Lạm quyền là gì? Quy định pháp luật về lạm quyền

Lạm quyền là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân, đã cố ý vượt quá giới hạn quyền lực cho phép, vượt quá quyền hạn mà pháp luật giao cho khi thi hành công vụ, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

1. Lạm quyền là gì ?

Đầu tiên có thể hiểu lạm quyền là làm những việc trong quyền hạn của mình để phục vụ mục đích riêng nào đó không đi đến mục tiêu chung của quyền hạn đề ra .

Lạm quyền là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân, đã cố ý vượt quá giới hạn quyền lực cho phép, vượt quá quyền hạn mà pháp luật giao cho khi thi hành công vụ, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân (Theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).

2. Cấu thành tội lạm quyền

* Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn. Người không có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản không được coi là chủ thể của tội này. Và nếu chủ thể không có chức vụ, quyền hạn cũng sẽ không cấu thành nên tội này.

* Khách thể của tội phạm

Tội phạm này đã xâm hại đến hai quan hệ xã hội bao gồm:

– Thứ nhất là xâm phạm đến tính đúng đắn và trật tự của hoạt động thực hiện công việc, nhiệm vụ.

– Thứ hai, tội phạm đã xâm hại đến quan hệ sở hữu tài sản của người khác.

* Mặt khách quan

Hành vi khách quan của tội này là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng cách lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, người phạm tội dựa trên cơ sở chức vụ, quyền hạn của mình đã vượt ra ngoài phạm vi của chức vụ, quyền hạn đó.

Hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác ở tội phạm này được thể hiện dưới những hình thức khác nhau, bao gồm các hình thức sau đây:

– Lạm dụng chức vụ, quyền hạn uy hiếp tinh thần người khác để chiếm đoạt tài sản của họ; đây là trường hợp người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn để đe dọa, cưỡng bức người khác, chiếm đoạt tài sản của họ. Người bị đe dọa vì sợ gây thiệt hại nên phải để cho người có chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

– Lạm dụng chức vụ, quyền hạn lừa dối người khác chiếm đoạt tài sản của họ: đây là trường hợp người phạm tội vượt quá chức vụ, quyền hạn của mình đưa ra những thông tin không đúng sự thực với người khác về việc giao tài sản và chiếm đoạt tài sản trên cơ sở người bị lừa dối tin và giao tài sản.

– Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác được giao cho người phạm tội trên cơ sở tín nhiệm: đây là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn được người khác tín nhiệm giao tài sản nhưng đã lạm dụng sự tín nhiệm đó và chiếm đoạt tài sản.

Lưu ý: Tài sản mà người phạm tội chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, nếu tài sản chiếm đoạt chư đến 2 triệu thì sẽ không cấu thành tội phạm này. Trừ trường hợp nếu tài sản dưới 2 triệu nhưng đã từng bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc Đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

* Mặt chủ quan

– Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ được hành vi của mình có tính chất nguy hiểm cho xã hội mà vẫn thực hiện, thấy trước hành vi đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Và người phạm tội mong muốn khi mình thực hiện hành vi sẽ chiếm đoạt được tài sản từ người khác về cho mình.

– Động cơ phạm tội là vụ lợi: Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội bởi vì lòng tham lam của cải vật chất, muốn biến tài sản của người khác thành tài sản của mình.

3. Khung hình phạt

Có 4 khung hình phạt như sau:

– Khung 1: Khung cơ bản có mức phạt tù từ 01 năm đến 06 năm. Khung này được áp dụng khi người phạm tội chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:

+) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

+) Đã bị kết án về một trong các tội về tham nhũng nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Khung 2: Khung tăng nặng có mức phạt tù từ 06 năm đến 13 năm. khung này áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp sau:

+) Có tổ chức;

+) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

+) Phạm tội 02 lần trở lên;

+) Chiếm đoạt tài sản có trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

+) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

– Khung 3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng; Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

– Khung 4; Mức phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân, được áp dụng trong các trường hợp sau:

+) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

+) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, còn có các hình phạt bổ sung:

+) Người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm,

+) Có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến dưới 1.00.000.000 đồng,

+) Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

* Cơ sở pháp lý: Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;

d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

6. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ 01 đến 06 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

7. Lạm quyền đa số và lạm quyền thiều số được hiểu như thế nào?

Trong quá trình hoạt động của Công ty cổ phần nhất là công ty có số lớn cổ đông, thường hình thành các nhóm có cùng quyền lợi, khi nhóm này nắm đa số cổ phần thì gọi là nhóm đa số, nhóm có ít cổ phần hơn gọi là nhóm thiểu số. Trong các phiên họp Đại hội đồng cổ đổng, nhóm đa số có thể lợi dụng ưu thế của mình khiến Đại hội đưa ra các nghị quyết có lợi cho nhóm và làm thiệt hại đến quyền lợi của nhóm thiểu số cổ đông. Mặt khác nhóm thiểu số cũng có thể liên kết với nhau biểu quyết chống lại nghị quyết của Đại hội đồng khiến công ty lâm vào tình trạng bê' tắc.

Gặp các trường hợp trên người quản lý công ty hay cổ đông có thể khởi kiện trước Toà án để yêu cầu Toà tuyên bố sự lạm dụng quyền của đa số hay thiểu số, hủy bỏ các nghị quyết liên quan và đòi bồi thường thiệt hại nếu có, Toà án sẽ áp dụng ở đây nguyên tắc chung của Bộ luật Dân sự theo đó: hễ ai hành xử quyền lợi của mình một cách lạm dụng mà làm thiệt hại đến quyền lợi của người khác thì được xem là có lỗi và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (lý thuyết lạm quyền).

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!