh doanh. Sự xuất hiện của các ngành nghề kinh doanh mới và như cầu đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật luôn đặt ra các nhu cầu hợp tác trong kinh doanh. Thực tế phát triển thị trường nảy sinh nhiều nhu cầu nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ – kỹ thuật vượt quá năng lực của một doanh nghiệp. Một trong những phương cách để các doanh nghiệp giải quyết là việc tập trung các nguồn lực giữa họ với nhau bằng các cách thức sáp nhập, hợp nhất, liên doanh.

- Nguyên nhân pháp lý: Dưới góc độ pháp lý các hành vi tập trung kinh tế của các doanh nghiệp được thực hiện dựa trên những nguyên tắc căn bản mà pháp luật thương mại thừa nhận đó là:

  • Quyền tự do kinh doanh mà Hiến pháp và các văn bản pháp luật thừa nhận đã trao chủ quyền cho doanh nghiệp trước Nhà nước và pháp luật.
  • Pháp luật về doanh nghiệp của tất cả các quốc gia đều đã trao doanh nhân (trong đó có các doanh nghiệp) quyền được thay đổi quy mô theo nhu cầu kinh doanh.

 

3.2 Tác động của sự tập trung kinh tế đối với môi trường cạnh tranh trên thị trường

Tập trung kinh tế với tư cách là một hiện tượng, một trào lưu trong lịch sử phát triển thị trường đã có những tác động đáng kể đến đời sống kinh tế. Điều đó được nhìn nhận dưới hai góc độ rộng hẹp khác nhau:

- Dưới góc độ lợi ích của các doanh nghiệp tham gia

Dựa vào những lợi ích của nền kinh tế, việc tiến hành tập trung kinh tế có những tác động đáng kể đến lợi ích và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia, cụ thể như sau:

  • Tập trung kinh tế được coi là con đường ngắn nhất để giải quyết nhu cầu tập trung các nguồn lực thị trường của các nhà kinh doanh nhằm nâng cao năng lực kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Bằng phương pháp tập trung hoặc liên minh các nguồn lực đang được từng doanh nghiệp nắm giữ riêng lẻ thành một khối thống nhất hoặc do một tập đoàn quản lý chung, tập trung kinh tế đã tạo ra khả năng đầu tư lớn hơn với sức mạnh tổng hợp để giải quyết nhiều vấn đề được đặt ra từ thị trường mà mỗi doanh nghiệp tồn tại một mình khó có thể thực hiện triệt để.
  • Tập trung kinh tế tạo ra khả năng hợp tác sâu sắc trong kinh doanh. Thông thường các hành vi mua lại, liên doanh, các doanh nghiệp tham gia hình thành nên các liên minh kinh doanh, các nhóm doanh nghiệp có mối quan hệ sở hữu hoặc đầu tư với nhau cho dù dưới góc độ pháp lý các doanh nghiệp đó vẫn là những chủ thể có tư cách độc lập. Sự tồn tại của nhóm kinh doanh tạo ra các hình thức hợp tác kinh doanh khép kín; hỗ trợ trong quản lý, thực hiện chiến lược mở rộng, phát triển thị trường; hợp tác chia sẻ rủi ro khi thị trường có những biến động lớn hòng tìm kiếm cơ hội vượt qua các cuộc khủng hoảng.
  • Tập trung kinh tế diễn ra giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và ở cùng một công đoạn của quá trình kinh doanh (cùng thị trường liên quan) sẽ đưa đến kết quả là các doanh nghiệp không còn cạnh tranh với nhau nữa.
  • Tập trung kinh tế có thể là giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại hoạt động kinh doanh. Quá trình kinh doanh của doanh nhân luôn chịu sự chi phối bởi những biến động của thị trường, nhu cầu kinh doanh thay đổi, sự hình thành các rào cản trên thị trường. Những biến động đó tạo ra nhiều khó khăn và thuận lợi trong kinh doanh đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện các chiến lược cơ cấu lại bản thân cho phù hợp với những thay đổi từ thị trường nhằm đảm bảo tính hiệu quả của họat động kinh doanh. Thực tế đã chứng minh rằng, các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp hoặc liên doanh thường được sử dụng trong những tình huống nói trên.

- Dưới góc độ của thị trường cạnh tranh

Tập trung kinh tế tạo ra nhiều thay đổi trong cơ cấu và tương quan cạnh tranh trên thị trường cụ thể như sau:

+ Tập trung kinh tế làm thay đổi số lượng doanh nghiệp hiện có trên thị trường. Sự sáp nhập hoặc hợp nhất giữa các doanh nghiệp đã làm cho các doanh nghiệp bị sáp nhập, hợp nhất chấm dứt tồn tại để chuyển giao toàn bộ năng lực kinh doanh cho một chủ thể duy nhất. Khi đó, cơ cấu cạnh tranh vốn có trên thị trường sẽ thay đổi về mặt cấu trúc - số lượng doanh nghiệp. Sự thay đổi trên có thể tác động đến thị trường theo những xu hướng sau đây:

  • Các nguồn lực thị trường sẽ được sử dụng tập trung và hiệu quả hơn, tránh tình trạng manh múm, nhỏ lẻ của quá trình kinh doanh, tạo hiệu quả chung lớn hơn cho xã hội;
  • Hình thái thị trường cạnh tranh có thể sẽ thay đổi và chuyển sang mô mình độc quyền nhóm hoặc hình thành các doanh nghiệp có quyền lực thị trường. Sự thay đổi số lượng doanh nghiệp theo phương thức tập trung vốn, thị trường hoặc các nguồn lực kinh tế khác sẽ làm thay đổi cấu trúc doanh nghiệp trên thị trường và hình thành nên những doanh nghiệp đủ lớn để chi phối các yếu tố của quan hệ thị trường.
  • Tập trung kinh tế làm thay đổi tương quan cạnh tranh trên thị trường. Sự tập trung hoặc liên minh các nguồn lực kinh tế giữa các doanh nghiệp thông qua các biện pháp tập trung kinh tế đã đột ngột làm xuất hiện một doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh bằng tổng năng lực cạnh tranh của tất cả các doanh nghiệp tham gia. Về căn bản, tập trung kinh tế sẽ không trực tiếp làm giảm vị trí cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp không tham gia, song chúng lại làm thay đổi quan hệ cạnh tranh giữa họ với doanh nghiệp sau khi tập trung kinh tế so với mối quan hệ trước đó. Sự xuất hiện đột ngột một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp có quan hệ sở hữu với nhau đã làm cho tương quan, mức độ và thái độ cạnh tranh trên thị trường thay đổi so với trước khi có hiện tượng tập trung xảy ra.

Các lý thuyết về thị trường đôi khi coi sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh như là các biện pháp cơ cấu lại thị trường có những tác dụng tích cực đối với sự phát triển chung của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh của quá trình toàn cầu hóa kinh tế đang diễn.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!