Người dân có được kiểm tra máy bắn tốc độ, máy đo nồng độ cồn không?

Người dân có được kiểm tra máy bắn tốc độ, máy đo nồng độ cồn của cảnh sát giao thông (CSGT) là vấn đề khá nhiều người băn khoăn, thắc mắc. Vậy theo quy định của pháp luật, người dân có được kiểm tra máy bắn tốc độ, máy đo nồng độ cồn không?

1. Quy định về bắn tốc độ, đo nồng độ cồn của Cảnh sát giao thông

1.1. Quy định về bắn tốc độ của Cảnh sát giao thông

Cảnh sát giao thông được bắn tốc độ tại bất kỳ tuyến đường giao thông nào theo kế hoạch của cấp có thẩm quyền.

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư số 32/2023/TT-BCA, máy bắn tốc độ là một loại thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được Cảnh sát giao thông dùng để hỗ trợ trong khi thực hiện nhiệm vụ, được lắp đặt và sử dụng công khai tại các tuyến đường giao thông nơi có trạm Cảnh sát giao thông hoặc trên phương tiện của Cảnh sát giao thông dùng khi đi tuần tra và kiểm soát tuân thủ an toàn giao thông đường bộ.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 Thông tư số 32/2023/TT-BCA, Cảnh sát giao thông được quyền yêu cầu dừng các phương tiện đang lưu thông nếu phát hiện vi phạm. Do đó, Cảnh sát giao thông được bắn tốc độ và xử lý vi phạm về vượt tốc độ quy định tại bất kỳ tuyến đường nào theo kế hoạch của cấp có thẩm quyền về kiểm soát tuân thủ an toàn giao thông.

Khoản 1 và khoản 2 Điều 11 Thông tư 32 cũng quy định, Cảnh sát giao thông được quyền bố trí một bộ phận cán bộ hoá trang, mặc thường phục, phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra để kiểm soát giao thông, xử lý vi phạm khi sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Do đó, khi bắn tốc độ, CSGT có thể mặc thường phục.

1.2. Quy định về kiểm tra nồng độ cồn của Cảnh sát giao thông

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 Thông tư số 32/2023/TT-BCA, CSGT có quyền yêu cầu chủ phương tiện dừng xe để kiểm tra kiểm soát dù không vi phạm giao thông khi thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện ra hành vi vi phạm về giao thông của người sử dụng phương tiện.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này cũng quy định CSGT di chuyển trên tuyến để tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch, trực tiếp quan sát hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phát hiện hành vi vi phạm giao thông đường bộ.

Do đó, CSGT được quyền yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn và xử lý vi phạm khi phát hiện có vi phạm xảy ra.

2. Người dân có được kiểm tra máy bắn tốc độ, máy đo nồng độ cồn không?

Máy bắn tốc độ và máy đo nồng độ cồn đều là phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được Cảnh sát giao thông sử dụng để phát hiện hành vi vi vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn của người điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ. 

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP các thiết bị này phải được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, so sánh theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào sử dụng. Đồng thời, cũng chỉ được sử dụng khi có quyết định của người có thẩm quyền.

Cụ thể, máy bắn tốc độ, máy đo nồng độ cồn đã được cơ quan chức năng kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận theo Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN sửa đổi tại Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN. 

Theo đó, người vi phạm không được yêu cầu kiểm tra máy bắn tốc độ và máy đo nồng độ cồn của Cảnh sát giao thông. Chỉ khi cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra thì Cảnh sát giao thông mới cung cấp để kiểm tra.

Người dân có quyền giám sát trực tiếp quá trình kiểm tra nồng độ cồn, bắn tốc độ của Cảnh sát giao thông theo quy định nhưng không được làm cản trở việc thi hành công vụ, kiểm soát giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành người dân không được kiểm tra máy bắn tốc độ và máy đo nồng độ cồn của Cảnh sát giao thông.

Việc người dân đòi hỏi được xem, kiểm tra thiết bị của Cảnh sát sẽ trở thành kiểm tra và cản trở Cảnh sát giao thông đang thi hành nhiệm vụ. 

Người dân khi có thắc mắc, nghi ngờ về máy bắn tốc độ và máy đo nồng độ cồn cũng như quá trình xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, có thể ghi hình lại việc kiểm tra đó và gửi khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định nhưng phải đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông.

3. Không vi phạm có bị CSGT gọi vào thổi nồng độ cồn không?

Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở là một trong những phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được Cảnh sát giao thông sử dụng để phát hiện vi phạm giao thông.

Theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 135/2021/NĐ-CP, máy đo nồng độ cồn chỉ được sử dụng khi có quyết định, kế hoạch phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Mặc khác, theo quy định tại  khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA, dù người tham gia giao thông không vi phạm nhưng Cảnh sát giao thông vẫn có quyền yêu cầu người đó dừng xe để kiểm soát giao thông khi thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát giao thông hoặc khi có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng về việc dừng phương tiện để kiểm soát hay khi nhận được tin báo, phản ánh, tố giác của người dân về hành vi vi phạm.

Khi dừng xe, Cảnh sát giao thông có quyền kiểm soát các nội dung bao gồm:

- Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện

- Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của xe

-  Kiểm soát việc chấp hành các quy định về an toàn vận tải

- Kiểm soát nội dung khác có liên quan.

Theo đó, nếu kế hoạch tuần tra, kiểm soát giao thông đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho sử dụng máy đo nồng độ cồn thì dù lái xe không vi phạm, Cảnh sát giao thông vẫn có quyền gọi vào thổi nồng độ cồn.

4. Nên làm gì khi bị Cảnh sát giao thông bắn tốc độ, đo nồng độ cồn?

Căn cứ vào những quy định nêu trên, Cảnh sát giao thông có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng xe để bắn tốc độ, đo nồng độ cồn. Do đó, người điều khiển phương tiện cần phải chấp hành, phối hợp với Cảng  khi đo nồng độ cồn và bắn tốc độ. 

Khi Cảnh sát giao thông đề nghị thổi nồng độ cồn để kiểm soát điều kiện tham gia giao thông, tài xế phải chấp hành hiệu lệnh. Nếu cố tình chống đối, không thổi nồng độ cồn theo yêu cầu của Cảnh sát giao thông, người điều khiển phương tiện có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Nếu không chấp hành có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 04 - 06 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Người dân có quyền đề nghị Cảnh sát giao thông cho xem hình ảnh vi phạm. Trường hợp Cảnh sát giao thông chưa thể cung cấp ngày hình ảnh ghi lại lỗi vi phạm thì sẽ lập biên bản tại thời điểm đó và người dân sẽ được hẹn đến trụ sở/cơ quan chức năng có thẩm quyền để cung cấp hình ảnh về lỗi vi phạm.

Sau đó, Cảnh sát giao thông sẽ ra quyết định xử phạt (nếu phát hiện có vi phạm). Sau khi xem hình ảnh, nếu không còn thắc mắc gì thì người vi phạm sẽ tiến hành nộp phạt theo mức phạt được pháp luật quy định.

Trường hợp không đồng ý với quyết định xử phạt thì có thể khiếu nại quyết định xử phạt đến cấp trên trực tiếp của người ra quyết định xử phạt.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Người dân có được kiểm tra máy bắn tốc độ, máy đo nồng độ cồn không? mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.


Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!