Xử lý công chức tự ý nghỉ việc không có sự đồng ý của cấp trên thế nào?

Xử lý công chức tự ý nghỉ việc không có sự đồng ý của cấp trên thế nào sẽ là nội dung mà chúng tôi muốn trao đổi tại bài viết dưới đây.

1. Khi nào thì công chức được thôi việc?

Căn cứ theo quy định tại Điều 59 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì sẽ có ba trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc như sau:

- Do sắp xếp tổ chức

- Theo nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý;

- Công chức 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc.

Đối với việc xin thôi việc theo nguyện vọng của công chức thì phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định theo trình tự sau:

- Công chức phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho công chức thôi việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định thôi việc bằng văn bản; nếu không đồng ý cho công chức thôi việc thì trả lời công chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định của pháp luật.

Các lý do không giải quyết thôi việc:

+ Công chức đang trong thời gian thực hiện việc luân chuyển, biệt phái, đang bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Công chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với cơ quan, tổ chức, đơn vị khi được xét tuyển;

+ Công chức chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị;

+ Do yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc chưa bố trí được người thay thế.

Còn đối với trường hợp thôi việc do 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ:

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có kết quả phân loại đánh giá công chức, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thông báo bằng văn bản đến công chức về việc giải quyết thôi việc, trừ trường hợp đối với công chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp xin thôi việc theo nguyện vọng.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có thông báo bằng văn bản, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định thôi việc.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định thôi việc được ban hành, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải thanh toán trợ cấp thôi việc đối với công chức.

 

2. Xử lý công chức tự ý nghỉ việc không có sự đồng ý của cấp trên thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì công chức xin thôi việc theo nguyện vọng thì phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản, nếu không đồng ý cho thôi việc thì phải nêu rõ lý do; trường hợp chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý mà tự ý bỏ việc thì không được hưởng chế độ thôi việc và phải bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Như vậy việc công chức tự ý nghỉ việc (có thể là không xin phép hoặc có xin phép nhưng chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý) thì không được hưởng chế độ thôi việc và phải bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp với lý do cá nhân công chức chỉ được nghỉ việc khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị, người hoặc cấp có thẩm quyền đồng ý, còn mọi trường hợp thì công chức không được sự đồng ý thì đều là tự ý nghỉ việc, vi phạm quy chế làm việc, trách nhiệm của công chức trong công tác và thi hành nhiệm vụ nên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc xử lý công chức tự ý nghỉ việc không có sự đồng ý của cấp trên sẽ tùy thuộc vào vị trí, chức năng, trách nhiệm, mức độ, hậu quả, nguyên nhân mà sẽ bị áp dụng hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đây theo quy định cũ tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP (đã hết hiệu lực) thì hành vi tự ý nghỉ việc của công chức sẽ bị xử lý rất nặng có thể lên đến hình thức xử lý kỷ luật là buộc thôi việc nếu số thời gian tự ý nghỉ việc của công chức có tổng số ngày nghỉ từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp.

Còn hiện nay theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP ban hành ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức không còn quy định cụ thể hành vi công chức tự ý nghỉ việc sẽ bị xử lý bằng hình thức nào nữa. Tuy nhiên nếu hành tự ý nghỉ việc của công chức không thuộc các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật hoặc miễn trách nhiệm kỷ luật và còn trong thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật thì hành vi tự ý nghỉ việc của công chức đó sẽ bị xử lý phụ thuộc vào mức độ, tính chất, hậu quả, ...

Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có thể bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc. Còn đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có thể bị áp dụng một trong các hình thức sau: khiển trách,  cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc nếu có hành vi tự ý nghỉ việc.

Trong quá trình xem xét việc áp dụng các biện pháp kỷ luật, cần phải tiến hành một đánh giá tổng thể về nội dung cụ thể của vi phạm, tính chất của hành vi, mức độ nghiêm trọng, và tác động của nó đối với tổ chức hoặc cộng đồng. Đồng thời, cần xem xét kỹ lưỡng nguyên nhân gây ra vi phạm, bao gồm cả các yếu tố tăng cường hoặc giảm nhẹ, và thái độ của cá nhân sau khi vi phạm. Việc đánh giá cũng phải bao gồm cách tiếp thu và sửa chữa của cá nhân, cũng như nỗ lực trong việc khắc phục những thiếu sót và hậu quả của hành vi vi phạm. Dựa trên các yếu tố này, quyết định về việc xử lý kỷ luật cho một nhân viên công chức tự ý bỏ việc phải được thực hiện một cách cẩn thận và công bằng. Quan trọng là đảm bảo rằng các biện pháp kỷ luật được áp dụng phù hợp và có tính nhất quán, đồng thời tôn trọng các quy định và nguyên tắc của pháp luật và quy định nội bộ của tổ chức. Điều này sẽ đảm bảo tính minh bạch, công bằng và đáng tin cậy trong quá trình xử lý kỷ luật.

Theo đó, tùy theo nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm đối với công chức tự ý bỏ việc mà sẽ xem xét xử lý kỷ luật cho phù hợp.

 

3. Công chức tự ý nghỉ việc có bị phạt tiền không?

Theo quy định hiện hành thì đối với hành vi tự ý nghỉ việc của công chức thì công chức sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc và các chế độ khác theo quy định nhưng cũng không có quy định hành vi tự ý nghỉ việc của công chức bị phạt tiền. Tức là hiện nay theo quy định của pháp luật thì công chức tự ý nghỉ việc sẽ không bị xử lý bằng hình thức phạt tiền.

Tuy nhiên đối với công chức là đối tượng đã ký cam kết làm việc liên tục trong một thời hạn nhất định tại một địa phương, đơn vị, cơ quan hoặc công chức trước đó đã được cử đi đào tạo thì khi tự ý nghỉ việc sẽ phải bồi thường theo quy định và hoàn trả số tiền đào tạo đã được cơ quan, đơn vị chi trả trước đó.

Nếu quý khách có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến nội dung bài viết hoặc pháp lý, chúng tôi khuyến khích quý khách liên hệ trực tiếp đến hotline 1900.868644 hoặc gửi email tới địa chỉ [email protected]. Đội ngũ chuyên viên của chúng tôi sẽ sẵn lòng hỗ trợ và giải quyết mọi thắc mắc của quý khách một cách tận tâm và chuyên nghiệp.