1. Vứt rác sang nhà hàng xóm có bị phạt không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định như sau: hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định.
Hộ gia đình, cá nhân có hành vi để rác ngoài địa điểm quy định là trái pháp luật và sẽ bị xử lý hành chính quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu.
Như vậy, hộ gia đình, cá nhân vứt rác sang nhà hàng xóm là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.
2. Nguyên nhân của hành vi vứt rác bừa bãi, vứt rác sang nhà hàng xóm
Một số nguyên nhân dẫn đến hành vi xả rác và đổ rác bừa bãi nơi công cộng:
- Thiếu ý thức bảo vệ môi trường: Một số người không nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và hậu quả tiêu cực của hành vi xả rác bừa bãi. Thiếu ý thức môi trường có thể gây ra sự bất chấp và vô trách nhiệm trong việc xử lý rác thải.
- Thiếu hạt nhân thu gom rác: Trong một số khu vực, hệ thống thu gom rác không được phát triển hoặc hoạt động hiệu quả. Thiếu hạt nhân thu gom rác và thùng rác công cộng dẫn đến việc không có nơi để vứt rác một cách tiện lợi, dẫn đến hành vi xả rác bừa bãi.
- Thiếu ý thức cộng đồng: Một phần nguyên nhân của hành vi xả rác bừa bãi là thiếu ý thức cộng đồng. Nếu một người không thấy ai quan tâm đến việc vứt rác đúng quy định hoặc không có sự giám sát, họ ngang nhiên xả rác bừa bãi.
- Thiếu cơ sở hạ tầng: Một hệ thống cơ sở hạ tầng không đủ để xử lý rác thải cũng có thể dẫn đến hành vi xả rác bừa bãi. Khi không có đủ cơ sở hạ tầng, như bãi rác công cộng hoặc phương tiện vận chuyển rác thải hiệu quả, người dân có thể không có lựa chọn khác ngoài việc xả rác bừa bãi.
- Tiện lợi: Một số người có thể thấy việc xả rác bừa bãi là tiện lợi và nhanh chóng hơn việc tìm đúng nơi để đổ rác.
- Quản lý không chặt chẽ và xử phạt chưa nghiêm: Khi không có quy định rõ ràng và hệ thống quản lý hiệu quả, người dân có thể không chịu trách nhiệm trong việc xử lý rác thải. Sự thiếu quản lý và xử phạt không đủ mạnh mẽ cũng có thể làm tăng hành vi xả rác bừa bãi.
3. Nên làm gì khi hàng xóm vứt rác sang nhà mình?
Khi phát hiện hàng xóm để rác sang nhà mình, việc đầu tiên người dân cần làm là nhắc nhở nhẹ nhàng.
Bạn có thể treo biển, nhắc nhở, hoặc trao đổi trong các cuộc họp tổ dân phố để hàng xóm không xả rác trước cửa nhà bạn và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nơi mình sinh sống.
Nếu họ cố tình chối cãi thì có thể thu thập bằng chứng bằng cách lắp camera, chụp ảnh hoặc đợi đúng lúc người đó để rác trái quy định để nhắc nhở trực tiếp, đề nghị chấm dứt ngay việc để rác bừa bãi.
Trường hợp tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra, người dân có thể khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền kèm theo bằng chứng rõ ràng để được giải quyết.
Hành vi để rác không đúng nơi quy định nói chung và để rác sang nhà hàng xóm nói riêng là các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, căn cứ quy định tại Điều 67, 68 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 04 triệu đồng;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt tiền đến 20 triệu đồng
- Trưởng Công an cấp huyện có quyền phạt tiền đến 08 triệu đồng.
Trong khi đó, mức phạt tiền của hành vi để rác sang nhà hàng xóm là từ 03 - 05 triệu đồng. Như vậy, nếu gặp phải trường hợp hàng xóm để rác sang nhà mình, người dân có thể báo với Ủy ban nhân dân xã hoặc Công an huyện để được xử lý.
4. Hành vi xả rác bừa bãi bị xử phạt tại các nước như thế nào?
- Tại Mỹ, mức xử phạt đối với hành vi xả rác phụ thuộc vào luật của từng bang. Hình phạt đối với việc vứt đầu mẩu thuốc lá ra nơi công cộng đặc biệt nghiêm khắc ở tại những bang mà tình trạng cháy rừng, hỏa hoạn thường dễ xảy ra.
Chẳng hạn, tại bang California, vứt một đầu mẩu thuốc lá ra đường sẽ khiến bạn phải nộp phạt 1.000 USD (hơn 23 triệu đồng) và phải thực hiện 24 giờ lao động công ích, dọn dẹp vệ sinh.
- Tại Áo, mức phạt đối với hành động xả rác bừa bãi đang ở mức 100 euro (hơn 2 triệu đồng). Một đầu mẩu thuốc lá, một chiếc vỏ kẹo, một lon nước đã uống hết... nhưng không được vứt đúng nơi quy định hoàn toàn có thể khiến bạn gặp rắc rối tại Áo và tốn một khoản tiền phạt.
- Tại Đức, hình phạt đối với hành vi xả rác có thể lên tới 300 euro (hơn 7 triệu đồng) tùy thuộc vào kích thước, khối lượng của rác thải. Với một đầu mẩu thuốc lá hay một chiếc cốc giấy vứt không đúng nơi quy định, mức phạt có thể ở mức 10 - 25 euro (240.000 đồng - 600.000 đồng).
- Tại Singapore, các hình phạt được áp dụng đối với hành vi xả rác rất nặng. Trong năm 2020, Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) của Singapore đã thực hiện 19.000 phiếu phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi.
Một cá nhân bị phạt vì hành vi xả rác tại Singapore có thể đối diện mức phạt 2.000 đô la Singapore cho lần đầu vi phạm (gần 34 triệu đồng), 4.000 đô la Singapore cho lần vi phạm thứ 2 (gần 67,5 triệu đồng), 10.000 đô la Singapore cho lần vi phạm thứ 3 và các lần sau đó (gần 169 triệu đồng).
- Tại Anh, mức phạt đối với hành vi xả rác có thể từ 80 bảng trở lên (hơn 2 triệu đồng). Nếu rác thải có kích thước và khối lượng lớn, chẳng hạn như đồ nội thất, đồ gia dụng, mức phạt có thể lên tới 400 bảng (hơn 11 triệu đồng).
- Tại Ireland, mức phạt có thể từ 150 euro tới 4.000 euro (tương đương từ 3,5 triệu đồng tới gần 120 triệu đồng) đối với hành vi vứt rác bừa bãi.
- Tại Thụy Sĩ, mức phạt có thể từ 300 franc Thụy Sĩ (hơn 7 triệu đồng), mức phạt này còn áp dụng đối với cả những cư dân không thực hiện nghiêm túc theo các hướng dẫn về phân loại rác thải sinh hoạt. Nếu lượng rác thải vứt không đúng nơi quy định lớn về kích thước và khối lượng, mức phạt có thể lên tới 20.000 franc Thụy Sĩ (hơn 480 triệu đồng).
- Tại Pháp, mức phạt dao động trong khoảng từ 35 - 70 euro (835.000 đồng - 1,7 triệu đồng) phụ thuộc vào quy định tại từng địa phương đối với hành vi xả rác. Đối với rác to và nặng, chẳng hạn như đồ nội thất bị vứt bỏ không đúng nơi quy định, mức phạt có thể lên tới 150 euro (3,6 triệu đồng).
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!