Gói thầu mua sắm hàng hóa có được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh hay không?

Chào hàng cạnh tranh được hiểu là hình thức gì? Gói thầu mua sắm hàng hóa có được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh hay không? Luật Hòa Nhựt sẽ giải đáp thắc mắc liên quan thông qua bài tư vấn dưới đây:

1. Chào hàng cạnh tranh là hình thức gì?

Chào hàng cạnh tranh là một hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, trong đó các doanh nghiệp hoặc nhà cung cấp cung cấp thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ của họ để thu hút sự quan tâm và mua hàng từ khách hàng. Mục tiêu chính của chào hàng cạnh tranh là tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để đạt được lợi thế trên thị trường và tăng doanh số bán hàng.

Trong quá trình chào hàng cạnh tranh, doanh nghiệp thường sử dụng các phương tiện và công cụ quảng cáo để truyền tải thông điệp về sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Các yếu tố cạnh tranh thông thường bao gồm giá cả, chất lượng, tính năng, thương hiệu, dịch vụ hậu mãi, khuyến mãi và các lợi ích khác mà khách hàng có thể nhận được khi mua hàng.

Chào hàng cạnh tranh đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm vững thông tin về thị trường và khách hàng, nghiên cứu và phân tích đối thủ cạnh tranh để đưa ra chiến lược và ưu điểm cạnh tranh phù hợp. Các doanh nghiệp cũng thường xuyên theo dõi và đánh giá hiệu quả của hoạt động chào hàng để điều chỉnh và cải thiện chiến lược của mình.

Quan trọng trong chào hàng cạnh tranh là tuân thủ các quy định và nguyên tắc cạnh tranh công bằng, không sử dụng các phương pháp không đạo đức hoặc vi phạm luật pháp để đạt lợi thế cạnh tranh.

Hiện nay có hai hình thức chào hàng cạnh tranh bao gồm: chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường và chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn. Và để thực hiện chào hàng cạnh tranh thì cần thỏa mãn các điều kiện sau đây:

- Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;

- Có dự toán được phê duyệt theo quy định;

- Đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu.

2. Gói thầu mua sắm hàng hóa có được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh hay không?

Đấu thầu là việc lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện các hợp đồng liên quan đến các lĩnh vực như cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, ... Như vậy, việc mua sắm hàng hóa cũng là một trong các lĩnh vực, nội dung áp dụng của hoạt động đấu thầu. 

Trong đó, theo khoản 22 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 thì hàng hóa được định nghĩa bao gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phụ tùng; hàng tiêu dùng; thuốc, vật tư y tế dùng cho các cơ sở y tế.

Đồng thời, gói thầu theo định nghĩa tại khoản 22 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 thì được hiểu là một phần hoặc toàn bộ dự án, dự toán mua sắm; gói thầu có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần, khối lượng mua sắm cho một thời kỳ đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung.

Như vậy, có thể hiểu, gói thầu mua sắm hàng hóa là một phần/toàn bộ dự án, dự toán mua sắm máy móc; thiết bị; nguyên, nhiên, vật liệu; thuốc, vật tư y tế; hàng tiêu dùng; vật tư; phụ tùng…

Bên cạnh đó, theo Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2013 và Điều 57 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì chào hàng cạnh tranh được thực hiện theo một trong hai hình thức: 

- Chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường:

Áp dụng đối với gói thầu có giá trị không quá 05 tỷ đồng và thuộc một trong các trường hợp như dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản; mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng; xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt.

- Chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn 

Áp dụng cho gói thầu có giá trị không quá 500 triệu đồng và thuộc một trong các trường hợp như dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản; mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng; xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt.

Đối với gói thầu có giá trị không quá 01 tỷ đổng, chỉ áp dụng cho mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng; hoặc xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt.

Gói thầu mua sắm thường xuyên có giá trị không quá 200 triệu đồng.

Vì thế, chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với các gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản; gói thầu mua sắm hàng hóa, gói thầu xây lắp công trình. Tức là, gói thầu mua sắm hàng hóa được áp dụng chào hàng cạnh tranh.

3. Có bắt buộc phải áp dụng hợp đồng trọn gói đối với gói thầu mua sắm hàng hóa theo chào hàng cạnh tranh?

Căn cứ theo Điều 63 Nghị định 63/2014/NĐ-CP thì hạn mức của gói thầu quy mô nhỏ được quy định như sau:

Gói thầu quy mô nhỏ là gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng; gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng.

Căn cứ các quy định trên, đối với chào hàng cạnh tranh gói thầu mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng thì bắt buộc phải áp dụng hợp đồng trọn gói.

Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu trên 10 tỷ đồng thì không bắt buộc phải áp dụng hợp đồng trọn gói mà có thể áp dụng hợp đồng theo hình thức khác quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 62 Luật đấu thầu năm 2013. Nếu áp dụng hợp đồng theo hình thức khác quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 62 Luật đấu thầu năm 2013, người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải bảo đảm loại hợp đồng này phù hợp hơn so với hợp đồng trọn gói.

4. Các bước thực hiện chào hàng cạnh tranh rút gọn được quy định như nào?

Quy trình chào hàng cạnh tranh rút gọn được quy định tại Điều 59 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Theo đó, thủ tục chào hàng cạnh tranh phải được thực hiện các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị và gửi bản yêu cầu báo giá

- Bản yêu cầu báo giá được lập bao gồm các nội dung về phạm vi công việc, yêu cầu về kỹ thuật, thời hạn hiệu lực của báo giá, thời điểm nộp báo giá, các yêu cầu về bảo hành, bảo trì, đào tạo, chuyển giao, dự thảo hợp đồng, thời gian chuẩn bị và nộp báo giá (tối thiểu 03 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên phát hành bản yêu cầu báo giá) và các nội dung cần thiết khác, không nêu yêu cầu về bảo đảm dự thầu;

- Sau khi bản yêu cầu báo giá được duyệt, bên mời thầu đăng tải thông báo mời chào hàng trên một tờ báo được phát hành rộng rãi trong một ngành, một tỉnh hoặc hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc gửi trực tiếp bản yêu cầu báo giá cho tối thiểu 03 nhà thầu có khả năng thực hiện gói thầu. Trường hợp gửi trực tiếp, nếu trước thời điểm đóng thầu có bất kỳ nhà thầu nào khác đề nghị được tham gia chào hàng thì bên mời thầu phải gửi bản yêu cầu báo giá cho nhà thầu đó. Bản yêu cầu báo giá được phát hành miễn phí theo hình thức gửi trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, thư điện tử (email) hoặc bằng fax.

Bước 2: Nộp và tiếp nhận báo giá

- Nhà thầu chuẩn bị và nộp 01 báo giá theo bản yêu cầu báo giá. Việc nộp báo giá có thể thực hiện theo hình thức gửi trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, thư điện tử (email) hoặc bang fax;

- Bên mời thầu chịu trách nhiệm bảo mật các thông tin trong báo giá của từng nhà thầu. Ngay sau khi kết thúc thời hạn nộp báo giá, bên mời thầu lập văn bản tiếp nhận các báo giá được nộp trước thời điểm đóng thầu bao gồm các nội dung như: Tên nhà thầu, giá chào, thời gian có hiệu lực của báo giá và gửi văn bản tiếp nhận này đến các nhà thầu đã nộp báo giá.

Bước 3: Đánh giá các báo giá

- Bên mời thầu so sánh các báo giá theo bản yêu cầu báo giá. Báo giá được xác định đáp ứng tất cả các yêu cầu trong bản yêu cầu báo giá và có giá chào sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất và không vượt giá gói thầu sẽ được đề nghị lựa chọn;

- Trong quá trình đánh giá, trường hợp cần thiết bên mời thầu mời nhà thầu có giá chào thấp nhất sau khi sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) đến thương thảo hợp đồng.

Bước 4: Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu

Việc trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

Bước 5: Hoàn thiện và ký kết hợp đồng

Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả chào hàng cạnh tranh, biên bản thương thảo hợp đồng và các tài liệu liên quan khác.

Ngoài ra, đối với chào hàng cạnh tranh rút gọn thì thời gian đánh giá các báo giá tối đa là 10 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp báo giá đến khi bên mời thầu có tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu kèm theo báo cáo đánh giá các báo giá; Thời gian thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình thẩm định; Thời gian phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu và báo cáo thẩm định của đơn vị thẩm định.

Liên hệ với Luật Hòa Nhựt qua phương thức: gọi ngay tới số: 1900.868644 hoặc gửi email trực tiếp tại: [email protected] để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng.