Công ty liên danh cùng tham giá đấu thầu xuất hóa đơn thế nào?

Khi cùng tham gia các gói thầu dưới hình thức liên danh (giữa hai hoặc nhiều công ty) thì cách xuất hóa đơn cho chủ đầu tư được pháp luật quy định cụ thể như thế nào ? Các công ty xuất hóa đơn với các đơn giá khác nhau có được không ? Luật Hòa Nhựt tư vấn cụ thể như sau:

Tóm tắt nội dung yêu cầu tư vấn của khách hàng:

Thưa luật sư, xin hỏi: Công ty tôi và công ty A liên danh cùng tham giá đấu thầu với Chủ đầu tư theo tỷ lệ: công ty tôi (B) 45%, công ty A 55%. Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu đứng đầu liên danh xuất hóa đơn và nhận tiền cho toàn bộ giá trị hợp đồng 3 bên. Đồng nghĩa với việc công ty chúng tôi sẽ xuất hóa đơn cho công ty A. Chúng tôi muốn hỏi:

Giá trị hóa đơn công ty tôi xuất cho Công ty A = 45% giá trị gói thầu nhưng đơn giá từng mặt hàng mà chúng tôi xuất hóa đơn cho Công ty A có nhất thiết phải xuất bằng đơn giá mà công ty A xuất cho Chủ đầu tư hay không? Nếu có thì theo quy định nào ?

Cảm ơn!

Người hỏi: P.T Thìn

Luật sư tư vấn:

Căn cứ quy định của Luật đấu thầu 2013; Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Các văn bản pháp luật khác liên quan. Luật Minh Khuê tư vấn như sau:

Khoản 35 Điều 4 Luật đấu thầu năm 2013 quy định nhà thầu chính là nhà thầu chịu trách nhiệm tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Nhà thầu chính có thể là nhà thầu độc lập hoặc thành viên của nhà thầu liên danh. Liên danh nhà thầu là một hình thức hợp tác trên danh nghĩa của nhiều nhà thầu để cùng tham gia đấu thầu hoặc thực hiện một công trình xây dựng hoặc một dự án nào đó khi mà điều kiện năng lực của một nhà thầu độc lập không đủ để đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư hay yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Các thành viên liên danh phải có tư cách hợp lệ, có đủ năng lực theo quy định phù hợp với quy mô, tính chất, loại công việc do mình đảm nhận. Khi tiến hành đấu thầu, lập hồ sơ thầu cũng như thực hiện các thủ tục có thể do các thành viên liên danh thực hiện hoặc theo thỏa thuận hoặc có thể chỉ do một thành viên liên danh thực hiện tùy vào năng lực và thỏa thuận của mỗi bên, nhưng phải thống nhất nội dung trong cùng một hồ sơ.

Các thành viên liên danh phải có văn bản thỏa thuận, trong đó quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh. Hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, kết quả đàm phán hợp đồng, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và văn bản thỏa thuận đầu tư (khoản 2 Điều 71 Luật đấu thầu). Do vậy, trường hợp trong thỏa thuận liên danh và trong hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư với liên danh nhà thầu có quy định công ty A là đơn vị đại diện của liên danh nhà thầu, chịu trách nhiệm thực hiện các công việc liên quan tới việc nhận thanh toán, xuất hóa đơn cho chủ đầu tư thì phải tuân theo quy định trong thỏa thuận và hợp đồng này.

Hình thức liên danh giữa hai nhà thầu cũng tương tự hình thức hợp tác kinh doanh được quy định tại Luật đầu tư. Theo đó hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế (khoản 9 Điều 3 Luật đầu tư năm 2014).

Căn cứ điểm n khoản 3 Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“ Điều 5. Doanh thu

3. Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong một số trường hợp xác định như sau:…

n) Đối với hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh:

- Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thì doanh thu tính thuế là doanh thu của từng bên được chia theo hợp đồng.

- Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng sản phẩm thì doanh thu tính thuế là doanh thu của sản phẩm được chia cho từng bên theo hợp đồng.

- Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh thu để xác định thu nhập trước thuế là số tiền bán hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải cử ra một bên làm đại diện có trách nhiệm xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu, chi phí, xác định lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp chia cho từng bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh. Mỗi bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh tự thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của mình theo quy định hiện hành.

- Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế là số tiền bán hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải cử ra một bên làm đại diện có trách nhiệm xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu, chi phí và kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thay cho các bên còn lại tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh.”

Tại Khoản 6 Điều 8 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính quy định:

Điều 8. Thu nhập được miễn thuế

6. Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế với doanh nghiệp trong nước, sau khi bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, liên doanh, liên kết đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, kể cả trường hợp bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, bên liên doanh, liên kết được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp….”

Về nguyên tắc lập hóa đơn được quy định tại Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính được sửa đổi bởi điểm a khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính:

“Điều 16. Lập hóa đơn

1. Nguyên tắc lập hóa đơn

a) Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chỉ được lập và giao cho người mua hàng hóa, dịch vụ các loại hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này.

b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).

Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa; phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có). Trường hợp hoá đơn tự in hoặc hoá đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hoá đơn thì không phải gạch chéo….”

Đồng thời, theo quy định tại Điều 94 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày của Chính phủ quy định về việc thanh toán hợp đồng:

“1. Giá hợp đồng và các điều khoản cụ thể về thanh toán được ghi trong hợp đồng là cơ sở để thanh toán cho nhà thầu. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thanh toán theo đúng thời hạn trong hợp đồng thì chịu trách nhiệm trả lãi đối với phần giá trị thanh toán chậm cho nhà thầu theo quy định trong hợp đồng.

2. Việc thanh toán không căn cứ theo dự toán cũng như các quy định, hướng dẫn hiện hành của Nhà nước về định mức, đơn giá; không căn cứ vào đơn giá trong hóa đơn tài chính đối với các yếu tố đầu vào của nhà thầu như vật tư, máy móc, thiết bị và các yếu tố đầu vào khác.

3. Trong một hợp đồng có nhiều loại hợp đồng khác nhau thì áp dụng nguyên tắc thanh toán tương ứng với từng loại hợp đồng.”

Như vậy, theo các căn cứ trên việc lập hóa đơn giữa liên danh nhà thầu (công ty A và công ty B) cho chủ đầu tư được thực hiện theo một trong hai hướng:

- Công ty A là thành viên đứng đầu liên danh, được sử dụng tài khoản của mình làm tài khoản thanh toán với chủ đầu tư thì Công ty A lập hóa đơn, kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng cho toàn bộ công trình theo hợp đồng. Công ty B xuất hóa đơn cho công ty A tương ứng với phần giá trị công trình đã thực hiện theo quyết toán công trình được nghiệm thu.

- Hoặc căn cứ tỷ lệ phân chia mà 2 công ty đã thỏa thuận trong thỏa thuận liên danh và hồ sơ đấu thầu, thì Công ty A và công ty B lập hóa đơn tương ứng với phần công việc đã thực hiện theo quyết toán được nghiệm thu trực tiếp cho chủ đầu tư.

Và đơn giá đối với các mặt hàng trên hóa đơn mà công ty A xuất cho Chủ đầu tư có thể không phụ thuộc với đơn giá đối với các mặt hàng trên hóa đơn khi Công ty B xuất cho Công ty A. Các bên liên danh tự thỏa thuận, thống nhất về đơn giá nhưng phải phù hợp với hồ sơ thầu.

Trên đây là tư vấn, phân tích quy định pháp luật của chúng tôi. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách qua số hotline: 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected]. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp. Trân trọng cảm ơn!